Cần nâng cao hiệu quả quản lý nợ công
Những năm gần đây, nợ công của Việt Nam liên tục gia tăng để bù đắp cho thâm hụt ngân sách. Điểm đáng chú ý, nợ trong nước tăng với tốc độ cao hơn nợ nước ngoài. Đây là một xu hướng chuyển dịch cơ cấu nợ công với tỷ trọng ngày càng gia tăng của nợ trong nước.
Những năm gần đây, nợ công của Việt Nam liên tục gia tăng để bù đắp cho thâm hụt ngân sách. Điểm đáng chú ý, nợ trong nước tăng với tốc độ cao hơn nợ nước ngoài. Đây là một xu hướng chuyển dịch cơ cấu nợ công với tỷ trọng ngày càng gia tăng của nợ trong nước.
Cần có cách tiếp cận mới
Nhận xét về xu hướng trên, TS Phạm Thuỳ Giang, Học viện Ngân hàng cho rằng đây là xu hướng phù hợp để đảm bảo đạt được mục tiêu nợ nước ngoài không quá 50% tổng nợ công đã được nêu trong chiến lược nợ công và nợ nước ngoài quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Nhìn chung, trong giai đoạn 2008 – 2012, nợ công liên tục gia tăng, nhưng tỷ lệ nợ công/GDP vẫn đang trong ngưỡng an toàn cho phép. Theo số liệu của Cục Quản lý nợ và Tài chính Đối ngoại, Bộ Tài chính, năm 2008 tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam là 44,5%; năm 2009 là 52,9%; năm 2010 là 56,8%; năm 2011 tỷ lệ này có giảm so với năm 2010, ở mức 54,9%; nhưng đến năm 2012, lại có xu hướng tăng trở lại, với tỷ lệ 55,6%. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức an toàn là 65% đã được xác định trong chiến lược nợ công và nợ nước ngoài quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, nếu tính theo thông lệ quốc tế, tức là sẽ bao gồm cả nợ của các doanh nghiệp nhà nước tự đi vay, thì tỷ lệ nợ công/GDP sẽ cao hơn.
Hiện nay chưa có thống kê đầy đủ quy mô nợ tự đi vay của các doanh nghiệp nhà nước nên chưa xác định được tỷ lệ nợ công/GDP chính xác. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào hiện trạng thực tế của các doanh nghiệp nhà nước hiện nay, quy mô tự đi vay của các doanh nghiệp nhà nước sẽ không nhỏ. Rõ ràng, nếu không có sự thống kê đầy đủ, công bố minh bạch thì việc quản lý nợ công sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì thực chất nợ tự đi vay của các doanh nghiệp nhà nước vẫn phải dùng vốn của Nhà nước để trả nợ.
Cũng theo số liệu của Cục Quản lý nợ và Tài chính Đối ngoại, Bộ Tài chính, trong năm 2012, đa số nợ công là nợ chính phủ, chiếm 77,6%, nợ chính phủ bảo lãnh chiếm 20,9% và chỉ có 1,5% là nợ của chính quyền địa phương. Nguồn vốn vay trong nợ chính phủ rất đa dạng. Vay nợ chính phủ trong nước bao gồm trái phiếu chính phủ, chiếm 73,5%, bảo hiểm xã hội chiếm 16,7%, còn lại là từ quỹ tích luỹ, tồn kho Kho bạc Nhà nước. Vay nợ nước ngoài chủ yếu là từ nguồn ODA, chiếm 86,4% trong tổng số vay nước ngoài; ngoài nguồn ODA, là các nguồn vay ưu đãi, vay thương mại. Thực tiễn cho thấy, khi Việt Nam bắt đầu vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình, các nguồn vay từ ODA sẽ bị cắt giảm dần. Vì vậy, trong thời gian tới, nhu cầu vay trong nước sẽ phải tiếp tục tăng lên để bù đắp phần cắt giảm của ODA. Với tỷ lệ thâm hụt ngân sách hàng năm trung bình từ 4,8-5%/năm, nhu cầu vay nợ công sẽ ngày càng gia tăng.
