Cần nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông
LSO-Tại thành phố Lạng Sơn, khi tham gia giao thông, nếu để ý sẽ dễ dàng bắt gặp những tình huống vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà rõ ràng người tham gia giao thông biết nhưng vẫn phớt lờ. Tại nhiều ngã tư đèn xanh, đèn đỏ không có biển báo “Đèn đỏ được phép rẽ phải” nhưng nhiều người vẫn vô tư phóng qua. Tại những ngã tư có biển báo “Đèn đỏ được phép rẽ phải” thì nhiều người lại dừng xe trên phần đường dành cho phương tiện rẽ phải khiến người được ưu tiên không thể lưu thông.
Phụ huynh dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định cản trở giao thông |
Anh Vũ Tuấn, thị trấn Đình Lập, một lái xe ô tô cho biết: nhiều người dừng xe lấn cả phần đường được ưu tiên, mình đã xi nhan xin đường và bấm còi ra hiệu nhưng họ vẫn phớt lờ nên dù được phép rẽ cũng vẫn phải dừng lại chờ đèn xanh.
Cùng với đó, rất nhiều lỗi về ý thức như: chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe… Tình trạng này diễn ra phổ biến trong thời gian qua khiến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông gặp rất nhiều khó khăn.
Trung tá Nguyễn Cao Huy, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an thành phố Lạng Sơn cho biết: phần lớn số vụ tai nạn giao thông xảy ra trong thời gian qua, nguyên nhân đều là do ý thức của người điều khiển phương tiện. Để người tham gia giao thông nắm được các quy định về an toàn giao thông, các ban, ngành liên quan, lực lượng chức năng đã nỗ lực rất nhiều trong tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ mất an toàn… phù hợp với từng đối tượng. Hơn nữa bản thân người điều khiển phương tiện đều phải có giấy phép lái xe. Trong quá trình học để được cấp giấy phép lái xe, việc sát hạch nắm được những quy định về Luật Giao thông đường bộ là yêu cầu bắt buộc. Như vậy, không thể nói là người tham gia giao thông không biết, chưa cập nhật các thông tin, quy định mới.
Theo cảnh sát giao thông nhiều huyện, thành phố, những khu vực có lưu lượng phương tiện cao, điểm dễ xảy ra tai nạn, ách tắc khi có lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ, người và phương tiện chấp hành rất nghiêm túc nhưng khi lực lượng này vắng mặt thì giao thông lại trở nên hỗn loạn. Từ đó, có thể thấy, việc chấp hành của người tham gia giao thông chủ yếu còn nặng tư tưởng đối phó với cơ quan chức năng chứ chưa thực sự trở thành ý thức tự giác. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở một vài nơi mà phổ biến trên địa bàn toàn tỉnh. Việc người dân chưa tự nâng cao ý thức khi tham gia giao thông đã dẫn đến nhiều vụ va chạm, tai nạn giao thông, thậm chí là người điều khiển phương tiện tự ngã do sự bất cẩn, chủ quan của bản thân. Từ đầu năm đến nay, qua công tác kiểm tra, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã lập biên bản trên 40.700 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt, nộp kho bạc nhà nước trên 26,5 tỷ đồng. Tạm giữ 8.088 phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn 3.120 trường hợp.
Tai nạn giao thông không chỉ khiến nạn nhân giảm sút, mất khả năng lao động, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt mà còn trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội mà người thiệt thòi nhất chính là nạn nhân và những người thân trong gia đình. Chính vì vậy, mỗi người cần tự rèn cho mình thói quen chấp hành các quy định về an toàn giao thông ngay cả khi không có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Như vậy, không chỉ đảm bảo an toàn cho bản thân mà còn giáo dục các thế hệ sau về ý thức tự giác chấp hành pháp luật và văn hóa giao thông.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()