Cần kiểm soát gia cầm tại các chợ
LSO- Cùng với các loại hàng hóa thực phẩm khác, vào những ngày Tết Nguyên đán, nhu cầu về sản phẩm gia cầm tăng cao. Tuy nhiên, việc kiểm soát nguồn cung gia cầm và giết mổ gia cầm tại các chợ trên địa bàn thành phố Lạng Sơn vẫn còn hạn chế. Tình trạng này không chỉ khiến nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm thịt gia cầm, mà còn dẫn đến rủi ro cao lây nhiễm dịch bệnh gia cầm.
Kiểm soát gia cầm sống vào chợ gặp khó!
Trên địa bàn thành phố Lạng Sơn có 5 chợ lớn buôn bán gia cầm sống và sản phẩm thịt gia cầm là chợ: Giếng Vuông, Đông Kinh, Bờ Sông, Kỳ Lừa, Chi Lăng). Số lượng hộ buôn bán gia cầm sống và sản phẩm thịt gia cầm tại các chợ này có khoảng 120 hộ. Theo thống kê nhanh của Trạm Thú y thành phố, trong những ngày vừa qua, đặc biệt là ngày 23 tháng Chạp (ngày tiễn ông Công, ông Táo), số lượng gia cầm bán cho người tiêu dùng vào trên 1.000 con. Con số này cho thấy, nhu cầu về gia cầm trong những ngày Tết chắc chắn sẽ còn cao hơn.
Bà Phạm Thị Nga, Trưởng Trạm Thú y thành phố cho biết, do nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân những ngày giáp Tết tăng cao nên lưu lượng vận chuyển gia cầm vào các chợ có sự tăng. Việc vận chuyển tăng nên thời điểm giáp Tết, Trạm tăng tần suất kiểm soát, kiểm dịch gia cầm bày bán tại chợ. Tuy vậy, theo bà Nga, việc kiểm soát, kiểm dịch gia cầm sống tại chợ của Trạm gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do hiện tại, công tác kiểm dịch vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, cảm quan thông qua quan sát tình trạng của con gia cầm chứ không có máy móc hay thiết bị test (kiểm tra nhanh), do vậy, xác suất chuẩn đoán sai vẫn có thể xảy ra. Cùng đó, nhân lực của Trạm quá ít (hơn 10 cán bộ), trong thời điểm “nóng” này không thể kiểm soát 100% các xe chở gia cầm vào các chợ.
Gia cầm sống và điểm giết mổ sát nhau
Qua trao đổi, được biết, phần lớn tiểu thương buôn bán gia cầm chủ yếu vận chuyển gia cầm lưu thông trong chợ bằng xe máy. Việc vận chuyển này tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn. Với nhu cầu cao như thời điểm hiện tại, lượng gia cầm chăn nuôi trên địa bàn không thể đủ cung ứng cho thị trường. Vì vậy, một lượng lớn gia cầm đang bán tại các chợ trên địa bàn thành phố là gia cầm của các tỉnh khác vận chuyển lên. Số liệu thống kê của Trạm Kiểm dịch Động vật Hữu Lũng cho thấy rõ xu hướng này. Cụ thể, lượng gia cầm từ các tỉnh khác vận chuyển vào Lạng Sơn trong những tháng cuối năm là hơn 10.000 nghìn con gà thịt, đặc biệt, số lượng vịt của 11 tỉnh khác nhau được vận chuyển vào Lạng Sơn rất lớn (trong 3 tháng cuối năm là hơn 500.000 con vịt thịt).
Gia cầm từ nhiều nguồn gốc khác nhau khiến việc kiểm soát dịch bệnh tại các chợ càng trở lên khó khăn. Mặc dù khi kiểm tra tại các điểm tập kết gia cầm từ các tỉnh khác, chủ buôn đều xuất trình giấy kiểm dịch, chứng nhận gia cầm không có bệnh, nhưng rủi ro gia cầm có bệnh xâm nhập vào địa bàn thành phố vẫn rất cao. Thực tế, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại một số tỉnh, trong đó có tỉnh giáp ranh như Quảng Ninh (dịch xuất hiện trong tháng 12/2015).
