Cần kiểm soát việc khai thác cây dược liệu quý
LSO-Những năm gần đây, nhiều cây dược liệu quý làm thuốc đông y chữa bệnh trên địa bàn tỉnh suy giảm nghiêm trọng. Một thực tế đáng lo ngại là do không biết giá trị cây thuốc nên người dân ở một số vùng đã vào rừng khai thác nhiều cây dược liệu đem bán cho tư thương thu mua, sau đó vận chuyển xuất bán sang Trung Quốc. Thực trạng trên diễn ra đã khá lâu nhưng chưa được ngăn chặn khiến nguồn dược liệu quý đứng trước nguy cơ cạn kiệt.
Sơ chế vỏ cây mạy tảng ở xã Tân Thành, huyện Cao Lộc |
Tự do khai thác dược liệu đem bán
Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết: thời gian qua, ở các huyện: Lộc Bình, Cao Lộc, Văn Lãng, Văn Quan, Chi Lăng và thành phố Lạng Sơn đã có nhiều người dân ở khu vực nông thôn vào rừng, lên núi khai thác cây dược liệu để bán lấy tiền. Trong đó chủ yếu là những cây dược liệu trong các bài thuốc đông y của đồng bào dân tộc; theo tiếng địa phương thường gọi như: rễ cây mác náp, rễ cây nầm mò, vỏ cây mạy tảng, cây nhả đản, lá cây báng bưân, cây sói rừng, cây chiu cạt, cây ca liệng đeng, cây cẩu ngầu lực…. Sau khi khai thác, một số cây được phơi khô, sơ chế chặt ra thành từng khúc hoặc thái lát, đóng thành từng bao rồi đem bán cho đại lý. Anh Lý Văn Thường ở xã Tân Thành, huyện Cao Lộc cho biết: “Gia đình làm ruộng, dịp này nông nhàn, tranh thủ vào rừng của nhà, chặt lấy lá cây báng bưân đem bán, mỗi ki-lô-gam được 1.500 đồng. Cây ở trong rừng nhà mình, nhưng mình mà không lấy thì người khác cũng lấy đi bán, nên khó trông lắm”.
Hiện nay, trên tuyến tỉnh lộ 234 thuộc địa phận xã Tân Thành, huyện Cao Lộc; xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn và tỉnh lộ 236, xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình đều có điểm thu mua cây dược liệu. Trong đó, lá cây báng bưân và vỏ cây mạy tảng chất thành từng đống, một số đóng vào bao tải, để ngay bên lề đường. Theo các chủ đại lý thu mua, giá 1 kg lá cây báng bưân và vỏ cây mạy tảng tươi là 1.500 đồng; rễ cây nầm mò và cây sói rừng có giá từ 10.000-15.000 đồng/kg. Sau khi thu mua về, các đại lý thuê người sơ chế phơi khô rồi dùng ô tô vận chuyển xuất sang Trung Quốc qua các cửa khẩu Nà Nưa, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định hoặc cửa khẩu Na Hình, huyện Văn Lãng. Tuy nhiên, khi được hỏi cả người bán và chủ đại lý thu mua đều không hề biết loại cây mình đem bán có tác dụng gì.
Nhiều cây dược liệu quý đã cạn kiệt
Điều đáng quan tâm hiện nay, hoạt động khai thác, buôn bán nguồn dược liệu đang diễn hằng ngày, dưới nhiều hình thức, tuỳ thuộc vào yêu cầu của khách hàng. Ví như đối với cây nhả đản, cây nầm mò và cây sói rừng lấy cả cây gốc, rễ; cây báng bưân lấy thân, lá, hoa; cây mạy tảng thì lấy riêng vỏ. Bác sĩ Trần Văn Tuyến, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết: một số cây dược liệu dùng để làm thuốc quý, như củ bình vôi dùng chế thuốc an thần; cây hối hạc chữa bệnh đau khớp, đau lưng; kim ngân hoa giải độc, thanh nhiệt, chống viêm, kháng viêm. Hầu hết những cây dược liệu này đều mọc tự nhiên ở trong rừng hay trên núi đá. Nếu cứ khai thác mà không có sự bảo tồn thì Lạng Sơn sẽ mất đi nhiều loại cây thuốc quý bản địa, thậm chí một số cây đã cạn kiệt và có nguy cơ tuyệt chủng.
Tìm hiểu thêm về thực trạng những cây dược liệu quý làm thuốc đông y đã cạn kiệt, chúng tôi gặp anh Nông Văn Bảy, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng; Mã Văn Sáu, xã Tràng Phái, huyện Văn Quan và bà Lăng Thị Eng, ở xã Vân An, huyện Chi Lăng, là những người đã từng đi hái cây dược liệu về làm thuốc và bán ra thị trường cho biết: “Trước đây chỉ cần bước chân lên đến rừng là gặp cây thuốc để hái, nhưng bây giờ mà đi tìm thì khó rồi như: củ bình vôi, kim ngân hoa, cẩu ngầu lực, gối hạc, sói rừng rất ít gặp; nếu có chỉ còn sót lại ở khu rừng ít người đặt chân đến”. Ông Vy Văn Thư, Chủ tịch Hội Đông y huyện Chi Lăng khẳng định: “Do nguồn dược liệu ngày càng cạn kiệt nên những bài thuốc gia truyền của các ông lang, bà mế đồng bào dân tộc cũng đang mất dần đi vị cây thuốc quý”.
Tác hại của việc khai thác dược liệu quá mức
Bác sĩ Trần Văn Tuyến, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết thêm: với việc khai thác quá mức như trên, nhiều cây thuốc trong rừng tự nhiên không còn khả năng phát triển để bảo tồn tái sinh. Hơn nữa còn làm tổn hại đến môi trường sinh thái, các thảm thực vật ở các khu rừng tự nhiên, nguyên sinh; làm suy giảm nguồn tài nguyên cây thuốc; giảm độ che phủ của rừng…
Để ngăn chặn tình trạng khai thác tràn lan và xuất bán cây dược liệu quý qua cửa khẩu biên giới, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần sớm có giải pháp để bảo tồn, lưu giữ nguồn gen các loại cây dược liệu. Tăng cường kiểm soát, xuất khẩu; tuyên truyền phổ biến cho người dân phương pháp thu hái dược liệu đúng mùa, đúng vụ, đảm bảo sự phát triển bền vững.
THẾ BẢO
Ý kiến ()