Cần làm gì để hàng triệu tỷ đồng vốn đầu tư công phát huy tối đa hiệu quả?
Nhằm cụ thể hoá quan điểm, mục tiêu của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2025 đó là kế thừa và phát huy những thành tựu, kết quả đạt được; tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới, ngày 23/5/ 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT- TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với quan điểm chỉ đạo: “Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án quy mô lớn, kết nối liên vùng, các dự án quan trọng, cấp thiết của địa phương để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, bảo đảm tác động lan tỏa”.
Chính phủ đặt mục tiêu tổng số dự án đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương của cả nước giai đoạn 2021-2025 khoảng 5.000 dự án.
Với tinh thần kiên quyết đổi mới, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư qua chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nên dự kiến tổng vốn ngân sách nhà nước đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2,75 triệu tỷ đồng tăng gần gấp rưỡi so với giai đoạn trước sẽ là động lực và cú hích đặc biệt quan trọng cho tăng trưởng kinh tế từng năm và cả giai đoạn 2021-2025.
Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từng bộ, cơ quan, địa phương phải tập trung rà soát kỹ, giảm mạnh số lượng dự án nhất là các dự án khởi công mới nhằm thực hiện thành công quan điểm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án quy mô lớn, kết nối liên vùng, các dự án quan trọng, cấp thiết của địa phương để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, bảo đảm tác động lan tỏa. Điều này thể hiện quan điểm kiên quyết của Thủ tướng Chính phủ nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.
Việc cắt giảm số lượng dự án đầu tư công trung hạn là rất cần thiết nhằm HÓA bỏ tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; xóa bỏ cơ chế “xin – cho”; chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quyết định danh mục và thực hiện dự án đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó việc cắt giảm số lượng dự án nhằm thực hiện mục tiêu vốn đầu tư công thực sự đóng vai trò dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác theo phương châm đầu tư công dẫn dắt đầu tư ngoài nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt hướng tới đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư.
Nét mới trong tư duy quản lý đầu tư công
Một nét rất mới, cũng là điểm nhấn quan trọng trong chỉ đạo công tác vốn đầu tư công đó là phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại và cũng không quá thận trọng, sợ trách nhiệm; khuyến khích bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, nhưng cũng không nóng vội.
Chỉ đạo này xuất phát từ thực tế một số quy định pháp lý về đầu tư công chưa theo kịp, không phù hợp với thực tiễn triển khai dự án, trói buộc người dám nghĩ, dám làm vì sợ sai phạm, “nuôi dưỡng” tư tưởng không làm thì không sai, dẫn đến trì trệ, cản trở việc thực hiện dự án đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước.
Đây cũng là căn cứ cho các cấp có thẩm quyền dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới vì lợi ích chung đó là phát triển kinh tế, vì ấm no, thịnh vượng của đất nước.
Đầu tư công – động lực quan trọng cho tăng trưởng
Bên cạnh các động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như: cải cách thể chế; tái cơ cấu nền kinh tế; nâng cao năng xuất lao động; áp dụng kỹ thuật số; đô thị hoá; thì đầu tư công và phát huy hiệu quả của vốn đầu tư là động lực rất quan trọng trong bối cảnh khó khăn, nhiều bất trắc của kinh tế thế giới, khu vực và trong nước. Hạ tầng kinh tế nước ta chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập; quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chuyển biến chậm.
Mặc dù chất lượng tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ vừa qua có chuyển biến tích cực nhưng đóng góp vào tăng trưởng của yếu tố vốn vẫn chiếm tỷ trọng lớn so với yếu tố lao động và các nhân tố tổng hợp khác – Giai đoạn 2016-2020, yếu tố vốn đóng góp đến 53,3%. Vì vậy tăng vốn đầu tư công có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt cho tăng trưởng kinh tế nước ta giai đoạn 2021-2025.
