Cần lớp học kiên cố
LSO-Xã Bắc Ái, huyện Tràng Định người ta đã liên tưởng đến sự xa xôi…, nhưng “mục sở thị” con đường đến với Bắc Ái II còn cảm nhận thấy khó khăn hơn gấp bội. Chính nguyên nhân này khiến việc học của học sinh ở Bắc Ái bị ảnh hưởng không nhỏ. Điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu thốn khiến con đường tìm chữ của con em nơi đây “khó chồng khó”.
Lớp học của các em học sinh Trường PTDT Bán trú tiểu học, trung học cơ sở Bắc Ái II, huyện Tràng Định |
Những ngày đầu năm 2015, chúng tôi có dịp tới công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học, trung học cơ sở Bắc Ái II, huyện Tràng Định. Điều đầu tiên khiến chúng tôi ngạc nhiên là dãy phòng ở bán trú được xây dựng khang trang, có đầy đủ giường ngủ, công trình vệ sinh phục vụ cho các em học sinh trong trường. Nhưng đối lập với dãy phòng này là những lớp học thấp lè tè, mới nhìn tưởng chắc chắn vì mặt tiền được dựng từ gỗ nhưng vào từng lớp mới thấy, ngoài phần được làm từ gỗ thì những bức vách còn lại đều là tre nứa. Bốn phía đều là phên nứa nên không ngăn nổi những cơn gió lạnh buốt thấu vào da thịt. Không chỉ vậy, mỗi lớp có vài ba chiếc bàn, ghế nhưng hầu hết đều cũ kỹ, cái hỏng chân, cái sứt sẹo, chiếc bảng đen được thay bằng bảng từ nhưng không bục giảng, không giá treo.
Trao đổi với thầy cô trong trường được biết, phòng ở nằm trong chương trình đầu tư cho các nhà bán trú nên được kiên cố, còn hệ thống trường lớp phục vụ dạy và học chưa có trong chương trình nên chủ yếu vẫn là tranh tre nứa lá. Chính vì vậy, hàng năm, phụ huynh học sinh vẫn phải đóng góp để sửa chữa các phòng học. Chị Triệu Thị Hương, thôn Pò Đoỏng, xã Bắc Ái, huyện Tràng Định cho biết: hàng năm, trường đều huy động phụ huynh học sinh đóng góp tre nứa, gỗ, ngày công lao động để gia cố lại lớp học. Những ngày rét như thế này thấy rất thương các con nhưng cái chữ là quan trọng nên chúng tôi vẫn động viên các cháu đến trường.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học, trung học cơ sở Bắc Ái II có 119 học sinh học tập ở cả 3 cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Trường có 10 phòng học, hiện mới chỉ có 3 phòng học kiên cố, vừa qua, có thêm 2 phòng học mới được xây dựng. Khi đưa vào sử dụng, phòng học này được ưu tiên cho khối mầm non, chính vì vậy, phần lớn các em tiểu học, THCS phải học trong những phòng tạm. Hiện trường còn có 5 phòng và 2 phòng học công vụ của giáo viên là phòng tạm. Phòng học lợp bằng phi brô xi măng, 4 bên đều là phên nứa lại không cửa nên những ngày nắng thì nóng hầm hập, ngày mưa thì dột khiến lớp học lầy lội. Khổ nhất là mùa đông đến, gió lùa, ánh sáng yếu, nền đất lại nhoèn nhoẹt nước khiến việc dạy và học thêm gian nan. Cùng với đó, học sinh nơi đây đa số đều là con em gia đình có hoàn cảnh khó khăn, áo quần giữ ấm còn thiếu thốn nên những ngày này việc học tập với các em còn khó khăn hơn gấp bội. Thầy Trần Thanh Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: trong thời gian qua, trường đã được đầu tư khu phòng ở bán trú và một số phòng công vụ kiên cố. Tuy nhiên, điều chúng tôi trăn trở nhất là còn 5 phòng học tạm, những lớp học này không đảm bảo điều kiện học tập cho các em. Nhiều khi giờ ra chơi chúng tôi phải đốt lửa để học sinh sưởi cho đỡ lạnh, có em đến được lớp chân tay tê cóng không chép nổi bài.
Lớp học được tận dụng làm phòng ăn cho các em học sinh bán trú ở trường |
Theo nhiều giáo viên ở trường cho biết, những ngày nhiệt độ xuống thấp các thầy cô đều nhắc nhở học sinh và phụ huynh đội mũ, đi giầy, đi tất giữ ấm cho cơ thể. Tuy nhiên về lâu, về dài rất cần có sự đầu tư, xây dựng những lớp học kiên cố đủ ánh sáng, đảm bảo ấm về mùa đông, mát về mùa hè để các em yên tâm học tập. Em Triệu Văn Quyền, học sinh lớp 2 cho biết: em mong rằng sẽ có những lớp học được xây dựng kiến cố, như thế khi trời rét chúng em sẽ không bị lạnh, trời nắng cũng đỡ nóng hơn. Thiết nghĩ, cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm, xây dựng các phòng học kiên cố tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh nơi đây.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()