Cần kiểm soát chặt chất lượng đầu vào
LSO-Trong những năm qua, một số chủ đầu tư đã sử dụng cát nghiền vào xây dựng các công trình giao thông nông thôn (GTNT). Tuy nhiên, để đảm bảo ổn định về chất lượng công trình, cần kiểm soát chặt chất lượng cát đầu vào.
Đưa vật liệu cát nghiền vào thi công thí điểm tuyến đường Na Hoa – Bắc Lệ thuộc dự án đường Phố Vị – Hòa Sơn – Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng |
Theo Sở Giao thông Vận tải, để thực hiện đề án phát triển GTNT trong giai đoạn 2016 – 2020 là làm mới 1.600 km đường giao thông, cần khoảng 300 nghìn mét khối cát vàng. Tính riêng trong năm 2017, Lạng Sơn phấn đấu làm mới hơn 450 km đường GTNT và hàng chục dự án hạ tầng giao thông có kết cấu mặt đường bằng bê tông xi măng với nhu cầu cát vàng khoảng 150 nghìn mét khối.
Theo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, nhu cầu sử dụng cát vàng phục vụ hoạt động xây dựng chung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2009 – 2015 khoảng 350 nghìn mét khối/ năm; năm 2016 là 400 nghìn mét khối; năm 2017 là 450 nghìn mét khối. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế sử dụng cát vàng để xây dựng các công trình đã vượt gấp 1,5 lần, nguồn cát thiếu hụt buộc Lạng Sơn phải nhập cát từ các tỉnh khác khiến giá thành bị đẩy lên cao và chất lượng không ổn định.
Để từng bước giải quyết áp lực về nhu cầu cát trong xây dựng các công trình, trong đó có công trình hạ tầng giao thông, từ năm 2014, tỉnh đã ban hành văn bản về sử dụng cát nghiền nhân tạo thay thế cát tự nhiên trong xây dựng cơ bản và thực hiện theo quy chuẩn quốc gia 9205:2012 tiêu chuẩn cát nghiền cho bê tông và vữa. Tính đến nay, đã có hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông sử dụng cát nghiền trên địa bàn đạt yêu cầu về chất lượng kỹ thuật. Một số công trình giao thông sử dụng cát nghiền thành công như công trình: đoạn km 8 500 đến km 10 122 tuyến nhánh Na Hoa – Bắc Lệ, huyện Hữu Lũng và hàng loạt các công trình GTNT trên địa bàn các xã: Đề Thám, Đội Cấn (Tràng Định). Bên cạnh đó, một số dự án sắp triển khai thi công như: đường Xuân Dương – Ái Quốc (Lộc Bình) và xã Thái Bình (Đình Lập) được tỉnh phê duyệt sử dụng cát nghiền để làm mặt đường bê tông xi măng. Ông Bùi Đình Thụ, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng cho biết: Thực tế, trên phạm vi toàn quốc đã có rất nhiều công trình lớn trọng điểm sử dụng cát nghiền cho chất lượng công trình tốt và an toàn. Vấn đề cốt lõi là nhà sản xuất phải cung ứng cho các chủ đầu tư sản phẩm cát nghiền có chất lượng ổn định, đặc biệt là thành phần hạt phải theo đúng quy chuẩn 9205:2012 đã được Bộ Khoa học Công nghệ công bố.
Theo các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát thi công, việc sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên là xu thế tất yếu, nhưng nhiều cơ sở sản xuất đưa sản phẩm ra thị trường với giá thành còn cao, chất lượng thiếu ổn định, ảnh hưởng đến quá trình thi công, cũng như kiểm soát chất lượng công trình. Ông Triệu Dũng Định, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật An Khánh (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Để kiểm soát chất lượng công trình hạ tầng giao thông sử dụng vật liệu cát nghiền, không còn cách nào khác là đơn vị tư vấn thiết kế, chủ đầu tư phải kiểm soát chặt vật liệu đầu vào, kiên quyết loại bỏ các lô sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu.
Để đưa cát nghiền vào sử dụng đại trà và kiểm soát chất lượng cát nghiền, ông Nghiêm Văn Hải, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Các đơn vị sản xuất cung ứng sản phẩm cát nghiền khi cung ứng cho chủ đầu tư phải đăng ký gửi hồ sơ chất lượng sản phẩm cát nghiền đến sở Giao thông Vận tải trước khi chủ đầu tư và UBND các huyện cho phép nhà thầu đưa vào thi công xây lắp công trình hạ tầng giao thông.
TRANG NINH
Ý kiến ()