Cần mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Đại Dương chi nhánh Hà Nội. Ảnh: ĐĂNG KHOA Hoạt động của các ngân hàng và tổ chức tài chính trên thị trường Việt Nam đang ngày càng mở rộng.Tính đến tháng 6-2011, có năm ngân hàng thương mại nhà nước, 37 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP), năm ngân hàng liên doanh, năm ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 13 công ty cho thuê tài chính, 17 công ty tài chính cùng 48 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 48 văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài (số liệu đến tháng 12-2010) đang hoạt động tại Việt Nam. Nhưng một nghịch lý đang xảy ra đối với hệ thống ngân hàng, đó là ngân hàng thì nhiều nhưng dịch vụ lại chưa đáp ứng nhu cầu của đời sống kinh tế - xã hội.Dịch vụ đơn điệuNền kinh tế nước ta đang có sự bùng phát mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng đua nhau làm thương hiệu, mở chi nhánh, tăng số lượng máy ATM ở mọi nơi, nhiều chi nhánh ngân hàng bám sát từng địa bàn, cạnh tranh với các đối thủ. Song...
|
Hoạt động của các ngân hàng và tổ chức tài chính trên thị trường Việt Nam đang ngày càng mở rộng.
Tính đến tháng 6-2011, có năm ngân hàng thương mại nhà nước, 37 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP), năm ngân hàng liên doanh, năm ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 13 công ty cho thuê tài chính, 17 công ty tài chính cùng 48 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 48 văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài (số liệu đến tháng 12-2010) đang hoạt động tại Việt Nam. Nhưng một nghịch lý đang xảy ra đối với hệ thống ngân hàng, đó là ngân hàng thì nhiều nhưng dịch vụ lại chưa đáp ứng nhu cầu của đời sống kinh tế – xã hội.
Dịch vụ đơn điệu
Nền kinh tế nước ta đang có sự bùng phát mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng đua nhau làm thương hiệu, mở chi nhánh, tăng số lượng máy ATM ở mọi nơi, nhiều chi nhánh ngân hàng bám sát từng địa bàn, cạnh tranh với các đối thủ. Song thực tế, sự phát triển đó dường như mới là bề nổi và đang trở nên lãng phí các nguồn lực.
Theo phản ánh của doanh nghiệp và người dân, họ đến ngân hàng đơn giản chỉ để gửi tiền tiết kiệm hay doanh nghiệp chủ yếu là tín dụng cho vay và thanh toán. Điều này thể hiện qua báo cáo tài chính năm 2010 của các ngân hàng, trong cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng, lãi thuần vẫn là nguồn thu chính. Trong khi đó, các nguồn thu khác từ hoạt động dịch vụ, ngoại hối, kinh doanh chứng khoán, đầu tư… của các ngân hàng chưa tương xứng. Với hoạt động dịch vụ, lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ, năm 2010, chỉ có TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động này là 6% và Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) tăng 4%; các ngân hàng khác rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Với hoạt động kinh doanh ngoại hối, trung bình lợi nhuận toàn ngành năm 2010 giảm hơn 70% so với năm 2009. Hoạt động kinh doanh chứng khoán và hoạt động đầu tư năm 2010 của các ngân hàng đều ghi nhận lỗ. Hiện, tỷ trọng nguồn thu từ hoạt động tín dụng, nhất là đối với các ngân hàng nhỏ, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng lợi nhuận của các ngân hàng, khoảng 75% – 90%.
Tình trạng này đến nay chưa được cải thiện đáng kể, như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), trong kế hoạch 4.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2011, tỷ trọng thu được từ tín dụng dự kiến sẽ chiếm tới 55 – 60%, thu từ dịch vụ chiếm 20%, còn lại là từ hoạt động ngân quỹ và kinh doanh ngoại hối. Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, để có thể tìm kiếm các nguồn thu từ các dịch vụ khác nhằm bù đắp cho khoản hụt thu tín dụng không phải là việc đơn giản với phần lớn ngân hàng, nhất là trong ngắn hạn. Từ trước đến nay, do hoạt động tín dụng là khá thuận lợi cho nên các ngân hàng đều chưa chú trọng phát triển các dịch vụ khác. Sự chuẩn bị về nhân lực, vật lực cũng như công tác nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, hệ thống quản trị… chưa thích đáng. Một số ngân hàng như ACB từng có nguồn thu khá lớn từ các hoạt động liên quan giao dịch vàng, nhưng gần đây, hoạt động này đang chờ một cơ chế kinh doanh mới nên nguồn thu từ đó đã giảm sút đáng kể.
