Cần nâng cao năng lực công tác dự báo trong phòng chống thiên tai
- Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị Rút kinh nghiệm công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 1 và bão số 2 diễn ra chiều 8/8, tại Hà Nội. Hội nghị do Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã tổ chức.
Còn nhiều hạn chế trong công tác ứng phó với bão
Theo ông Hoàng Văn Thắng – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai , cơn bão số 1 đổ bộ vào vùng biển các tỉnh Thái Bình đến Ninh Bình chiều tối ngày 27/7, gây gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 11-13, thời gian duy trì gió mạnh kéo dài đã làm 7 người chết và mất tích, 63 người bị thương; 2.989 nhà bị đổ sập hoàn toàn; 82.654 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 511 nhà bị ngập nước.
Về nông nghiệp, lúa bị ngập 216.194ha, trong đó, 54.802 ha bị thịêt hại, 17.575ha mất trắng, rau màu bị hư hại 28.372ha. Cây trồng lâu năm, hàng năm và cây ăn quả bị gãy đổ, giảm năng suất 124.149ha; 22.744ha thủy sản và 302 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại,…Tổng thiệt hại ước tính trên 6.442 tỷ đồng.
Cùng với đó, bão số 2 tuy không đổ bộ trực tiếp vào Việt Nam nhưng từ ngày 3-5/8, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, các tỉnh miền núi phía Bắc có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Mưa lớn đã gây sạt lở đất, lũ quét nghiêm trọng tại các huyện Bát Xát, Sa Pa tỉnh Lào Cai; gây dông, lốc sét, mưa đá, sạt lở nhỏ tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên.
Tính đến ngày 6/8, mưa lũ, sạt lở đất đã làm 13 người chết và mất tích, 19 người bị thương; 58 nhà bị đổ sập, cuốn trôi; 3.534 nhà bị tốc mái, hư hại; 500 nhà bị ngập nước. Khoảng 10.226ha lúa và 1.114ha hoa màu bị ngập, vùi lấp. Khoảng 1.027ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Ước thiệt hại trên 266 tỷ đồng.
Nhìn nhận về diễn biến và công tác triển khai ứng phó bão số 1 và hoàn lưu bão số 2, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai cho rằng, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương, kịp thời từ Trung ương đến các địa phương, vẫn còn những hạn chế, yếu kém tồn tại trong quá trình ứng phó. Đó là công tác dự báo về tình hình, diễn biến, cường độ của cơn bão vẫn chưa sát với thực tiễn, đặc bịêt ở bão số 1, khi càng vào gần đất liền bão càng mạnh hơn và lưu bão kéo dài trong nhiều giờ gây bị động trong triển khai ứng phó cho người dân và các cấp chính quyền.
Bên cạnh đó, một số công trình phòng, chống thiên tai như đê điều, kè, cống đã xuống cấp, song thiếu kinh phí để đầu tư, nâng cấp nên đã xảy ra sự cố khi bão đổ bộ như hệ thống kè chống sạt lở bờ sông tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình. Các địa phương đã xây dựng phương án ứng phó với bão, tuy nhiên, một số nội dung như trồng, chặt tỉa cành cây, khơi thông dòng chảy, neo đậu tàu thuyền, bảo vệ sản xuất trước thiên tai,…còn nhiều bất cập dẫn đến số lượng lớn cây xanh bị đổ, gây thiệt hại về người, công trình.
Cần nâng cao công tác dự báo về thiên tai
Đây cũng là ý kiến chung của các đại biểu tham gia Hội nghị từ việc rút kinh nghiệm qua việc theo dõi, triển khai ứng phó với bão số 1 và hoàn lưu bão số 2. Theo các đại biểu, rất cần đầu tư hơn nữa cho ngành thủy văn, đảm bảo công tác dự báo sát với thực tế. Để làm được điều này, rất mong Bộ Tài nguyên và Môi trường đầu tư về cơ sở vật chất, nâng cao nguồn nhân lực, tăng cường hợp tác quốc tế. Thông qua đó, đảm bảo thông tin dự báo ít sai số, làm cơ sở để tham mưu cho công tác triển khai ứng phó với bão trong thực tế.
Cùng với công tác dự báo, tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao công tác khắc phục cho lúa bị ngập úng sau bão số 1 của các tỉnh bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, qua công tác chỉ đạo, ứng phó, Bộ trưởng nhấn mạnh các địa phương cần có các phương án dự phòng để tiêu úng cho cây trồng, rà soát lại thiết kế các công trình,…để đảm bảo có kinh nghiệm ứng phó nếu có thiên tai tương tự diễn ra.
Trước những thiệt hại do bão số 1 và hoàn lưu bão số 2 gây ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai cần tập trung tìm kiếm người bị mất tích, thăm hỏi, hỗ trợ những gia đình nạn nhân, hỗ trợ người dân dựng lại nhà cửa, không để hộ dân nào thiếu đói. Chính quyền vận động cộng đồng, xã hội để hỗ trợ để người dân có nhà ở an toàn, ở những nơi không bị nguy hiểm. Cùng với đó, tập trung khắc phục sản xuất nông nghiệp, khắc phục hệ thống hạ tầng giao thông bị hư hỏng, đảm bảo các tuyến giao thông thông suốt.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ tạo điều kiện nâng cao năng lực của Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương và các cơ quan liên quan. Các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường phối hợp, tăng thời lượng phát sóng để thông tin kịp thời về diễn biến của bão, thiên tai đến nhân dân, cộng đồng để chủ động ứng phó kịp thời.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()