Tầm quan trọng đặc biệt của vốn đầu tư công trong dẫn dắt tăng trưởng kinh tế năm 2021 ở chỗ cứ tăng 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước. Điều này còn phản ánh tính lan tỏa của thực hiện đầu tư công tới đầu tư ngoài nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2021 mạnh hơn năm 2019 vì khi đó giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công kéo theo 1,42 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước, thấp hơn 0,19 đồng so với năm 2021.
Bên cạnh tính dẫn dắt và tính lan tỏa của vốn đầu tư công đối với nền kinh tế, bản thân đầu tư công đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng. Theo số liệu tính toán, dự báo giai đoạn 2021-2025 nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP tăng thêm 0,058%.
Cần làm gì để phát huy tối đa hiệu quả của vốn đầu tư công
Dự kiến vốn đầu tư công tăng gấp rưỡi trong 5 năm tới sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; đại dịch COVID-19 đang bùng phát, diễn biến phức tạp, dự báo còn kéo dài, ảnh hưởng sâu sắc và toàn diện đến hoạt động kinh tế – xã hội của đất nước. Các khu vực kinh tế đều gặp khó khăn trong sản xuất và lưu thông hàng hoá, nhiều loại hình dịch vụ bị ngưng trệ và giảm sút thì vai trò dẫn dắt tăng trưởng của đầu tư công rất quan trọng.
Đất nước ta trải dài 1.650km theo hướng bắc nam với địa hình đa dạng đồi núi, đồng bằng, bờ biển nên trong 10 năm tới đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án cao tốc kết nối vùng như các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam; đường ven biển kết nối nhiều tỉnh, thành phố; cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ; hệ thống đường vành đai của Hà Nội, TP.HCM… có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, liên kết và xoá bỏ khoảng cách vùng miền, củng cố an ninh quốc phòng của đất nước. Đây là những tuyến huyết mạch để lưu chuyển hàng hóa, nếu được đầu tư hiện đại sẽ giảm đáng kể chi phí, thời gian vận chuyển và đi lại.
Để hàng triệu tỷ đồng vốn đầu tư công phát huy tối đa hiệu quả các bộ, ngành, địa phương cần kiên quyết loại bỏ tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí; xoá bỏ cơ chế chạy dự án. Từng bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát kỹ, giảm mạnh số dự án chưa thực sự cấp bách, cần thiết. Tập trung vốn đầu tư, làm dự án nào dứt điểm dự án đó, sớm đưa dự án vào sử dụng. Tránh tình trạng đầu tư cùng lúc rất nhiều dự án nhưng dự án nào cũng dở dang, làm phân tán nguồn lực, không phát huy được hiệu quả của vốn đầu tư.
Chính phủ cần thực hiện phân cấp hợp lý, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết và quy mô đầu tư của từng dự án. Thủ tướng Chính phủ giao và gắn trách nhiệm của các Bộ trưởng, Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát từng dự án từ khâu xây dựng, đề xuất, triển khai thực hiện cho đến khi dự án hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư; bảo đảm công khai, minh bạch trong việc huy động, quản lý, sử dụng vốn vay; xác định rõ trách nhiệm, gắn trách nhiệm đồng thời cũng phát huy tính chủ động sáng tạo của các tổ chức, cá nhân liên quan đến đề xuất, phê duyệt, triển khai thực hiện dự án đầu tư công; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và bảo đảm phối hợp chặt chẽ, kịp thời ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong thực hiện dự án đầu tư công.
Để dự án sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả vốn đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt lưu ý tới năng lực thi công và khả năng tài chính của các nhà thầu thực hiện dự án đầu tư công. Nhà thầu phải chứng minh được năng lực kỹ thuật, có kỹ năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực dự án được giao thi công, có uy tín và nghiêm túc trong thực hiện dự án để không xảy ra trường hợp như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, đầu tư hơn 20 ngàn tỷ đồng kéo dài 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào khai thác./.
Theo Baochinhphu
Ý kiến ()