Cần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân
Trong những ngày qua, các đại biểu QH dành nhiều thời gian tại hội trường, ở Ðoàn để thảo luận về kết quả giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT), một công việc rất quan trọng, gắn liền với cuộc sống, sức khỏe của nhân dân. Tinh thần thẳng thắn, thái độ trách nhiệm cao trước vấn đề "nóng" được nhân dân quan tâm đã thể hiện quyết tâm của các đại biểu QH trong việc góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Trong những ngày qua, các đại biểu QH dành nhiều thời gian tại hội trường, ở Ðoàn để thảo luận về kết quả giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT), một công việc rất quan trọng, gắn liền với cuộc sống, sức khỏe của nhân dân. Tinh thần thẳng thắn, thái độ trách nhiệm cao trước vấn đề “nóng” được nhân dân quan tâm đã thể hiện quyết tâm của các đại biểu QH trong việc góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Trong thực tế cuộc sống, khi người dân đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh vẫn còn gặp nhiều phiền hà, tốn kém thời gian, tiền của. Nguyên nhân là do những hạn chế, vướng mắc trong triển khai thực hiện BHYT. Bên cạnh đó, đối với các cơ sở khám, chữa bệnh công, vấn đề y đức đã và đang gây nhiều bức xúc, lo lắng cho nhân dân. Chia sẻ suy nghĩ về nội dung này, đại biểu Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) nêu ý kiến: Một trong những nguyên nhân chính của hiện tượng một bộ phận bác sĩ kém y đức là do quá tải trong công việc, mỗi bác sĩ phải khám trung bình từ 60 đến 80 bệnh nhân một ngày; nhiều người còn dành thời gian cho khám, chữa bệnh ở phòng khám tư nhân, dịch vụ… Cùng chung suy nghĩ và trăn trở, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) chỉ rõ: Mục tiêu cao nhất của việc QH thảo luận là giúp đối tượng bảo hiểm y tế được thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc, điều trị tốt hơn. Tránh tình trạng so đo về sự bất bình đẳng, phân biệt đối xử giữa khám, chữa bệnh tại bệnh viện dịch vụ công bằng bảo hiểm y tế với dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu ngay trong cùng một bệnh viện. Nếu như vậy, thì ngành y tế của ta đang đi theo hướng chỉ những người giàu, người có điều kiện tài chính mới được chăm sóc tốt; còn những đối tượng khó khăn như cán bộ, công chức và gia đình chính sách, người có công với cách mạng thì không được chăm sóc tốt bởi gói dịch vụ bảo hiểm y tế quá nghèo nàn và quá tải tại các bệnh viện công.
Trao đổi vấn đề này với một số đại biểu QH bên hành lang hội trường, nhiều đại biểu đồng tình với những ý kiến nêu trên và khẳng định: Ðây là sự bất bình đẳng lớn đã và đang gây nhiều bức xúc đối với cử tri ở các tỉnh, thành phố.
Nội dung khác được nhiều đại biểu QH quan tâm là việc động viên, khuyến khích người dân tham gia BHYT tự nguyện còn nhiều bất cập. Thực tế hiện nay ở hầu hết các địa bàn, cơ sở, việc tổ chức mạng lưới nhân viên để phục vụ người dân mua bảo hiểm y tế tự nguyện còn hạn chế, không kịp thời. Chế độ chính sách khuyến khích đối với nhân viên bán bảo hiểm y tế ở tại địa phương chưa được quan tâm làm ảnh hưởng đến tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế. Bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến xã, huyện tuy được thuận tiện hơn, như không phải chờ đợi lâu, được chăm sóc thường xuyên hơn, nhưng danh mục dịch vụ y tế được hưởng và danh mục thuốc điều trị thì rất hạn chế, đội ngũ y sĩ, bác sĩ thiếu và trình độ chuyên môn kém hơn tuyến trên đã tác động làm cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thường yêu cầu chuyển tuyến trên điều trị cho yên tâm. Tuy nhiên, hiện nay các bệnh viện tuyến huyện thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo khoán định suất, nên hạn chế chuyển tuyến vì sợ hụt quỹ. Ðiều này đã gây nhiều bức xúc cho bản thân người bệnh lẫn thân nhân của họ, làm ảnh hưởng quyền lợi của người tham gia BHYT.
