Cần lắm một con đường
LSO-Tuyến đường liên xã từ tỉnh lộ 242 vào thôn Tự Nhiên, xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng nhiều năm nay trong tình trạng xuống cấp, mặt đường đất gập ghềnh, những ổ gà đá lởm chởm, trời mưa thì lầy lội, trời nắng thì xóc, bụi… Vì thế người dân nơi đây luôn mong mỏi con đường này sớm được bê tông hoá để đi lại thuận lợi.
Con đường đất từ thôn Tự Nhiên đến xã Đồng Tân |
Ông Nguyễn Trọng Hùng là người cao tuổi trong thôn cho biết: Trước đây, vùng đất này gọi là khu Lân Ý, thuộc xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng. Năm 1977, được sự quan tâm của Huyện uỷ, UBND huyện Hữu Lũng, các hộ dân khai hoang ở xã Tân Lập, huyện Hữu Lũng (quê gốc ở huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây, nay là thành phố Hà Nội) đã chuyển đến định cư, lập nghiệp và phát triển kinh tế, đặt tên là thôn “Tự Nhiên”.
Cũng như những thôn khác, sau khi định cư, lập nghiệp, nhân dân thôn Tự Nhiên luôn đoàn kết gắn bó, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Điểm nổi bật là sau gần 40 năm định cư, với bao khó khăn trong quá trình tạo dựng cuộc sống nơi ở mới, nhưng với tinh thần lao động cần cù, nhân dân thôn Tự Nhiên đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, đạt được những kết quả đáng kể. Hiện nay, bình quân mỗi hộ gia đình trồng được 1.500 cây ăn quả các loại như: na, bưởi Diễn, cam đường canh, táo… Tổng sản lượng hằng năm đạt trên 500 tấn quả, ước tính cho thu nhập khoảng 10 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Tý, Trưởng thôn Tự Nhiên cho biết: Hiện tại trong thôn có 75 hộ gia đình với trên 340 nhân khẩu, trong đó 98% là dân đến định cư, quê gốc ở huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Điều đáng quan tâm là, thời gian qua, thôn Tự Nhiên đã có bước đột phá trong phát triển kinh tế, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng đường giao thông ở thôn Tự Nhiên lại chưa được đầu tư tương xứng. Trục đường chính nối tỉnh lộ 242 đến thôn có chiều dài khoảng 4,5 km, trước đây gọi là đường chiến lược, mặt đường chủ yếu là rải đá cấp phối, nhiều năm qua đã xuống cấp, nhưng chưa được đầu tư làm mới.
Theo quan sát của chúng tôi, đoạn đường từ thôn Tân Tạo kéo dài đến thôn Tự Nhiên, thôn Bãi Vàng, mặt đường đất, đá gập ghềnh, những ổ gà, ổ trâu đá lởm chởm, trời mưa thì lầy lội, trời nắng thì xóc bụi, gây khó khăn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. Không chỉ vậy, vào mùa mưa, ngầm qua sông Trung và ngầm Xa Làng ở đầu thôn Bãi Vàng bị nước ngập thì cả thôn Tự Nhiên như sống trên một ốc đảo, mọi hoạt động giao thông bị ngưng trệ, trẻ em đi học phải trèo bè mảng qua sông rất nguy hiểm. Nhiều lần thôn đã kiến nghị lên cấp trên làm mới đường giao thông và làm cầu treo bắc qua sông Trung để thuận lợi đi lại trong mùa mưa lũ, nhưng đến nay chưa được giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Báo, Bí thư Chi bộ thôn Tự Nhiên cho biết: “Đây là con đường huyết mạch nối thôn với tỉnh lộ 242, trụ sở UBND xã Nhật Tiến và trung tâm huyện Hữu Lũng. Bởi vậy, nhu cầu của nhân dân hằng ngày đi trên tuyến đường này để vận chuyển nông sản đến thị trường tiêu thụ và ngược lại rất đông. Tuy nhiên, do mặt đường xuống cấp đã ảnh hưởng đáng kể, tác động đến cuộc sống thường nhật và phát triển kinh tế -xã hội của địa phương; giá bán các loại nông sản (na, táo, cam…) thường bị tư thương ép giá thấp hơn so với thị trường từ 3.000-5000 đồng/kg.
Trước thực trạng trên, nhiều năm nay, năm nào lãnh đạo thôn Tự Nhiên cũng vận động các hộ dân đóng góp công và 200.000 đồng mua đá mạt về tự san lấp làm nền đường để dễ đi lại. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn, mặt đường lại xuống cấp. Nguyên nhân là do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đi lại trên tuyến đường này ngày càng nhiều, nhất là vào vụ thu hoạch các loại cây ăn quả. Chính vì vậy, người dân thôn Tự Nhiên luôn mong muốn con đường này sớm được làm mới để người dân đi lại thuận lợi, nông sản làm ra sẽ bán được giá cao hơn.
THẾ BẢO
Ý kiến ()