Cần nâng cao công tác quản lý nhà nước về khoa học - công nghệ
LSO-Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lạng Sơn, trong giai đoạn mà Việt Nam nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng đang trong quá trình hội nhập cả bề rộng và chiều sâu vào kinh tế quốc tế, hơn lúc nào hết, Lạng Sơn cần phải đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ để theo kịp sự phát triển chung.
Tuy nhiên, hiện tại công tác quản lý khoa học từ cấp xã, huyện và cả cấp tỉnh chưa đồng bộ và hợp lý đã phần nào cản trở sự phát triển của lĩnh vực KH&CN. Nhận thấy rõ hạn chế này, thời gian qua, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở KH&CN Lạng Sơn đang khảo sát, tìm giải pháp, soạn thảo tài liệu để triển khai một số hoạt động như tập huấn, bồi dưỡng… nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về KH&CN tại một số huyện cũng như một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Sở KH&CN kiểm tra mô hình nuôi dúi của huyện Bình Gia |
Thực tế, tại Lạng Sơn hiện nay, Sở KH&CN hầu như chỉ quản lý trong luồng, chỉ biết đến những đề tài, dự án và những nhiệm vụ KH&CN khác được đầu tư từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học. Các ngành, các huyện nhìn chung đều hoạt động độc lập, “mạnh ai nấy lo” đề tài nghiên cứu khoa học. Các ngành tự tìm đề tài nghiên cứu, thấy hợp với ngành là đăng ký đề tài chứ không mấy khi tham khảo qua đơn vị quản lý nhà nước về khoa học là Sở KH&CN. Cấp huyện cũng vậy, tuy là đầu mối tập trung những dự án, đề tài nghiên cứu khoa học nhưng do không tham khảo trước đơn vị quản lý nhà nước về khoa học nên các dự án, đề tài khoa học thường lặp lại. Không chỉ vậy, do không có đầu mối cụ thể quản lý về KH&CN nên từ nhiều năm nay, có huyện đã có hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học, song vẫn chưa tìm ra được hướng ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.
Tiến sỹ Lương Đăng Ninh, Giám đốc Sở KH&CN cho biết: trong một vài năm trở lại đây, công tác quản lý nhà nước về KH&CN cấp huyện, thành phố (gọi tắt là cấp huyện) đã được tỉnh quan tâm. Hàng năm, Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh giao kinh phí hoạt động về quản lý nhà nước về KH&CN cấp huyện vào trực tiếp ngân sách của huyện. Tuy nhiên, kinh phí được cấp hạn chế nên hoạt động của Hội đồng khoa học cấp huyện cũng chưa đạt hiệu quả (từ năm 2008 đến nay, tỉnh giao mỗi năm 18 triệu đồng). Nguyên nhân này khiến việc xây dựng kế hoạch quản lý KH&CN cấp huyện thường không bám sát thực tế. Công tác quản lý khoa học tại các ngành cũng vậy, hiện rất ít ngành xây dựng kế hoạch quản lý KH&CN theo từng năm.
Trong năm 2014, để có thể soạn tài liệu phục vụ công tác tập huấn, Sở KH&CN tỉnh đã khảo sát thực tế về công tác quản lý KH&CN tại các ngành và cấp huyện, thấy rằng, có một số đề tài KH&CN do các ngành, cấp huyện chủ trì thực hiện, xét trên mặt lý thuyết thì rất bài bản, hợp lý, nhưng nhìn trên góc độ ứng dụng thì còn hạn chế. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công tác quản lý, giám sát ở Hội động khoa học cấp huyện, cấp ngành chưa sao sát nên đề tài không bám sát với thực tế, do đó, sau khi nghiên cứu việc chuyển giao một số đối tượng (như cây, con) không phù hợp. Ngoài hạn chế này, tiềm lực của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không lớn cũng ảnh hưởng đến việc chi cho hoạt động KH&CN tại các doanh nghiệp. Theo quy định về quản lý tài chính KH&CN, doanh nghiệp sẽ phải chi 10% lợi nhuận trước thuế cho hoạt động KH&CN, nhưng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, rất ít doanh nghiệp thực hiện điều này. Từ đó thấy rằng, hoạt động quản lý KH&CN khối doanh nghiệp cũng không được quan tâm.
Một hạn chế khác là những đề tài, dự án do các ngành hoặc cấp huyện chủ trì thường giao cho chủ nhiệm đề tài là các cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Có trường hợp, người chủ nhiệm đề tài nhưng lại không phải là người nghiên cứu chính mà giao hết cho các “phụ tá” thực hiện. Việc kiêm thêm trọng trách chủ nhiệm đã dẫn đến tình trạng chủ nhiệm không bám sát đề tài, điều này khiến đề tài, dự án không hoàn thành đúng thời hạn, hoặc là hoàn thành nhưng với chất lượng không cao. Như vậy, xét về góc độ quản lý, việc triển khai nhiệm vụ KH&CN mà cụ thể là quản lý hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao còn bất cập. Ngoài ra, do quản lý nhà nước về hoạt động KH&CN chưa sát nên việc nghiên cứu và chuyển giao chưa thực hiện đồng bộ. Thực tế, có một số dự án tại cấp huyện, trong quá trình thực hiện thí điểm thì rất tốt (vì có nguồn kinh phí bao cấp, có cán bộ kỹ thuật luôn túc trực, theo sát) nhưng khi dự án rút đi và bàn giao cho dân thì không tiếp tục phát triển được.
Thực tế này đòi hỏi tìm ra giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về KH&CN. Theo tài liệu hướng dẫn, tập huấn của Sở KH&CN vừa soạn thảo vào tháng 9/2014, đầu tiên, cần ban hành một chế tài rõ ràng để việc quản lý KH&CN ở cấp tỉnh, cũng như cấp huyện quy về một đầu mối, qua đó có thể xâu chuỗi các dự án, đề tài và cũng thực hiện luôn công tác giám sát việc thực hiện đề tài nghiên cứu. Tiếp nữa, tại cấp huyện, nếu có thể thì cần thành lập phòng quản lý KH&CN (hiện các huyện vẫn giao cho phòng Kinh tế – Hạ tầng của huyện quản lý). Cùng với đó, cần tăng cường công tác thẩm định các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học. Theo đó, cơ quan quản lý KH&CN có nhiệm vụ giám sát khi thực hiện nghiên cứu và cả sau khi chuyển giao.
Đặc biệt, giải pháp quan trọng mà Sở KH&CN tỉnh đề ra là: khuyến khích các cá nhân, tổ chức nghiên cứu các đề tài, dự án khoa học tạo ra được thương mại hóa. Vì hiện tại, theo quy định, khi sản phẩm nghiên cứu được thương mại hóa, nguồn thu sau khi trừ các khoản chi phí cần thiết, 30% nguồn thu của phần còn lại sẽ được trích lập Quỹ phát triển sự nghiệp của tổ chức chủ trì. Việc có Quỹ chắc chắn sẽ tạo thêm kinh phí cho hoạt động quản lý KH&CN, từ đó góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu khoa học.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()