Nợ công có xu hướng tiếp tục tăng
Năm 2013, với tình trạng thu ngân sách gặp rất nhiều khó khăn, khả năng thâm hụt ngân sách sẽ tăng cao. Đặc biệt, trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp giảm sút, nhiều doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, đồng thời, việc thực hiện chính sách miễn giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT và Chính phủ cần thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế sẽ làm giảm nguồn thu trong khi nhu cầu chi tiêu chính phủ vẫn gia tăng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 15/9/2013 ước tính đạt 509,7 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 62,5% dự toán năm. Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 15/9/2013 ước tính đạt 640,4 nghìn tỷ đồng, bằng 65,5% dự toán năm. Như vậy, thâm hụt ngân sách là 130,7 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy, nhiều khả năng năm 2013 thâm hụt ngân sách có thể ở mức 5%, đồng nghĩa với việc mức gia tăng nợ công năm 2013 sẽ tiếp tục tăng cao.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn do chưa có sự chuyển biến tích cực trong mô hình tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2014, 2015 được dự báo ở mức 5,4% và năm 2016 sẽ tăng lên 5,5%. Như vậy, dự báo này thấp hơn nhiều so với dự kiến tăng trưởng của Việt Nam là 6,0% năm 2014 và 6,5% vào năm 2015 và thấp hơn nhiều so với Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011 – 2015 đã đặt ra ở mức 7,0 – 7,5%/năm.
Trước thực trạng nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, nguồn thu ngân sách sẽ giảm, trong khi đó Chính phủ lại cần can thiệp để tạo kích thích cho nền kinh tế. Do vậy, nợ công sẽ tiếp tục gia tăng, và được dự báo sẽ tăng mạnh trong 3 năm tới. Sau 3 năm, nếu việc sử dụng nợ công không hiệu quả, tái cấu trúc nền kinh tế không đạt được kết quả như mong đợi, nền kinh tế sẽ vẫn trong tình trạng đình trệ, và Việt Nam rất có thể sẽ mất ngưỡng an toàn về nợ công.
Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Để quản lý tốt nợ công nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay, đồng thời đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, trên cơ sở đảm bảo duy trì được mức nợ công trong giới hạn an toàn cho phép với mức rủi ro thấp, Việt Nam cần tập trung khắc phục các yếu tố nội tại của nền kinh tế, tạo đà tăng trưởng bền vững. Theo đó, Việt Nam cần xác định các lợi thế cạnh tranh quốc gia, xây dựng những ngành kinh tế trọng điểm để phát huy lợi thế cạnh tranh. Tập trung đầu tư vào kết cấu hạ tầng, giáo dục, khoa học – công nghệ phục vụ trực tiếp cho ngành kinh tế trọng điểm đã xây dựng. Tạo môi trường bình đẳng vho khu vực kinh tế ngoài nhà nước tham gia phát triển ngành.
Xác định lại phạm vi nợ công theo thông lệ quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc cần đưa các khoản tự vay của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công. Việt Nam có khoảng 3.200 doanh nghiệp nhà nước với nhiều tập đoàn, tổng công ty, công ty lớn, nên quy mô tự vay cũng sẽ rất lớn. Điều này có thể dẫn tới làm thay đổi mức nợ công từ mức độ an toàn về mất an toàn. Do vậy, cần đặc biệt quan tâm và nâng cao hiệu quả quản lý nợ công. Cần rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác quy mô nợ tự vay của các doanh nghiệp nhà nước; phân loại các khoản nợ này và đánh giá mức độ rủi ro. Nếu trong trường hợp đã bao gồm cả khoản nợ này mà nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn, thì có thể công khai ngay con số và ban hành các quy định chặt chẽ về việc tự vay của các doanh nghiệp nhà nước.
Tăng cường năng lực của các cơ quan nhà nước trong công tác xây dựng kế hoạch vay, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay. Quá trình lập kế hoạch vay và sử dụng vốn vay cần đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến quản lý và sử dụng nợ công. Cần tạo ra được cơ chế công khai, minh bạch, có sự tham gia của các bên liên quan và tăng trách nhiệm giải trình…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()