Khó kiểm soát giết mổ tại chợ!
Việc kiểm soát dịch bệnh gia cầm sống tại chợ khổng thể đạt 100%, do vậy, nguy cơ gia cầm bệnh lọt vào chợ vẫn có thể xảy ra. Việc kiểm soát gia cầm sống đã khó, việc kiểm soát giết mổ tại chợ và gia cầm thịt sẵn còn khó khăn hơn. Bà Phạm Thị Nga cho biết cũng giống như kiểm dịch gia cầm sống, việc kiểm dịch gia cầm thịt bán sẵn cũng vậy, tức là, cán bộ kiểm dịch thú y chủ yếu kiểm dịch bằng mắt và kinh nghiệm chuyên môn. Và điều này khiến người tiêu dùng khó có thể biết đâu là sản phẩm gia cầm thịt có bệnh hay không. Vì, theo bà Nga, hiện tại, việc đóng dấu kiểm dịch mới chỉ được thực hiện trên thịt gia súc (thịt lợn), còn thịt gia cầm thì chưa đóng dấu. Như vậy, để chọn mua được sản phẩm thịt gà, thịt vịt sạch, không bệnh thì người tiêu dùng cũng phải dựa vào kinh nghiệm của chính mình.
Gia cầm được giết mổ ngay trong chợ Giếng Vuông, địa điểm giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y.
Ngoài chất lượng thịt gia cầm, nguy cơ thịt gia cầm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hiện hữu rất rõ. Qua trao đổi với chủ bán gia cầm tại một số chợ như Giếng Vuông, Chi Lăng, được biết, phần lớn, vào dịp lễ, nhất là dịp Tết, người tiêu dùng thường có xu hướng chọn mua gà, vịt sống, sau đó thuê chủ bán hàng giết mổ tại chỗ luôn. Chính vì vậy, tại các chợ, trong khu vực bán gia cầm là kèm theo các điểm giết mổ. Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của Ban Chỉ đạo Liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, thì 100% các điểm giết mổ gia cầm tại chợ đều không đủ điều kiện giết mổ và đảm bảo vệ sinh trong khi giết mổ. Thực trạng này chính quyền thành phố và các ngành đều biết, tuy nhiên, việc dẹp bỏ các điểm giết mổ gia cầm ngay trong khu bán gia cầm chưa thể thực hiện được, vì trong cả 5 chợ lớn ở trên đều chưa có quy hoạch khu vực giết mổ riêng.
Theo báo cáo của Trạm Thú y thành phố, trong cả năm 2015, việc kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y của Trạm là gần 4.500 nghìn con. Như vậy, tính trung bình, mỗi ngày, chỉ có trên 120 con gia cầm được kiểm tra vệ sinh thú y sau khi giết mổ. Tính nhẩm nhanh thì thấy ngay con số này ít hơn nhiều so với lượng thịt gia cầm tiêu thụ hàng ngày (theo nhu cầu tiêu dùng).
Khó kiểm soát từ quản lý mua bán đến giết mổ gia cầm tại các chợ trên địa bàn thành phố có thể sẽ dẫn đến việc lây lan dịch bệnh gia cầm, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng sản phẩm thịt gia cầm. Để bảo vệ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán này, các ngành, lực lượng chức năng liên quan cần tăng cường, kiểm soát, kiểm dịch các xe chở gia cầm ngay từ các tuyến đường lưu thông vào tỉnh. Cùng đó, ngành thú y cần quản lý chặt chẽ hoạt động buôn bán, giết mổ tại các cơ sở giết mổ tạm thời, đặc biệt là các chợ kinh doanh sản phẩm gia cầm không bảo đảm vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, qua đó xử lý triệt để các vi phạm trong lĩnh vực thú y, nhất là đối với trường hợp buôn bán gia cầm sống không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trí Dũng
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()