Cần một công cuộc đổi mới mạnh mẽ, toàn diện
Nguyễn Thị Bình Nguyên Phó Chủ tịch nước Thế giới chuyển biến từng ngày. Chúng ta, đặc biệt những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước nếu không bắt kịp và thích ứng với những thay đổi để có chủ trương, quyết sách đúng, phù hợp thì sẽ ngày càng lạc hậu và mãi mãi lạc hậu.
Sau khi đất nước được giải phóng và thống nhất, Việt Nam đi vào giữa một thế giới biến động chưa từng thấy. Cách đây 30 năm, công cuộc đổi mới của Việt Nam do Đảng khởi xướng và lãnh đạo năm 1986 đã giúp chúng ta ra khỏi và vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng có thể đẩy đất nước vào đáy sâu của nghèo đói và lạc hậu. Chúng ta đã biết bứt phá ra khỏi tình hình tồi tệ để đi lên, thoát khỏi sự bế tắc, chậm phát triển, bước vào hàng ngũ của các nước đang phát triển và hướng đến những mục tiêu phát triển cao hơn của một quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nhưng có một điều chúng ta cần làm rõ là khởi sự của công cuộc đổi mới năm 1986 của ta xuất phát từ sự bức bách, sống còn của tình hình nội tại đất nước, đó là phải phá bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường mới. Nói cách khác là chúng ta đổi mới về cơ chế quản lý kinh tế để giải phóng các tiềm năng phát triển, tạo động lực cho phát triển kinh tế đất nước. Còn thật sự chúng ta chưa đổi mới đồng bộ cả về chính trị cũng như các lĩnh vực khác.
Về bối cảnh cục diện tình hình quốc tế, đổi mới lúc đó vẫn trong tình hình thế giới của Chiến tranh lạnh Đông-Tây, do khách quan, Việt Nam vẫn ở vị trí đứng về một bên và bị bao vây cấm vận khắc nghiệt.
Nay, thế giới đã thay đổi. Từ sau Đại hội VII (năm 1991) chúng ta đã có chuyển hướng đối ngoại rất quan trọng sang đa phương hóa, đa dạng hóa rồi bây giờ là chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trong bối cảnh thế giới đi sâu vào toàn cầu hóa, hợp tác thay cho đối đầu.
Nhưng theo nhận xét của một số nhà chính trị các nước, kể cả một số lãnh đạo của ta, Việt Nam còn phát triển quá chậm so với tiềm năng của mình, bỏ lỡ nhiều cơ hội có thể đi lên nhanh hơn, thậm chí nay còn tụt hậu xa hơn so với một số nước trong khu vực và đây đang thật sự là một nguy cơ rất nghiêm trọng. Nguyên nhân ở đâu? Chúng ta đều biết rằng đến giữa những năm 70 của thế kỷ 20, một số nước khu vực Đông-Nam Á gần Việt Nam ở mức độ phát triển tương đương ta nhưng nay họ đã vượt trước ta nhiều chục năm. Chúng ta đã có tới 30 năm đổi mới, đã có những 20 năm hội nhập với khu vực và thế giới (từ năm 1995). Nhưng đáng tiếc là trong quãng thời gian dài đó mục tiêu công nghiệp hóa không đạt được, đất nước chúng ta chưa phát triển được như mong muốn của mọi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế ủng hộ chúng ta.
Làm rõ những vấn đề này để khắc phục là cần thiết và là trách nhiệm đối với đất nước và dân tộc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước sau Đại hội XII, cũng là nhiệm vụ của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương để thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Đại hội XII. Kỳ vọng của toàn dân ta là kết quả từ Đại hội XII phải đem đến dấu mốc bước ngoặt có tính quyết định đối với vận mệnh phát triển đất nước bằng một công cuộc đổi mới, đồng bộ và mạnh mẽ. Tình hình năm 2016 trên thế giới, trong khu vực và ở Việt Nam đã hoàn toàn khác năm 1986 và năm 2001, đòi hỏi trước hết phải đổi mới tư duy của Đảng để bắt kịp sự phát triển của tình hình.
Có thấy được sự thay đổi của thời đại mới, nhận thức được Việt Nam đang ở đâu, thấu hiểu nguyện vọng chính đáng của nhân dân thì mới xác định đúng mục tiêu, bước đi trong công cuộc phát triển đất nước và huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng đặt ra.
Thời đại của chúng ta hiện nay là thời đại gì? Trong vũ trụ, thế giới tự nhiên cũng như thế giới con người, mọi sự vật đều phát triển theo quy luật của nó.
Các cuộc cách mạng khoa học công nghệ từ những thế kỷ trước đã dẫn đến sự thay đổi và phát triển nối tiếp nhau của các hình thái xã hội ngày càng cao và tiến bộ hơn. Sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ như vũ bão của cách mạng khoa học công nghệ ngày nay đã đưa đến những thay đổi to lớn về mọi mặt, không những trong lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất mà cả trong các lĩnh vực chính trị, xã hội, quan hệ giữa các quốc gia với nhau, quyết định sức mạnh và sự giàu có của mỗi quốc gia và làm thay đổi bản chất của quan hệ quốc tế, dẫn đến một hình thái tất yếu là toàn cầu hóa. Đối với mỗi nước đây là cơ hội, đồng thời là thách thức. Tuy nhiên, phải thấy là các nước phát triển và đi trước nắm giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế mạnh hơn vẫn có ưu thế hơn. Nhưng mặt khác, với con người và nền kinh tế tri thức, yếu tố ý chí, trí tuệ có tầm quan trọng hàng đầu trong cuộc cạnh tranh mà các nước nhỏ, yếu vẫn có thể phát huy, nắm bắt cơ hội. Ở đây, vấn đề đường lối chiến lược và nhân tố lãnh đạo có tính quyết định nhất.
