Cần làm rõ chức năng quản lý, giám sát hoạt động cho thuê tài chính
Hình thành từ khoảng hơn 10 năm nay, nhưng loại hình công ty cho thuê tài chính (CTTC) mới thật sự hoạt động mạnh từ năm 2005, khi các tập đoàn kinh tế được thành lập.Trong số 14 công ty CTTC tồn tại cho đến thời điểm hiện nay thì có tám công ty là các công ty con của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Á Châu, Sài Gòn Thương Tín. Còn lại bốn công ty 100% vốn nước ngoài và một công ty của VINASHIN. Vốn điều lệ của các công ty này trong khoảng từ 100 đến 500 tỷ đồng. Các NHTM lập ra công ty CTTC để đáp ứng nhu cầu thuê mua máy móc, dây chuyền công nghệ do bản thân ngân hàng không được thực hiện nghiệp vụ này.Cho đến nay, chưa có đánh giá toàn diện về hoạt động của loại hình dịch vụ này, song việc làm ăn thua lỗ của Công ty CTTC Ngân hàng Nông nghiệp và...
Trong số 14 công ty CTTC tồn tại cho đến thời điểm hiện nay thì có tám công ty là các công ty con của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Á Châu, Sài Gòn Thương Tín. Còn lại bốn công ty 100% vốn nước ngoài và một công ty của VINASHIN. Vốn điều lệ của các công ty này trong khoảng từ 100 đến 500 tỷ đồng. Các NHTM lập ra công ty CTTC để đáp ứng nhu cầu thuê mua máy móc, dây chuyền công nghệ do bản thân ngân hàng không được thực hiện nghiệp vụ này.
Cho đến nay, chưa có đánh giá toàn diện về hoạt động của loại hình dịch vụ này, song việc làm ăn thua lỗ của Công ty CTTC Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (ALCII), cũng như những thông tin về việc làm ăn èo uột, cầm chừng của một số công ty 100% vốn nước ngoài đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiệu quả hoạt động của loại hình hoạt động CTTC. Rủi ro lớn nhất đối với dịch vụ CTTC là việc giám sát, thanh tra, kiểm tra còn lỏng lẻo, kiểm soát nội bộ giữa ngân hàng mẹ và công ty con bị tê liệt do ràng buộc quyền lợi với nhau khiến cho dịch vụ này càng trở nên mất an toàn.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng (1997), Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng (2004) và Nghị định 52/2003/NĐ-CP thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng. Nội dung quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng có quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng và công ty CTTC – một tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Theo đó, NHNN là cơ quan ban hành các quy định về tổ chức và hoạt động của công ty CTTC, là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động CTTC, giám sát và thanh tra hoạt động của các công ty CTTC, chuẩn y điều lệ hoạt động của các công ty CTTC, chuẩn y các chức danh lãnh đạo công ty… Chi tiết hơn, NHNN quy định các hoạt động nghiệp vụ của công ty CTTC như nhận tiền gửi có kỳ hạn, được phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và giấy tờ có giá khác, được nhận các nguồn vốn khác theo quy định của NHNN…
NHNN phối hợp với các cơ quan cấp giấy phép sử dụng tài sản hướng dẫn thực hiện quy định đối với những tài sản cho thuê phải có giấy phép sử dụng cho bên thuê trên cơ sở giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản cho thuê của công ty CTTC và hợp đồng CTTC; ban hành các văn bản hướng dẫn tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định tại Điều 81 Luật Các tổ chức tín dụng của công ty CTTC phải duy trì, quy định về cho thuê hợp vốn (Điều 31 Nghị định 16/2001/NĐ-CP). Công ty CTTC phải báo cáo ngay với NHNN về thực trạng tài chính, nguyên nhân và các biện pháp đã áp dụng, dự kiến áp dụng để khắc phục khi có nguy cơ mất khả năng chi trả cho khách hàng của mình (Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng).
Mới đây, để siết chặt lại hoạt động của các công ty CTTC, NHNN đưa ra lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định hướng dẫn các hoạt động của công ty tài chính và công ty CTTC. Theo đó, các tài sản được CTTC chỉ là máy móc và thiết bị, không phải là dây chuyền thiết bị toàn bộ, phương tiện giao thông (trừ tàu hỏa, tàu thủy, máy bay và giàn khoan dầu khí) và các động sản khác. Theo giải thích của cơ quan soạn thảo chính sách quy định này nhằm hạn chế việc xác định không đúng bản chất tài sản cho thuê của các công ty tài chính diễn ra trong thời gian qua. Công ty tài chính là công ty con của công ty mẹ – tập đoàn kinh tế không được huy động vốn dưới bất kỳ hình thức nào từ tổ chức tín dụng trong nước. Theo dự thảo thông tư, việc huy động vốn của các công ty CTTC (kể cả vay từ các tổ chức tín dụng trong nước) buộc phải thông qua phát hành công cụ nợ trên thị trường…
Như vậy, qua những nội dung nêu trên có thể thấy, những sai phạm liên quan trong lĩnh vực này thời gian vừa qua không thể thiếu vai trò của cơ quan quản lý nhà nước đối với các hoạt động thanh tra, giám sát cũng như xây dựng cơ chế chính sách hoạt động cho nhóm đối tượng này. NHNN cần tăng cường quản lý nhà nước, giám sát và thanh tra hoạt động của loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng này để bảo đảm an toàn trong thời gian tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()