Cần nâng cao văn hóa an toàn hàng không
Chiều 21/1, tại TP.Hồ Chí Minh, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Cục Hàng không Việt Nam và Báo Sài gòn Giải phóng phối hợp tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Văn hóa an toàn hàng không”.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, thị trường Hàng không tại Việt Nam đang có những bước tăng trưởng vững chắc.Trong năm 2014, số lượng hành khách thông qua các Cảng hàng không là 50,5 triệu khách, tăng 12,3% so với năm 2013. Số hàng hóa thông qua là 906.000 tấn, tăng 18,1% so với năm 2013.
Tại buổi tọa đàm, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, dù ngành hàng không dân dụng trong nước đang đạt được những kết quả tốt, đã vận hành 17 năm mà chưa xảy ra sự cố đáng tiếc nào về người, thế nhưng diễn biến các sự cố hàng không quốc tế trong các năm gần đây đang đặt ra những cảnh báo thực sự hệ trọng. Theo ông Hùng, những rủi ro có thể thấy rõ là thị trường vận tải hàng không tăng đột biến, tuy nhiên nhân lực chất lượng cao, được đào tạo chuyên ngành lại thiếu trầm trọng; trách nhiệm người thi hành công vụ còn nhiều khiếm khuyết, sai sót. Cục Hàng không Việt Nam cũng thừa nhận hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cũng như tiêu chuẩn an toàn hàng không chưa thực sự đồng bộ; kèm theo đó là những yếu tố năng lực hạ tầng hàng không vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khai thác của thị trường.
Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, sự hiểu biết cũng như ý thức chấp hành quy định của hành khách về lĩnh vực hàng không nói chung và an toàn hàng không nói riêng vẫn còn rất hạn chế. Ông Đặng Quốc Bảo, Phó Ban an ninh an toàn Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam cho biết thêm, những hành vi gây mất an toàn thường gặp như đối với hành khách là hút thuốc trên máy bay, lấy áo phao trên máy bay, tung tin có bom, mở cửa thoát hiểm… Hiện các hành vi này đang có chiều hướng tăng gây nguy hiểm đến an toàn bay. Bên cạnh đó, những hành vi tiêu cực của người dân sống quanh khu vực cảng hàng không cũng đang là mối nguy của an toàn hàng không như: trồng cây trái phép ở quanh khu bay, gây ảnh hưởng tĩnh không tầm nhìn; nuôi chim, vật nuôi xung quanh cảng hàng không; lấy trộm, phá hoại trang thiết bị cảng hàng không; thả diều quanh sân bay; đốt rơm rạ, rác hoặc vật gây khói ở quanh cảng hàng không gây ảnh hưởng đến tầm nhìn; chăn thả gia súc trong khu vực bay; đi tắt, đi ngang trái phép qua khu vực đường cất hạ cánh hoặc vui chơi, xả rác trái phép vào khu vực bay.
Tuy nhiên, văn hóa an toàn hàng không cụ thể là thế nào cũng là nội dung được các đại biểu thảo luận. Tại buổi tọa đàm, các ý kiến cho rằng, văn hóa an toàn nằm trong chính ý thức, cách ứng xử, tinh thần trách nhiệm của mỗi người tham gia giao thông hàng không, vì lợi ích bản thân và lợi ích cộng đồng. Văn hóa an toàn hàng không nhắm đến việc thay đổi ý thức trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên trong ngành, đồng thời truyền thông điệp chung cho cộng đồng xã hội.
Các đại biểu cho rằng, để đảm bảo an toàn hàng không cần đẩy mạnh triển khai xây dựng hệ thống quản lý an toàn hàng không và chương trình an toàn hàng không. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động nâng cao nhận thức văn hóa an toàn hàng không giai đoạn 2014-2020. Cung cấp thông tin về an ninh, an toàn hàng không cho hành khách đi tàu bay thông qua truyền hình, báo chí. Phối hợp với đơn vị quản lý nhà nước tuyên truyền cho người dân sống xung quanh sân bay về an ninh, an toàn hàng không.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()