Cần nâng cao tính chủ động
LSO-Ngày 13/3/2014, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ra Quyết định số 287/QDD-UBND công bố hết dịch lở mồm long móng (LMLM) gia súc trên địa bàn xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng. Như vậy, sau hơn một tháng (tính từ ngày 6/1 – thời điểm công bố dịch LMLM), với sự vào cuộc tích cực và chủ động của ngành chức năng, dịch LMLM trên đàn gia súc ở xã Gia Lộc đã hoàn toàn được khống chế. Tuy nhiên, qua đợt bùng phát dịch vừa qua vẫn còn đó những bài học cần rút kinh nghiệm.
Phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại tại xã Gia Lộc trong đợt dịch vừa qua |
Theo thống kê của chính quyền xã Gia Lộc và đơn vị thú y huyện Chi Lăng, đợt dịch LMLM trên đàn gia súc vừa qua, số trâu bò bị chết là rất nhỏ, chỉ có 8 con bị chết trên tổng số 305 con bị nhiễm bệnh. Về chi phí bỏ ra để xử lý dịch cũng không quá nhiều, chỉ mất 274 lít hóa chất và 9.500 kg vôi bột. Nhưng nhìn lại cả một quá trình từ khâu phòng bệnh đến khi phải khoanh vùng dập dịch thì có rất nhiều điều đáng phải quan ngại.
Qua tìm hiểu, được biết, trước thời điểm phát hiện đàn trâu, bò ở thôn Nam Nội bị bệnh LMLM, trên địa bàn xã Gia Lộc đã xuất hiện 2 loại bệnh trên đàn gia súc là: bệnh tụ huyết trùng và bệnh lép-tô. Tuy nhiên, khi các cán bộ thú y xuống tiến hành tiêm phòng thì phần lớn bà con chăn nuôi không hợp tác. Theo lời một cán bộ thú y, chỉ nội việc nhờ bà con lùa đàn gia súc về để tiêm phòng, bà con trả lời rằng không cần thiết, nếu bị bệnh chết thì bà con chịu. Không những vậy, còn cả những câu chuyện thú y viên đi tiêm, chủ nhà phó mặc cho cán bộ tiêm, kết quả là có người đã bị trâu húc. Ông Nguyễn Văn Châm, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Chi Lăng tâm sự: ngoài việc thiếu ý thức trong việc hợp tác tiêm phòng cho đàn gia súc, thì tập quán chăn nuôi thả rông của bà con cũng khiến công tác phòng dịch bệnh càng trở nên khó khăn. Theo ông Châm thì nguyên nhân chính của tình trạng này là mấy năm qua, ở Chi Lăng nói chung và ở Gia Lộc nói riêng chưa xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc nên người dân đã chủ quan, cho rằng việc tiêm phòng là không cần thiết.
Ngay sau khi UBND tỉnh Lạng Sơn công bố dịch LMLM trên đàn gia súc tại xã Gia Lộc, đoàn công tác của Cục Thú y – Bộ NN&PTNT đã đến tận nơi kiểm tra và theo đánh giá của Cục Thú y thì nguyên nhân bùng phát dịch ở Gia Lộc xuất phát từ miền Trung (thời điểm tháng 12/2013 khu vực miền Trung đang bùng phát dịch LMLM trên diện rộng). Theo đó, với quốc lộ 279 chạy qua xã Gia Lộc, rất có thể mầm bệnh xuất phát từ những xe vận chuyển gia súc qua lại con đường này. Mặt khác, có thể người dân đã mua gia súc từ vùng có dịch về địa bàn chăn nuôi. Sau khi công bố dịch, tỉnh đã chỉ đạo lập chốt kiểm soát tạm thời tại hai điểm vào và ra xã Gia Lộc nhưng đây chỉ là biện pháp chống dịch bệnh lây lan mà thôi. Nhìn theo một hướng khác, tìm một nguyên nhân sâu xa hơn, có thể thấy rằng, nhiều đơn vị vẫn cho rằng phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm chỉ là công việc của cơ quan thú y, chính vì vậy mà công tác tuyên truyền, giám sát thực hiện chưa thực sự sâu sát.
Trong thời điểm dịch bệnh LMLM đang diễn ra ở Gia Lộc, ông Nguyễn Văn Châm, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Chi Lăng cho biết: việc phát hiện có bệnh LMLM là từ phía cán bộ thú y viên cơ sở. Không chỉ ở Gia Lộc mà hầu như ở những nơi đã từng xuất hiện dịch bệnh trên đàn gia súc, cũng như trên đàn gia cầm, hầu hết đều từ cán bộ thú y. Như vậy, có một câu hỏi cần phải đặt ra là: vai trò của trưởng thôn ở đâu? Việc giám sát, đôn đốc của chính quyền xã được tổ chức như thế nào? Một điều đáng kể nhất, đó là: Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của xã không biết đã thành lập chưa và có thành lập thì thành lập từ khi nào, nhưng đến thời điểm UBND tỉnh công bố dịch, xã Gia Lộc mới “kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch”, phân công các thành viên phụ trách địa bàn, phối kết hợp các chi, tổ hội ở thôn… Từ trường hợp thực tiễn này cho thấy, ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cấp xã thành lập chắc chỉ khi có dịch mới hoạt động?
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra và nếu chính quyền cấp cơ sở không nhanh chóng thay đổi nhận thức trong công tác phòng dịch bệnh thì bảo sao người dân không thờ ơ với dịch bệnh. Chỉ nội việc tiêm phòng, nếu trước khi tiêm phòng, các cán bộ xã đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân rồi thì khi cán bộ thú y đến tiêm phòng sẽ dễ hơn rất nhiều. Trở lại câu chuyện ở Gia Lộc, may mắn là thiệt hại trong đợt dịch vừa qua không lớn, nhưng đã đến lúc chính quyền và đoàn thể các cấp cần có sự quyết liệt hơn nữa, bằng nhiều hình thức tuyên truyền sâu, rộng và hiệu quả hơn nữa để nâng cao ý thức của cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh. Làm tốt công tác này từ cấp cơ sở, chắc chắn công tác phòng bệnh sẽ hiệu quả hơn.
TRÍ DŨNG - ĐĂNG THÙY
Ý kiến ()