Cần kiểm soát tốt khâu giống khi phát triển cây mắc ca
Là loài cây mang lại giá trị kinh tế cao, tuy nhiên, mắc ca cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về thị trường tiêu thụ nếu chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng khi triển khai trồng trên diện rộng, đặc biệt tại Việt Nam. Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn đã có cuộc trao đổi với báo chí.
|
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn (Ảnh: BT) |
Phóng viên (PV): Xin Thứ trưởng cho biết định hướng phát triển cây mắc ca của Bộ NN&PTNT?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý và phân tích đánh giá những điều kiện trong nước và quốc tế, hiện nay, chúng tôi đang xem xét và hoàn thiện quy hoạch ngành hàng này. Việc quy hoạch ngành hàng cần đạt mục đích cuối cùng là hiệu quả cao nhất và phát triển bền vững.
Muốn đạt được điều này, ngoài những điều kiện sinh học, sinh thái thổ nhưỡng, chúng ta cần thấy được khả năng thị trường và nhu cầu giữa cung và cầu của cây mắc ca. Từ đó có những giải pháp đồng bộ từ khâu chế biến đến bảo quản, hướng dẫn những điều kiện cần thiết cho bà con nông dân để tránh việc nghiên cứu, tính toán không kỹ sẽ rất dễ gây thiệt hại. Điều quan trọng là làm sao phát triển cây mắc ca không bị lặp lại trình trạng được mùa mất giá như một số cây trồng khác.
Bởi vậy, chúng tôi đang xem xét đánh giá toàn diện, đồng thời tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến cây mắc ca tại Việt Nam, dự kiến quy hoạch ngành hàng này sẽ được ban hành trong năm nay.
Trước khi quy hoạch được ban hành, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đánh giá bước đầu trên cơ sở quản lý và kiểm soát được giống mắc ca có chất lượng, có nguồn gốc, đúng quy định của pháp luật. Nhưng vấn đề đặt ra, từ nay đến năm 2020, lượng giống chỉ đủ cho chúng ta trồng 10.000ha. Chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về định lượng này. Bên cạnh đó, chúng ta đang ở giai đoạn khảo nghiệm và sản xuất thử, do vậy chúng tôi cũng đề nghị là chỉ trồng mắc ca ở những vùng đã khảo nghiệm và được đánh giá là có hiệu quả.
PV: Giống là yếu tố quan trọng để phát triển cây mắc ca, vậy Thứ trưởng cho biết giải pháp nào để kiểm soát được công tác này?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Qua khảo nghiệm, chúng ta đã chứng tỏ được giống ươm từ hạt đem trồng phải mất thời gian xây dựng cơ bản, tức là thời gian trồng cho đến thu hoạch rất dài, khoảng 7-9 năm và có nhiều cây không có quả. Chúng tôi đã có văn bản yêu cầu kiểm soát chỉ trồng, sản xuất cây mắc ca từ giống ghép, trong đó, cành được ghép phải được lấy từ những cây đầu dòng chất lượng tốt, cây được khảo nghiệm, công nhận giống. Như vậy mới đảm bảo vườn cây mắc ca có năng suất.
Hiện nay có hiện tượng giống không đảm bảo, thậm chí theo phản ánh của một số địa phương thì có dấu hiệu có một số cá nhân nhân lợi dụng cơ hội khi xã hội đang quan tâm phát triển cây mắc ca nên đã đưa những giống không có chất lượng vào thị trường. Điều này rất nguy hại cho người trồng mắc ca.
Để quản lý giống cây mắc ca, chúng tôi đã chỉ đạo, yêu cầu kiểm soát nguồn giống đưa vào ươm phải đảm bảo rõ nguồn gốc xuất xứ. Thêm vào đó, công tác kiểm tra, kiểm soát phải được tăng cường, trong đó, thực hiện điều này không chỉ riêng Bộ NN&PTNT mà trước hết và chủ yếu là các cơ quan, tổ chức ngành nông nghiệp ở địa phương.
PV: Muốn phát triển cây mắc ca hiệu quả, chúng ta cần làm tốt những khâu gì thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Muốn phát triển cây mắc ca cần gắn sản xuất với điều kiện chế biến và bảo quản, đảm bảo chất lượng có thể tiêu thụ ở thị trường thế giới. Đối với mắc ca, chúng ta không thể thu lượm rồi đem phơi như cà phê. Chúng tôi được các cơ sở chế biến cho biết, từ khi thu lượm hạt mắc ca, trong 24 giờ phải chế biến hạt trong vỏ được tách, tách vỏ được 3 tiếng phải đưa vào sấy, sấy xong phải bảo quản trong điều kiện nhà, kho, đặc biệt đảm bảo nhiệt độ thích hợp, không quá 16 độ C,… Những điều kiện ấy cần đi liền với nhau trong sự phối hợp giữa doanh nghiệp, cơ sở chế biến và nông dân. Nếu chúng ta không giải quyết tốt công tác bảo quản và chế biến, chúng ta sẽ không thể tiêu thụ sản phẩm và không đạt được hiệu quả kinh tế cao từ cây mắc ca.
PV: Mắc ca là cây trồng mang lại giá trị cao, nhưng giải quyết vấn đề thị trường luôn là khâu quan trọng, vậy Thứ trưởng cho biết định hướng thị trường của loài cây này?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Chúng tôi đang trăn trở làm sao phát triển cây mắc ca bền vững, tiêu thụ được ở mức giá có lợi; đồng thời tiêu thụ được sản phẩm này ở cả thị trường quốc tế và trong nước.
Muốn làm được điều này chúng ta cần đánh giá quan hệ cung cầu, tốc độ phát triển của ngành và khả năng tiêu thụ của quốc tế. Đồng thời, muốn khai thác được thị trường trong nước, điều quan trọng là cần giữ được chất lượng, thương hiệu và có quảng bá để mở rộng thị trường này.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()