Cần lắm những giọt hồng
LSO-Hiện nay, nhu cầu sử dụng máu trong cấp cứu và điều trị bệnh tại các cơ sở y tế là rất lớn. Tại Lạng Sơn, trung bình mỗi năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sử dụng khoảng 6.000 đơn vị máu. Tuy nhiên, không phải lúc nào lượng máu dự trữ cũng đủ đáp ứng việc điều trị, cấp cứu người bệnh.
Truyền máu cho bệnh nhân tại Khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa tỉnh |
Bệnh nhân Hoàng Văn Thái, 37 tuổi ở xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc được phát hiện mắc bệnh thiếu máu huyết tán từ khi mới lên 2 tuổi. Hiện nay, mỗi tháng ít nhất 1 lần, anh phải đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để truyền máu. Hơn 30 năm sống nhờ máu của người khác, bản thân anh Thái thấu hiểu giá trị của những giọt máu hồng mà những trái tim thiện nguyện, lòng nhân ái của cộng đồng chia sẻ. Anh tâm sự: Nếu không có những giọt máu từ cộng đồng thì chắc tôi đã chẳng tồn tại được đến ngày hôm nay.
Còn tại Khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhiều em nhỏ cũng đều đặn hằng tháng được bố mẹ đưa đến viện để truyền máu. Theo các y, bác sỹ ở đây, với căn bệnh quái ác như thiếu máu huyết tán, nếu không được tiếp máu kịp thời, bệnh nhân có thể sẽ bị suy kiệt dẫn đến tử vong. Nhu cầu là như vậy song từng có thời điểm, lượng máu dự trữ tại bệnh viện không đủ đáp ứng, người nhà bệnh nhi phải chờ đợi trong nỗi lo lắng, xót xa. Anh Hoàng Trung Kiên, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình chia sẻ: Con tôi được phát hiện bệnh thiếu máu từ khi mới 6 tháng tuổi. Từ đó đến nay gần 5 năm, hầu như tháng nào cháu cũng phải vào bệnh viện để truyền máu. Có thời điểm nguồn máu dự trữ của bệnh viện không đủ nên cháu phải chờ lâu mới được tiếp máu. Tôi rất mong bệnh viện có đủ nguồn máu để chữa trị cho những bệnh nhân như con tôi.
Theo các y, bác sỹ tại Khoa Huyết học – Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, không chỉ bệnh nhân bị các bệnh về máu mà những bệnh nhân phải cấp cứu do tai nạn, xuất huyết đường tiêu hóa… cũng rất cần được tiếp máu kịp thời. Trong 6 tháng đầu năm nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sử dụng hơn 2.800 đơn vị máu trong cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Trong đó, ngoài lượng máu được cấp từ Viện Huyết học và Truyền máu trung ương; bệnh viện phải huy động từ người nhà bệnh nhân và các tình nguyện viên để đáp ứng nhu cầu. Bác sỹ Lâm Thị Kiểm, Khoa Huyết học – Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Nhu cầu truyền máu của bệnh viện trong một năm khoảng 6.000 đơn vị. Vào những thời điểm như: dịp tết nguyên đán, nghỉ hè của sinh viên, lượng máu dự trữ không đủ đáp ứng, khoa phải khắc phục bằng cách lấy máu của người nhà bệnh nhân, các thanh niên tình nguyện thuộc ngân hàng máu sống để kịp thời cấp cứu, điều trị cho người bệnh.
Hiện nay, ngân hàng máu sống Bệnh viện Đa khoa tỉnh có sự tham gia của hơn 50 thành viên, hầu hết đều là những cán bộ, y bác sỹ trẻ, trong trường hợp cần huy động, họ sẽ trực tiếp hiến máu để cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Ngoài việc duy trì hoạt động của ngân hàng máu sống, 6 tháng đầu năm nay, bệnh viện đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các huyện, thành phố huy động được 1.169 đơn vị máu từ các tình nguyện viên.
Thời điểm hiện tại, tình trạng khan hiếm máu đang xảy ra trên cả nước, trong khi đó, theo thông tin từ Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, lượng máu dự trữ của viện này chỉ còn đủ cung cấp cho các bệnh viện phía Bắc (trong đó có Lạng Sơn) trong khoảng vài ngày nữa. Cùng với 27 tỉnh, thành phố khác, trong tháng 7 này, Lạng Sơn là điểm dừng chân của “Hành trình đỏ” – chương trình vận động hiến máu xuyên Việt do Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương phối hợp với các đơn vị tổ chức. Hy vọng rằng thông qua chương trình, sẽ có thêm nhiều trái tim thiện nguyện sẻ chia những giọt hồng cứu chữa hàng trăm, hàng ngàn bệnh nhân cần truyền máu.
BẢO VY
Ý kiến ()