Cần kiểm soát chặt xe hợp đồng “trá hình” chạy tuyến cố định
(LSO) – Sở Giao thông – Vận tải (GTVT) đang quản lý khoảng 110 đầu xe ô tô đăng ký vận tải khách theo hình thức hợp đồng. Nhưng trên thực tế, số lượng xe ô tô kinh doanh theo hình thức này nhiều gấp 2 – 3 lần số đã đăng ký. Tình trạng xe hợp đồng biến tướng kinh doanh vận tải hành khách như các xe chạy tuyến cố định hiện nay vẫn khá phổ biến…
Hình ảnh dễ nhận thấy ở trong các tuyến đường nội thị của thành phố Lạng Sơn, nhất là khu vực: ngã tư Mỹ Sơn, nhà máy xi măng cũ, ngã ba Yên Trạch… là các ô tô loại 16 chỗ, 9 chỗ và cả 7 chỗ có gắn biển “xe hợp đồng” dừng đón khách đi các tuyến: Hà Nội, Thái Nguyên, Nam Định…
Trong báo cáo kết quả đợt cao điểm xử lý xe dù, bến cóc của Thanh tra giao thông, Sở GTVT Lạng Sơn nêu rõ: vẫn còn hiện tượng các xe kinh doanh vận tải hành khách theo hình thực hợp đồng, nhưng lại hoạt động như xe chạy tuyến cố định. Trong tháng cao điểm (từ ngày 20/7 – 20/8/2018) ra quân xử lý xe dù, bến cóc, lực lượng thanh tra giao thông đã phát hiện và xử phạt hành chính 114 xe vi phạm về kinh doanh vận tải không đúng đăng ký.
Lực lượng Thanh tra giao thông kiểm tra giấy tờ trước khi xe xuất bến
Ông Vũ Văn Nhiên, Chánh Thanh tra giao thông, Sở GTVT cho biết: Tình trạng xe đăng ký vận tải hành khách theo hợp đồng nhưng trá hình để kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định vẫn còn nhiều. Việc xử lý các xe hợp đồng này cũng không đơn giản. Các chủ xe có nhiều cách đối phó với lực lượng kiểm tra, như: xuất trình đầy đủ hợp đồng vận tải, có tên tuổi, địa chỉ của hành khách, địa điểm đi và đến rõ ràng. Tuy nhiên, đây chỉ là hợp đồng do nhà xe xin tên của khách đi và tự soạn thảo để đối phó với cơ quan chức năng.
Qua trao đổi với lãnh đạo Phòng Quản lý phương tiện, vận tải và người lái (Sở GTVT), được biết, số xe đăng ký kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là hơn 110 xe, tăng khoảng 20 xe so với năm 2017. Trên thực tế, số xe đang hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng cao hơn rất nhiều con số đăng ký. Bởi trên địa bàn tỉnh số lượng xe ô tô chạy hợp đồng phần lớn đăng ký biển kiểm soát của Hà Nội nhưng chủ xe lại sinh sống trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Theo quy định, xe ô tô đăng ký biển kiểm soát ở địa phương nào thì đăng ký khi có hợp đồng vận tải với Sở GTVT của địa phương đó. Đây là cách “trốn” sự quản lý của các chủ xe ô tô kinh doanh hợp đồng.
Lý do khiến số xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách đăng ký dưới hình thức hợp đồng nhưng trá hình để chạy tuyến cố định gia tăng là do những quy định về loại hình vận tải này dễ hơn so với loại hình đăng ký kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định. Cụ thể, hình thức kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo hợp đồng chỉ cần thông báo cơ quan quản lý Nhà nước (Sở GTVT) khi có hợp đồng vận tải, còn kinh doanh theo tuyến cố định thì phải báo cáo hằng ngày, báo cáo rõ về lượng khách, đồng thời phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để cơ quan quản lý Nhà nước giám sát tuyến đường di chuyển của xe. Việc “trá hình” này không chỉ “trốn” sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý, mà còn “trốn” được thuế kinh doanh vận tải và tiết giảm một số khoản phí khi vào bến xe.
Từ đầu năm 2018 đến nay mới chỉ có 1 đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về xe dù, bến cóc của lực lượng thanh tra giao thông. Còn lại, trong quá trình kiểm tra thường xuyên, số xe ô tô trá hình để kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định bị phát hiện rất ít. Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, trong tổng số hơn 7.500 xe ô tô bị xử lý và phạt hành chính từ đầu năm đến nay, số xe vi phạm về hình thức đăng ký kinh doanh vận tải chỉ chiếm khoảng hơn 5%.
Được biết, trong tháng cuối năm 2018 và thời điểm giáp Tết Nguyên đán, các lực lượng sẽ tiếp tục triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý tình trạng xe dù. Ngoài lực lượng thanh tra giao thông, Sở GTVT cũng có văn bản đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các xe chở khách theo hình thức hợp đồng nhưng lại có biểu hiện vòng vo, dừng đỗ, đón trả khách không đúng với các vị trí đã ghi trên hợp đồng.
Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định cụ thể về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Theo đó, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết; không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức. |
Ý kiến ()