"Cần, kiệm" theo tấm gương của Bác
Không chỉ ấn tượng với tỷ lệ 95% số gia đình hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh treo ảnh Bác Hồ, đến Bình Thuận hôm nay, hình ảnh của Người với đôi mắt sáng và nụ cười nhân hậu, được treo ở nơi trang trọng nhất tại mỗi gia đình, khiến chúng tôi thật sự xúc động.Học tập và làm theo đức tính "Cần, kiệm" của Bác từ những việc làm cụ thể, thiết thực, từ thói quen, nếp sống đến việc làm hằng ngày, đó là phương châm để các cấp hội phụ nữ tỉnh Bình Thuận triển khai Cuộc vận động (CVĐ) ngày càng sâu rộng.Được triển khai từ năm 2007, CVĐ được các cấp hội triển khai mạnh mẽ không chỉ với nhiều chuyên đề, mà còn phong phú trong hoạt động sinh hoạt văn hóa văn nghệ như thi hát "Nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn"; tham gia giao lưu và phát thanh trực tiếp trên sóng phát thanh- truyền hình tỉnh; tổ chức hội thi kể chuyện về Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tìm hiểu Di chúc của Người. Trong phong trào ấy, nổi lên hàng nghìn tập thể,...
Học tập và làm theo đức tính “Cần, kiệm” của Bác từ những việc làm cụ thể, thiết thực, từ thói quen, nếp sống đến việc làm hằng ngày, đó là phương châm để các cấp hội phụ nữ tỉnh Bình Thuận triển khai Cuộc vận động (CVĐ) ngày càng sâu rộng.
Được triển khai từ năm 2007, CVĐ được các cấp hội triển khai mạnh mẽ không chỉ với nhiều chuyên đề, mà còn phong phú trong hoạt động sinh hoạt văn hóa văn nghệ như thi hát “Nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn”; tham gia giao lưu và phát thanh trực tiếp trên sóng phát thanh- truyền hình tỉnh; tổ chức hội thi kể chuyện về Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tìm hiểu Di chúc của Người. Trong phong trào ấy, nổi lên hàng nghìn tập thể, cá nhân xuất sắc, mà chị Nguyễn Thị Khang, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn 1A, xã Trà Lân, huyện Đức Linh là một điển hình. Sau khi giành giải nhất cuộc thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng ủy xã tổ chức, chị đề xuất chính quyền xã cho chị kể những mẩu chuyện nhỏ về Bác trên hệ thống truyền thanh. Lời đề nghị của chị ngay lập tức được chấp thuận. Ba năm qua, chị Khang đã kể hơn ba trăm mẩu chuyện và những bài thơ về Bác Hồ. Giờ đây, như một món ăn tinh thần không thể thiếu, cứ năm giờ chiều, nhân dân trong xã lại háo hức hướng về loa truyền thanh chờ đợi giọng nói truyền cảm của chị. “Tranh thủ” tình cảm của những thính giả trung thành, chị Khang vận động hội viên xây dựng được 65 hũ gạo tình thương ở 13 tổ phụ nữ trên địa bàn; phối hợp chính quyền địa phương mở hai lớp phổ cập tiểu học cho 54 học sinh, thu hút các cháu tới lớp bằng những câu chuyện về Bác trước giờ học. Số tiền quyên góp được, chị Khang mua hai nghìn quyển vở, tặng 400 học sinh nghèo hiếu học. Chị Khang khiêm nhường nói: “Lòng kính yêu vô bờ đối với Bác được tôi truyền tải qua các câu chuyện nhỏ, như “mưa dầm thấm lâu”, hội viên phụ nữ, nhất là bà con giáo dân trong xã, từ muốn nghe tới thấu hiểu và làm theo. Tôi tự hào vì đã góp một phần nhỏ bé giúp giáo dân trong xã hiểu hơn về Đảng, về Bác. Từ đó, trong suy nghĩ và hành động của bà con đều hướng đến mục tiêu cao đẹp “kính Chúa, yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo”.
