Cần mở rộng dân chủ trong công tác cán bộ
NGUYỄN VĂN TRÂN Nguyên: Bí thư T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy Hà NộiNghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) đã "bắt mạch" trúng và đúng một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Vậy, chúng ta phải làm gì để thực hiện đạt hiệu quả cao nhất nghị quyết quan trọng này?Trước hết, tôi suy nghĩ rằng, khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mới thành công, đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn, nhưng hễ Bác Hồ nói về vấn đề gì đó, là muôn người như một, mọi ngành, mọi cấp đều nhất nhất làm theo, làm đúng. Còn bây giờ, luật lệ nhiều, luật mới chưa ráo đã bổ sung, sửa đổi, nhưng tình trạng vi phạm luật vẫn ngày càng phổ biến và có chiều hướng gia tăng.Nghị quyết đã nêu ba vấn đề cấp bách, trong đó vấn đề cấp bách nhất là kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Theo tôi, tập trung...
NGUYỄN VĂN TRÂN
Nguyên: Bí thư T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội
Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) đã “bắt mạch” trúng và đúng một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Vậy, chúng ta phải làm gì để thực hiện đạt hiệu quả cao nhất nghị quyết quan trọng này?
Trước hết, tôi suy nghĩ rằng, khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mới thành công, đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn, nhưng hễ Bác Hồ nói về vấn đề gì đó, là muôn người như một, mọi ngành, mọi cấp đều nhất nhất làm theo, làm đúng. Còn bây giờ, luật lệ nhiều, luật mới chưa ráo đã bổ sung, sửa đổi, nhưng tình trạng vi phạm luật vẫn ngày càng phổ biến và có chiều hướng gia tăng.
Nghị quyết đã nêu ba vấn đề cấp bách, trong đó vấn đề cấp bách nhất là kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Theo tôi, tập trung xây dựng Đảng, trước hết cần phát huy cao dân chủ trong Đảng, nhất là trong công tác nhân sự khi tiến hành Đại hội Đảng. Thời tôi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, tôi chủ trì hai Đại hội. Chủ trương thời chiến lúc bấy giờ bắt buộc ba tiêu chuẩn đối với cán bộ, đó là: năng nổ, dám nghĩ, dám làm, có tư cách đạo đức, có tác phong quần chúng. Tôi đề nghị ban chấp hành đương nhiệm không giới thiệu danh sách bầu cử ban chấp hành khóa mới, mà để các đại biểu của Đại hội giới thiệu. Hai lần đại hội đó đều đạt kết quả tốt. Ban tổ chức chuẩn bị lý lịch, danh sách của người được đề cử, ứng cử, sau đó đưa ra toàn thể Đại hội thảo luận, xin ý kiến, để bầu. Có người thắc mắc là làm thế thì làm sao chọn đúng người? Chúng tôi khẳng định rằng, làm theo cách mới, chúng ta thu được nhiều ý kiến rộng rãi về người được giới thiệu để bầu. Cách làm đó phát huy được dân chủ trong quá trình giới thiệu, nhờ đó, Đại hội chọn được những đồng chí có năng lực, đạo đức tốt tham gia ban chấp hành khóa mới.
Việc bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị cán bộ kế cận là công việc thường xuyên của công tác xây dựng Đảng, cụ thể là công tác cán bộ, nhưng không nên xem đó là cách duy nhất để chuẩn bị sẵn các cương vị, lựa chọn ban chấp hành mới, như phó bí thư thường trực sẵn sàng thay thế bí thư. Như vậy sẽ là phiến diện, chủ quan, mà hơn cả vẫn phải qua công tác thực tiễn, từ quần chúng.
Đời sống ngày xưa khổ hơn nhiều, nhưng cuộc sống thật trong sáng. Ngày nay tiến bộ, có điều kiện hơn thì lại nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, kể cả trong Đảng? Tôi nghĩ, tình trạng đó xuất phát từ tư tưởng cá nhân. Do đó, công tác xây dựng Đảng hiện nay, cần luôn luôn coi trọng và thường xuyên tiến hành nghiêm túc tự phê bình và phê bình. Như thế mới vì sự tiến bộ của đội ngũ đảng viên, cán bộ và sự trưởng thành, lớn mạnh của Đảng ta. Bác Hồ từng khẳng định, tự phê bình và phê bình giống như trị bệnh cứu người. Phê bình là nêu đúng ưu điểm và chỉ rõ khuyết điểm của từng đồng chí. Tự phê bình là nêu đúng ưu điểm và chỉ rõ khuyết điểm của mình. Làm việc này một cách nghiêm túc sẽ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao trách nhiệm của đảng viên. Bác Hồ từng viết: Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính. Trong phê bình và tự phê bình, nếu làm qua loa, đại khái, chiếu lệ, không dân chủ, thiếu công khai, khách quan thì vẫn luẩn quẩn trong tình trạng “trung bình chủ nghĩa”; ngại phê bình, sợ va chạm, sợ ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích cá nhân trong Đảng như hiện nay. Nhưng để tự phê bình và phê bình đạt hiệu quả, thì người đứng đầu cấp ủy, cán bộ chủ chốt cần biết khêu gợi, động viên, tạo không khí trong sinh hoạt để đảng viên, cán bộ mạnh dạn tham gia đóng góp ý kiến. Đồng thời, phải biết lắng nghe ý kiến phát biểu của đảng viên, không quy kết, chụp mũ khi có những ý kiến trái chiều, chưa đúng. Cái gì không đúng thì giải thích cho rõ. Tự phê bình và phê bình cần xuất phát từ tình cảm, tình thương yêu đồng chí, với thái độ cởi mở chân thành. Tránh tình trạng lợi dụng phê bình để nói xấu, hạ uy tín của đồng chí, đồng nghiệp. Để tự phê bình và phê bình đạt hiệu quả, tổ chức đảng cần có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của cá nhân đảng viên tham gia phê bình, xử lý nghiêm túc những biểu hiện trù dập, định kiến cá nhân trong phê bình. Mặt khác, cần có các hình thức động viên, khích lệ, biểu dương, khen thưởng những đảng viên hăng hái, mạnh dạn phê bình, với ý thức nghiêm túc, nhằm xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.
Theo Nhandan
Ý kiến ()