Cần lộ trình để thay đổi cách tính thuế với đồ uống có cồn
Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm đồ uống có cồn cần đảm bảo lộ trình phù hợp.
Quang cảnh hội thảo. |
Ngày 18/1, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) đã tổ chức Hội thảo “Thực trạng chính sách thuế đối với các sản phẩm đồ uống có cồn và xu hướng cải cách”.
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chưa sản phẩm nào có sự thay đổi chính sách, thuế suất nhiều như rượu bia.
Bà Thảo cho rằng, việc xây dựng chính sách thiếu sự đánh giá tác động toàn ngành, đối tượng có liên quan sẽ gây nên nhiều bất cập khi thực thi, do đó khi xây dựng chính sách cần, tham vấn rộng rãi hơn với các bên liên quan.
Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh nêu quan điểm: Nên xây dựng giải pháp điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá ở mức thuế suất phù hợp, theo lộ trình trên cơ sở bảo đảm mục tiêu thuế tiêu thụ đặc biệt góp phần định hướng sản xuất, hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe.
Chuyên gia này khuyến nghị, cải cách chính sách thuế cần gắn với tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh tự do và an toàn; đảm bảo tính ổn định và nhất quán giữa các chính sách (trong đó có chính sách phát triển ngành).
Cùng với đó, cải cách chính sách thuế nên tham khảo, cập nhật để phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế; cân bằng giữa các mục tiêu điều tiết sản xuất, tiêu dùng, nguồn thu; mục tiêu về y tế, phát triển kinh tế, tạo nguồn thu và các vấn đề xã hội khác; nghiên cứu áp dụng đa dạng các phương pháp tính thuế, việc áp dụng phương pháp thuế hay chuyển đổi phương pháp thuế cần đảm bảo lộ trình phù hợp.
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng, điều chỉnh chính sách thuế, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn, cần đảm bảo các yếu tố, cụ thể như cơ quan soạn thảo thực hiện nghiên cứu, đánh giá tác động toàn diện về kinh tế – xã hội, dựa trên các căn cứ khoa học và thực tiễn, cũng như tham vấn ý kiến rộng rãi, nhất là các đối tượng chịu tác động bởi chính sách, tạo đồng thuận về chính sách.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư Vấn Thuế Việt Nam, thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu được Nhà nước sử dụng như một công cụ hiệu quả để điều tiết sản xuất, tiêu dùng và thu nhập của người tiêu dùng đối với một số hàng hóa, dịch vụ nhất định.
Thuế tiêu thụ đặc biệt có diện đánh thuế hẹp, không thông dụng như thuế giá trị gia tăng mà nhằm điều tiết các hàng hoá, dịch vụ không phục vụ cho nhu cầu thiết yếu, không khuyến khích sử dụng và mong muốn hạn chế tiêu dùng hoặc thuộc nhóm sản phẩm ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường, sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội.
Đối với dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, ngoài dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì doanh thu làm cơ sở tính thuế tiêu thụ đặc biệt bao gồm cả hàng hóa dịch vụ kèm với dịch vụ chịu thuế như dịch vụ karaoke, vũ trường sẽ đánh thuế cả hoa quả, nước uống đi kèm…
Đánh giá về mức thuế suất áp dụng thời gian qua, bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng việc đưa ra các mức thuế khác nhau với từng sản phẩm nhưng dường như chưa có bằng chứng thực tiễn xác đáng, căn cứ khoa học cụ thể.
Do đó, vị chuyên gia CIEM cho rằng khi cải cách chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt cần có cơ sở và căn cứ rõ ràng để áp mức thuế suất.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam bày tỏ mong muốn chính sách được sửa đổi theo hướng công bằng, đảm bảo lợi ích các bên; khi nghiên cứu ban hành cần có bằng chứng khoa học và phù hợp với bối cảnh nền kinh tế hiện tại.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()