Phần đông phụ nữ nông thôn Bình Thuận còn nghèo, hoàn cảnh kinh tế khó khăn do không có vốn đầu tư sản xuất. Học tập và làm theo Bác, phụ nữ trong toàn tỉnh đẩy mạnh phong trào thực hành tiết kiệm qua hàng nghìn mô hình “tổ heo đất”, “hũ gạo tình thương”, “thu gom phế liệu”, “ống tre xanh”, “tiết kiệm mùa xuân”. Với tinh thần “một nắm khi đói bằng một gói khi no”, tổng số gạo thu được từ hũ gạo tình thương toàn tỉnh trong thời gian ngắn đã thu về khoảng 40 tấn gạo giúp 2.500 phụ nữ nghèo và gia đình họ có bát cơm ăn trong những tháng giáp hạt.
Học theo Bác từ những việc làm cụ thể trong nếp sống hằng ngày, các cấp hội vận động chị em tiết kiệm trong tổ chức ma chay, cưới hỏi, trong chi tiêu cho bản thân và gia đình. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, Tiền Thị Ngòi cho biết: Trước đây, trong các ngày lễ, Tết, phụ nữ Chăm thường làm cỗ to, trước để “báo hiếu” với ông bà, tổ tiên, “trả sữa mẹ”, sau là để con cháu ăn. Trong đám cưới, đám tang thường giết trâu, giết bò, không có thì đi mượn, đi vay. Đời cha mẹ không trả được, đời con trả. Bây giờ chị em hiểu rằng, không cúng lớn không phải bất hiếu mà là thương con, thương cháu, không để nợ cho đời con cháu mình phải trả”. Vận dụng linh hoạt và sáng tạo trong học tập và làm theo Bác, phụ nữ Chăm xã Phan Hòa thành lập CLB không sinh con thứ ba, sinh con ít để có điều kiện nuôi dạy con nên người, thu hút hơn 30 hội viên. Thành viên trong CLB được ưu tiên vay vốn ngân hàng nên thu hút được ngày càng nhiều chị em tham gia.
Trong CVĐ, Hội LHPN tỉnh khuyến khích và biểu dương những sáng kiến, mô hình “làm theo” Bác phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của từng địa phương. Mỗi chi hội một cách làm, một mô hình riêng nhưng chung một ý nghĩa, mục đích là “cần, kiệm” giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn hơn mình. Từ những hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực, đã giúp tổ chức hội ở nơi đó ngày càng hoàn thiện và có uy tín đối với hội viên của mình. Có đi xuống cơ sở, chúng tôi mới thấu hiểu hết lời nói của chị Yến. Ví như, huyện Hàm Thuận Bắc là nơi xuất phát của tổ “cần, kiệm”, đến nay đã nhân rộng toàn tỉnh với gần một nghìn tổ, thu hút gần 33 nghìn hội viên tham gia với tổng số tiền tiết kiệm hơn 1,4 tỷ đồng. Các thành viên hằng tháng đăng ký và thực hiện tốt việc cần cù trong học tập, lao động sản xuất, tiết kiệm trong đầu tư sản xuất, chăn nuôi, tiết kiệm sức lao động, nhưng vẫn đem lại năng suất lao động cao. Phụ nữ huyện Hàm Tân lại nhân rộng mô hình tổ thu gom phế liệu. Thay vì vét phế liệu ra đường, ảnh hưởng tới cảnh quan, ô nhiễm môi trường, các thành viên trong tổ thu gom lại để bán lấy tiền gây quỹ giúp đỡ những chị em mắc bệnh nan y. Để tạo hình thức hấp dẫn, thu hút hội viên tham gia học tập và làm theo Bác, phụ nữ huyện Tuy Phong lại xây dựng mô hình “nói phụ nữ nghe, nghe phụ nữ nói, làm phụ nữ tin” tạo bước chuyển biến rõ rệt trong việc vận động người thân trong gia đình không mắc tệ nạn xã hội, không vi phạm Luật Giao thông đường bộ…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Thị Hải Yến cho biết:
Có thể nói, qua những mô hình “cần, kiệm” trên, chị em nhận thức sâu sắc hơn lời dạy của Bác Hồ. Trong năm năm qua, từ các phong trào của các cấp hội, hơn 40% số phụ nữ nghèo trong tỉnh đã thoát nghèo. Đó là con số đáng phấn khởi và tự hào để báo cáo trong Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc sắp diễn ra vào tháng ba tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()