LSO-Vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành lập đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện các chính sách lao động, tiền lương, BHXH, BHYT tại 10 doanh nghiệp trên địa bàn, gồm Công ty THHH Duy Quang, Công ty cổ phần Xây dựng Trường An, Công ty TNHH Hà Sơn, Công ty TNHH Hàng Phong, Công ty TNHH Thảo Viên, Công ty cổ phần Tam Gia, Công ty TNHH Hà Lâm, Công ty CP Trung Việt, Công ty CP Lâm Sản và Công ty cổ phần Non Nước.
|
Sản xuất gốm sứ tại Công ty TNHH Hưng Thịnh – Ảnh: Trí Dũng |
Qua kiểm tra đã phát hiện tình trạng vi phạm pháp luật về lao động, BHXH, BHYT khá phổ biến. Cụ thể, tại 10 đơn vị được kiểm tra có tới 08/10 đơn vị ký hợp đồng lao động không đúng quy định, 8 đơn vị chưa xây dựng được thang bảng lương và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về lao động; có 289 lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc nhưng chưa được tham gia. Có 7/10 đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp từ 3 đến 36 tháng với tổng số tiền lên tới gần 500 triệu đồng… Việc ký kết hợp đồng không đúng nội dung, ghi không rõ mức tiền lương, tiền công và các chế độ khác của người lao động như thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chế độ BHXH, BHYT, chế độ nâng bậc lương… chính là khe hở mà chủ sử dụng lao động cố tình tạo ra để không thực hiện những quyền lợi hợp pháp của người lao động. Nhiều đơn vị vì không có thang bảng lương nên chỉ tham gia BHXH, BHYT cho người lao động theo mức tiền lương tối thiểu, thấp hơn mức thu nhập thực tế của người lao động từ 2 đến 4 lần. Cá biệt có 3 đơn vị (Công ty Cổ phần Trung Việt, Công ty TNHH Hà Sơn, Công ty cổ phần Tam Gia) đã thu tiền đóng BHXH, BHYT của người lao động nhưng không nộp vào quỹ BHXH, BHYT. Từ những vi phạm của doanh nghiệp đã dẫn đến hệ quả người lao động không được hưởng đầy đủ, kịp thời các chế độ về BHXH, BHYT, do tham gia BHXH ở mức lương thấp nên mức hưởng các chế độ BHXH cũng ở mức thấp. Đặc biệt là việc hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT không được thực hiện do doanh nghiệp nợ đọng BHXH kéo dài, người lao động không được cấp thẻ BHYT…, nhưng trước sức ép việc làm, hầu hết người lao động không dám đấu tranh đòi quyền lợi.
Được biết những vi phạm như trên không phải là mới và đây cũng không phải là lần đầu tiên đoàn thanh tra liên ngành tổ chức thanh, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho người lao động tại các doanh nghiệp. Đã hơn 3 năm thực hiện Luật BHXH, Nghị định 135/2007/NĐ-CP ngày 16/8/2007 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH nhưng trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị nào bị xử phạt. Những vi phạm pháp luật về BHXH vẫn diễn ra và người thiệt thòi cuối cùng vẫn là người lao động. Khi chưa có Luật BHXH và Nghị định 135/2007/NĐ-CP chưa ra đời, việc xử lý các vi phạm hành chính về BHXH thường không được thực hiện hoặc thực hiện thiếu kiên quyết đối với các đơn vị vi phạm pháp luật về BHXH với lý do thiếu chế tài, chế tài chưa đủ mạnh. Từ đó đã dẫn tới tình trạng vi phạm pháp luật về lao động và BHXH xảy ra phổ biến tại hầu hết các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Bây giờ khi đã có chế tài, lại rất cần những nhà quản lý, những người giám sát nghiêm minh để việc thực thi luật đạt hiệu quả, bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Thiết nghĩ, công tác kiểm tra, thanh tra sẽ không phát huy tác dụng nếu công tác xử lý sau kiểm tra, thanh tra không được thực hiện kiên quyết và thấu đáo.
Ý kiến ()