Cần nâng cao dân trí trong tiêu dùng
LSO-Hiện nay, người tiêu dùng (NTD) đã biết và sử dụng một số quyền năng của mình như: quyền được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ; quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ… song do nhiều nguyên nhân, khi quyền lợi của mình bị xâm phạm, người dân vẫn chưa biết phát huy các quyền năng được pháp luật quy định để đòi quyền lợi.
Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh kiểm tra tại Siêu thị Thành Đô (thành phố Lạng Sơn) |
Trong “ma trận” hàng giả, hàng nhái
Thấy người ta nói dùng bóng đèn LED tuy giá có hơi cao, nhưng bền và rất tiết kiệm điện, ông Hoàng Mạnh Thống (phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn) ra chợ Đông Kinh mua 2 bóng 1,2 m với giá 240 ngàn đồng/ chiếc. Chưa kịp khoe với ông hàng xóm, thì 2 tuần sau, 1 bóng đã bị mờ. Hỏi ra mới biết là mình mua phải “bóng đểu”. Ra chợ xin đổi, chị chủ quầy nói rằng: “Ông ơi, bóng giá rẻ không có bảo hành. Đây ông mua bóng loại tốt, bảo hành 2 năm giá 540 ngàn đồng/ chiếc…”
Vào quán phở gọi bát “nạm gầu”, khi ăn ông Nguyễn Thanh Nam (phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) phát hiện “nạm” là mấy miếng thịt lợn sề dai nhanh nhách. Gẩy mấy miếng thịt sang một bên, khều ăn mấy sợi phở, đứng dậy trả 30 ngàn đồng mà ông cứ bần thần không phải vì đói mà vì tiếc tiền…
Đó chỉ là 2 trường hợp mua phải hàng nhái, ăn phải của giả trong đời sống sinh hoạt, tiêu dùng thường ngày. Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, nếu năm 2011, cơ quan QLTT tiến hành kiểm tra 127 vụ, phát hiện và xử lý 65 vụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng (tỷ lệ 44,09%), số tiền phạt là 554 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu là 2,37 triệu đồng; thì năm 2015 đã kiểm tra 124 vụ và xử lý 122 vụ (98,38%), phạt gần 1,6 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa trị giá gần 2,7 tỷ đồng. Số liệu trên chứng tỏ không những cơ quan QLTT phát hiện “trúng” hơn, xử lý tích cực hơn, mà nó còn thể hiện số vụ hàng giả, hàng nhái được phát hiện đã tăng rất nhiều lần so với 5 năm trước.
Quyền được bảo vệ
Một trong 3 vấn đề cần phải giải quyết để bảo vệ NTD mà Tiến sĩ Lương Đăng Ninh, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD Lạng Sơn (Langsonstas) đưa ra là NTD cần phải được trang bị đầy đủ kiến thức để tự bảo vệ. Ông cho rằng, trước hết họ cần có kỹ năng để phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; biết cách để được bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn cam kết. Theo ông Phan Thế Thắng, Phó Trưởng Phòng bảo vệ quyền lợi NTD – Cục quản lý cạnh tranh Bộ Công thương, để thực hiện quyền được bồi thường, trước hết mỗi người dân phải là NTD thông thái. Nghĩa là phải tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua sản phẩm; lựa chọn tiêu dùng sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; lưu và giữ cẩn thận hóa đơn, chứng từ, hướng dẫn sử dụng và giấy bảo hành (nếu có); thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng sản phẩm… Vấn đề cơ bản là cần thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện sản phẩm không đúng như thông tin ghi trong phiếu, hóa đơn hoặc những trục trặc thuộc lỗi nhà sản xuất, phân phối.
Tuy nhiên, trong “ma trận” của hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, sự đa dạng về cách thức mua bán (mua trực tiếp, mua từ xa…), đối với những mặt hàng có giá trị không lớn (thường từ vài chục ngàn đồng đến mức dưới 1 triệu đồng), NTD thường chịu “bỏ qua” vì nghĩ rằng các thủ tục đòi bồi thường rất nhiêu khê.
Ở Lạng Sơn, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD được thành lập từ năm 2009 và đã đạt được nhiều kết quả trong hoạt động của mình. Đối với NTD, hội là những người đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ; đối với nhà sản xuất, phân phối, hội là một kênh tư vấn, phản biện, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng những mặt hàng chất lượng tốt, góp tiếng nói bài trừ hàng hóa chất lượng xấu, hàng nhái, hàng giả. Ông chủ tịch Langsonstas khuyến cáo NTD rằng, nếu quyền lợi bị xâm phạm, hãy đến với Langsonstas để được bảo vệ.
Hàng hóa không có NTD sẽ không có giá trị; nói cách khác, chính nhu cầu tiêu dùng của xã hội đã làm nên giá trị hàng hóa. Vì vậy, NTD là tác nhân kinh tế thúc đẩy sản xuất phát triển. Trang bị những kiến thức cho NTD là một phần của công tác nâng cao dân trí, tăng cường sự gắn kết, tin tưởng giữa nhà sản xuất chân chính với xã hội tiêu dùng.
MINH HỒNG
Ý kiến ()