Ðộ bao phủ BHYT còn thấp so với mục tiêu đặt ra (mới đạt 67% dân số), trong đó chủ yếu là diện tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc, tỷ lệ đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện còn chưa cao. Nhiều doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chưa thực hiện đóng BHYT cho người lao động. Nhóm đối tượng hộ cận nghèo tham gia còn rất thấp. Việc hướng dẫn chỉ định nhóm thuốc hỗ trợ trong điều trị việc đấu thầu cung ứng thuốc hóa chất, vật tư y tế còn những khó khăn bất cập về quy trình, thủ tục, dẫn đến sự chênh lệch khác nhau về giá thuốc, hóa chất, vật tư y tế của cùng một loại thuốc, cùng nơi sản xuất, cùng hàm lượng giữa các bệnh viện, các địa phương, thậm chí ngay trên cùng địa bàn. Ðại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cùng nhiều đại biểu khác bức xúc về tình trạng cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế còn xảy ra ở nhiều nơi với nhiều diện đối tượng, chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho nhóm đối tượng tham gia tự nguyện cao, thường xuyên bị âm. Giai đoạn 2009 – 2012 qua rà soát 42 tỉnh, đã phát hiện gần 800 nghìn thẻ bảo hiểm y tế bị cấp trùng, gây lãng phí lớn. Nhiều đại biểu QH đề nghị khẩn trương triển khai đề án ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bảo đảm kết nối thông tin giữa các đơn vị trong ngành BHYT và người dân tham gia BHYT, BHXH thì chỉ có một mã số duy nhất nhằm thanh toán chính xác, kịp thời chi phí khám, chữa bệnh và khắc phục tình trạng cấp trùng thẻ BHYT.
Trong thực tế công tác khám chữa bệnh và thực hiện BHYT cho người dân đang còn nhiều bất cập, chưa thống nhất giữa các cơ quan chức năng. Trao đổi về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết: Ngành y tế muốn sử dụng nhiều dịch vụ kỹ thuật để bảo đảm tốt nhất việc khám, chữa bệnh cho người bệnh. Phía BHXH thì cho rằng, như vậy sẽ nâng giá dịch vụ cao hơn và dễ gây ra âm quỹ, vỡ nợ. Mặt khác, BHXH cũng cho rằng bệnh viện không chỉ vì mục đích là việc khám, chữa bệnh, mà còn để tăng nguồn thu cho bệnh viện. Những bất đồng như vậy kéo dài nhưng chưa cơ quan chức năng nào giải quyết, làm ảnh hưởng quyền lợi của người bệnh.
Hiện nay, còn một số nội dung trong quá trình khám chữa bệnh, như phẫu thuật và khúc xạ, bệnh hiếm muộn và những trường hợp do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thảm họa không được BHYT chi trả. Những trường hợp này thường điều trị với chi phí rất cao, gây tốn kém cho người bệnh, có khi người bệnh phải ngừng điều trị giữa chừng vì không có đủ khả năng chi trả. Trăn trở về vấn đề này, các đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Ðồng), Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị tiếp tục tăng ngân sách cho y tế để thực hiện việc chăm sóc sức khỏe cho người dân được công bằng và hiệu quả hơn. Ðồng thời, xem xét sửa đổi một số điều luật của BHYT. Ðề nghị bổ sung chi trả BHYT cho một số trường hợp như tai nạn giao thông (trừ trường hợp do đua xe trái phép), tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thảm họa, và một số bệnh như hiếm muộn, phẫu thuật điều trị khúc xạ để giảm bớt gánh nặng chi phí cho người bệnh đúng theo quan điểm của Ðảng và Nhà nước ta đã khẳng định, chính sách bảo hiểm y tế là giúp cho người dân khi ốm đau không bị rơi vào hoàn cảnh nghèo đói.
Không chỉ nêu rõ những hạn chế, khuyết điểm trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn hiện nay, với trách nhiệm của mình, các đại biểu QH đã tâm huyết đề xuất nhiều giải pháp đối với Chính phủ, QH, các bộ, ngành chức năng. Theo đó, cần quyết liệt hơn nữa trong điều hành, nắm rõ hơn thực trạng tại các cơ sở y tế để từ đó giải quyết kịp thời những vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT; chú trọng nâng cao y đức trong đội ngũ cán bộ y tế… Mục tiêu quan trọng nhất mà các đại biểu QH hướng tới và mong muốn là người dân được thụ hưởng sự chăm sóc, phục vụ tốt hơn khi đến khám chữa bệnh.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()