Cần nâng cao nhận thức của người dân
LSO-Trong 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh tuy chưa ghi nhận trường hợp người tử vong do dại, nhưng số ca bị phơi nhiễm dại đi điều trị dự phòng lại tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015.
Người dân đến tiêm vắc xin phòng bệnh dại tại Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh |
Tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, sáng 23/6/2016, có không ít người đến tiêm vắc – xin phòng bệnh do chó dại cắn. Anh Hoàng Văn Tỉnh, thôn Nà Kéo, xã Quý Hòa (Bình Gia) cho biết: Ngày 21/6/2016, con tôi đang chơi ở vườn nhà thì bất ngờ bị con chó nhà hàng xóm chạy đến cắn vào chân. Ngay sau đó, con chó bị người dân gần đó đánh chết. Đặc biệt, con chó có biểu hiện sùi bọt ở mõm, gặp gì là cắn đấy… Được biết, gia đình anh Tỉnh thuộc diện hộ nghèo của xã vùng đặc biệt khó khăn, gia đình anh phải bán lợn để có tiền tiêm cho con. Theo anh Tỉnh, việc nuôi chó thả rông là tình trạng phổ biến ở trong thôn, xã, vì thế rất nguy hiểm cho người khi bị chó cắn.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: Trên địa bàn tỉnh tuy chưa ghi nhận trường hợp người tử vong do dại, nhưng số ca bị phơi nhiễm dại đi điều trị dự phòng lại tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2016, có 1.659 trường hợp, so với cùng kỳ 2015 chỉ có 936 người. Số người tử vong do chó dại cắn từ 2008 đến 2015 có 8 người.
Về công tác điều trị dự phòng sau khi bị chó cắn, ông Trường nhấn mạnh: Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm hết sức nguy hiểm. Người bị nhiễm dại khi đã lên cơn thì không thể cứu được. Vì vậy, khi bị chó cắn cần đi tiêm phòng vắc – xin dại càng sớm càng tốt. Sau khi bị chó cắn, cần sơ cứu tại chỗ viết thương như rửa vết thương bằng nước xà phòng đặc hoặc cồn, không nên nặn bóp, hơ nóng bằng hương hoặc bôi dầu như dân gian vẫn thường làm.
Theo thống kê của Chi cục Thú y tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 116.000 con chó. Đặc biệt, số con nghi nhiễm bệnh dại ngày càng tăng, giai đoạn 2011-2015 mới có 24 con nghi nhiễm bệnh dại. Trong khi đó, từ đầu năm 2016 đến nay, có 40 con chó nghi mắc bệnh dại (trong đó, Văn Lãng có 16 con tại 6 xã; Văn Quan có 24 con tại xã Trấn Ninh). Điều đáng chú ý là, tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó đạt thấp, trong 5 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó chỉ đạt khoảng 10% tổng đàn.
Ông Dương Doãn Doanh, Chi cục Phó Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Nguyên nhân tỷ lệ tiêm vắc – xin phòng bệnh dại cho vật nuôi đạt thấp là do một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức được mối nguy hại của bệnh dại, nên không tự giác tiêm phòng vắc – xin dại cho đàn chó, mèo. Trong khi đó, tập quán nuôi chó thả rông vẫn phổ biến khiến việc tổ chức tiêm phòng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số nơi, chính quyền cơ sở chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo tiêm phòng, còn khoán trắng cho cơ quan chuyên môn; chưa thực hiện đúng quy định xử phạt hành chính đối với những hộ nuôi chó, mèo không chấp hành tiêm phòng vắc xin bệnh dại;…
Để làm tốt công tác phòng chống bệnh dại, ngoài sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ngành chức năng, người dân cần nâng cao nhận thức về phòng chống bệnh dại – điều này vô cùng quan trọng và có tính quyết định. Nếu mọi người dân đều nhận thức được mức độ nguy hiểm của bệnh dại, tầm quan trọng của việc tiêm phòng dại cho động vật nuôi và tự giác đi tiêm phòng khi bị chó cắn thì công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh mới đạt được mục đích đề ra.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()