Trong toàn cầu hóa kinh tế, quy luật năng động và chi phối sự phát triển là quy luật thị trường. Đây là động lực của phát triển kinh tế-xã hội, là quy luật cạnh tranh thúc đẩy sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế. Nắm vững, vận dụng khôn ngoan, đúng đắn, hợp lý sẽ đem lại lợi ích lớn cho đất nước, cho nhân dân. Ngược lại, sẽ làm tổn hại sự phát triển, đẩy ta rơi vào thế lệ thuộc người khác. Thật sự chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong vận hành kinh tế theo quy luật thị trường, có khi có những vi phạm xuất phát từ tư duy lo ngại “chệch hướng xã hội chủ nghĩa” hoặc tư tưởng bảo thủ, chậm đổi mới dẫn đến tình trạng cản trở hoặc triệt tiêu động lực phát triển kinh tế đất nước.
Do đặc điểm như trên, có thể nói thời đại của chúng ta ngày nay không phải chủ yếu đấu tranh về chính trị, ý thức hệ mà là cuộc đấu tranh vì lợi ích quốc gia, vì sự phát triển kinh tế, chất lượng sống của người dân. Cuộc đấu tranh này không ác liệt như trước đây nhưng lại hết sức phức tạp, bạn thù không phân ranh giới, đối phương đối tác đan xen.
Thời đại đã thay đổi, cục diện cũng có nhiều xáo trộn, biến động không ngừng, cho nên Việt Nam không thể không nhìn thẳng vào tình hình thực tế để có một nhận thức khách quan, đầy đủ, xây dựng cho mình những quan điểm mới phù hợp. Trước hết phải thấy mục tiêu lý tưởng của chúng ta về chủ nghĩa xã hội là những ước vọng cao cả về tương lai nhưng trên thực tế con đường đến đích đó còn xa như Lê-nin đã nhận định: chủ nghĩa tư bản chỉ có thể bị xóa bỏ và chủ nghĩa xã hội được thiết lập khi có lực lượng xã hội đủ sức thay thế nó. Hiện thực trước mắt chúng ta là phải phấn đấu cho mục tiêu một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chúng ta phải nghĩ đến dân tộc, đặt lợi ích của quốc gia và cuộc sống của nhân dân lên trên hết, xây dựng đất nước Việt Nam không thua kém các nước khác. Nhân dân ta đã hy sinh biết bao xương máu, họ có quyền được hưởng tự do, hạnh phúc thật sự. Như Bác Hồ đã nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”, cho nên trước mắt chúng ta phải nỗ lực cao độ phát triển đất nước, nhân dân có cuộc sống ấm no, có quyền tự do, dân chủ. Có như vậy chúng ta mới có nội lực đoàn kết, vững mạnh để giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của cha ông.
Muốn như vậy, Đảng, Nhà nước, những người lãnh đạo đất nước phải đặt lợi ích đất nước lên trên hết, phải có tư duy mới và phải là những người gương mẫu nhất, quyết tâm tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới đất nước đồng bộ và mạnh mẽ cả về kinh tế, chính trị, xã hội.
Chủ động và đẩy nhanh đổi mới chính trị là đòi hỏi khách quan và đặt ra cấp bách để tạo ra động lực phát triển toàn diện. Phương thức lãnh đạo, hoạt động và tổ chức của bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn thể quần chúng xã hội các cấp trong hệ thống chính trị đất nước phải được đổi mới theo sát với thực tiễn tình hình. Phải nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền thật sự của dân, do dân, vì dân.
Khi ta chấp nhận đi vào “hội nhập quốc tế” tức là chúng ta chấp nhận “sân chơi chung” và “luật chơi chung”. Cải cách thể chế và luật pháp là tất yếu để đáp ứng yêu cầu và các cam kết hội nhập. Chúng ta phải chủ động trong vấn đề này.
Phải thừa nhận do cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc kéo dài, xuất phát điểm của Việt Nam thấp, chúng ta có nhiều khó khăn. Nhưng sứ mệnh của đất nước không cho phép chúng ta chậm bước vì đã có không ít quốc gia cùng hoàn cảnh nhưng họ đã bứt phá đi lên thành những nước phát triển. Tại sao Việt Nam chúng ta không thể làm được? Nhân dân ta đã từng làm nên những thắng lợi kỳ diệu, những chiến tích lịch sử oanh liệt cho dân tộc và cho cả thế giới. Sức mạnh của chúng ta đã phát huy gấp bội khi biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, khi liên kết dân tộc và quốc tế. Tại sao lúc này chúng ta lại không thể phát huy sức mạnh đó ở mức độ cao nhất có thể? Có phải cản trở chính là không thay đổi tư duy kịp thời? Chưa xác định rõ mục tiêu phấn đấu cụ thể mà chỉ dừng lại ở mong muốn chung chung? Chưa toàn tâm toàn ý vì lợi ích chung của đất nước và dân tộc mà còn theo đuổi lợi ích cục bộ? Tất cả những cản trở đó cần phải quyết tâm loại trừ.
Toàn Đảng, toàn dân đều thiết tha mong mỏi nhiệm kỳ Đại hội XII đánh dấu bước ngoặt mới của cuộc đổi mới mạnh mẽ, triệt để hơn. Chúng ta không thể chậm bước hơn nữa. Sức mạnh của dân tộc và đất nước là ở ý chí của những người lãnh đạo và sự đoàn kết thống nhất của toàn dân.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()