Sức ép cạnh tranh từ ngân hàng nước ngoài
Ngoài ra, với các ngân hàng trong nước, thách thức hiện nay trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng là sự cạnh tranh của các ngân hàng ngoại. Trong khi các ngân hàng thương mại trong nước cạnh tranh chạy đua lãi suất huy động tiết kiệm thì các ngân hàng nước ngoài lại đi sâu phát triển các lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, kinh doanh vốn và thị trường ngoại hối, nghiệp vụ ngân hàng toàn cầu, thanh toán quốc tế và tài trợ chuỗi cung ứng, dịch vụ lưu ký chứng khoán. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chênh lệch thu chi 10 tháng đầu năm 2010 của các tổ chức tín dụng nước ngoài đạt gần 3.500 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của khối ngân hàng 100% vốn nước ngoài chỉ chiếm 0,4% tổng dư nợ cho vay. Ngoài ra, các ngân hàng nước ngoài cũng rất quan tâm đến mảng ngân hàng bán lẻ. Năm ngân hàng 100% vốn nước ngoài đã phát triển 14 chi nhánh trên cả nước. Bên cạnh đó là thường xuyên tung ra những sản phẩm, dịch vụ với nhiều tiện ích. Chẳng hạn, tại Ngân hàng HSBC, mạng lưới dịch vụ đã mở rộng từ hai chi nhánh trong năm 2009 lên 12 điểm giao dịch, đã đáp ứng nhu cầu của các khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp với các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng thuận tiện và đạt chất lượng hàng đầu.
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), sức ép cạnh tranh từ khối ngân hàng nước ngoài sẽ khá lớn, nếu các ngân hàng Việt Nam chưa có sự chuẩn bị kỹ và năng lực cạnh tranh còn yếu kém sẽ bị đào thải và lúc đó phải sáp nhập hoặc bán lại. Thị trường sẽ sàng lọc và những ngân hàng nào quản trị tốt, năng lực cạnh tranh cao đồng nghĩa với việc có nhiều sản phẩm dịch vụ hiệu quả và sẽ tồn tại, phát triển nhanh.
Cạnh tranh giữa các ngân hàng không chỉ trong huy động, phân bổ các nguồn vốn mà còn là khả năng cạnh tranh bởi cơ hội liên kết hợp tác với nước ngoài trong chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm và khai thác thị trường.
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng
Theo các chuyên gia để tạo thế cân bằng trước sức ép cạnh tranh ngày càng gia tăng, điều quan trọng là hệ thống ngân hàng trong nước phải tiếp tục quyết tâm thực hiện mục tiêu cải cách, nâng cao năng lực tài chính, hoạt động và quản trị ngân hàng, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ và khai thác tối đa các khoảng trống hiện nay trên thị trường dịch vụ ngân hàng. Bên cạnh đó, vai trò quản lý, điều tiết của NHNN cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng để tạo thế cân bằng cho sự phát triển và lớn mạnh của hệ thống ngân hàng trong nước.
Để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho rằng cần có bước đi phù hợp, phân loại sắp xếp và đưa ra giải pháp khắc phục cho từng nhóm ngân hàng, bảo đảm tạo sự ổn định của hệ thống. Các ngân hàng yếu kém phải tự sắp xếp, tự xử lý bằng cách huy động thêm vốn, cơ cấu lại bộ máy tổ chức, nguồn nhân lực, nâng cao năng lực tài chính, quản lý. Trường hợp không thể tự cải tổ được, các ngân hàng có thể sáp nhập. Luật Các tổ chức tín dụng thông qua năm 2010 đã cho phép NHNN có quyền bỏ vốn mua cổ phần của ngân hàng thương mại cổ phần để nắm quyền quản lý, tránh sự đổ vỡ của ngân hàng.
Song, quyết tâm của các ngân hàng, cơ quan quản lý, tư vấn giám sát có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Có ý kiến cho rằng việc giải thể, mua bán sáp nhập các ngân hàng rất khó thực hiện vì đằng sau một số ngân hàng là các “đại gia”. Việc làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức sở hữu ngân hàng cũng cần được làm rõ. Bên cạnh đó, phát triển dịch vụ ngân hàng còn đòi hỏi sự phát triển đồng bộ hạ tầng xã hội, như tăng trưởng thu nhập của người dân, sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt, các loại hình kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự phát triển của công nghệ thông tin…
Theo Nhandan
Ý kiến ()