Cần kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ và tự tạo cho mình lưới lọc tin giả
Ngày nay, với sự bùng nổ của internet và các mạng xã hội, tin giả đã và đang gây ra nhiều mối hiểm họa nguy hại. Tin giả xấu độc không những có sức công phá nền kinh tế, tài chính, nông nghiệp mà còn đe dọa đến an toàn an ninh của mỗi quốc gia… tại tọa đàm “Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, các khách mời đều cho rằng đã đến lúc chính quyền và các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc một cách tích cực, nhanh chóng tìm ra phương pháp tiếp cận cũng như nhận diện, xử lý tin giả một cách hiệu quả nhất.
Phối hợp nhận thông báo tin giả qua fanpage Thông tin Chính phủ
Chia sẻ của tại tọa đàm Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Quang Tự Do cho biết: Trung tâm xử lý tin giả của cục được thành lập vào tháng 4-2021, lúc ấy là cao điểm về chống dịch Covid-19 ở nước ta, đặc biệt là các tỉnh phía Nam.
Đến nay, trung tâm đã tiếp nhận gần 5.000 tin giả gửi đến và phân loại xử lý, đóng dấu tin giả được 50 tin. Vì có những tin lại không phải tin giả, nó là những tin xúc phạm nhân phẩm, danh dự, những tin cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, chúng tôi đã chuyển đến những nơi khác để xử lý.
Cảnh giác với tin nhắn giả/ Ảnh minh họa/vtv.vn. |
Thực ra đây chỉ là một kênh xử lý của cục, cục cũng có những đường dây nóng để tiếp nhận những phản ánh, tổng đài điện thoại phối hợp với bên Viettel để tiếp nhận email để cho người dân gửi đến.
Hiện nay, cục cũng có tài khoản fanpage trên facebook để tiếp nhận, cục cũng có mạng lưới với các tỉnh thành, các bộ, ngành để mà tiếp nhận và xử lý tin giả. Người dân có thể gửi về cục, cũng có thể gửi về các đầu mối ở sở hay văn phòng ủy ban, cục cũng thường xuyên nhận phản ánh tin giả từ doanh nghiệp, tổ chức, rồi trực tiếp từ các cá nhân, các cơ quan báo chí, chứ không phải chỉ nhận qua trung tâm xử lý tin giả này. Ngoài ra, người dân cũng gửi trực tiếp công văn về cục, gửi đơn khiếu nại, thậm chí là tố cáo, chúng tôi cũng đều xử lý hết mặc dù số lượng rất lớn.
Các doanh nghiệp khi gặp những tin giả, tin đồn họ cũng có những cách liên hệ trực tiếp luôn với cơ quan chức năng để được hướng dẫn chứ không chờ qua một quy trình gửi về Trung tâm tin giả, đây là quy trình thông thường, còn khi có những vấn đề khẩn cấp sẽ xử lý theo hướng ưu tiên.
“Hiện nay, fanpage Thông tin Chính phủ trên Facebook là nơi chúng tôi hay làm điển hình để giới thiệu với các địa phương về việc vừa thông tin, tuyên truyền trên mạng xã hội hiệu quả, vừa là nơi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của người dân. Ý tưởng kết hợp giữa Cục với Cổng TTĐT Chính phủ để sử dụng được những phản ánh của người dân qua fanpage rất hay. Chúng tôi sẽ triển khai trong thời gian tới”, ông Lê Quang Tự Do chia sẻ.
Các chuyên gia, khách mời tại Tọa đàm “Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả”. Ảnh: VGP. |
Ứng phó với tin giả bằng cách nào?
Theo nhà báo, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, tương tác chính là mấu chốt của truyền thông hiện đại và phải chủ động tiếp cận người dân thì mới có thể xử lý tốt khủng hoảng truyền thông.
Nguyên lý truyền thông trong thời đại số là tính minh bạch. Về mặt công nghệ, có thể đo lường được để biết sắp tới công chúng sẽ quan tâm tới gì, lo lắng vì tin đồn gì để từ đó chủ động thông tin trước.
Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp không nên để công chúng tự đi tìm kiếm thông tin về vấn đề họ thắc mắc. Thay vào đó, cần chủ động đưa ra thông tin ngay khi đo lường được sức nóng vấn đề, như vậy mới tạo ra niềm tin ở công chúng.
“Tin đồn, tin giả từ đâu mà ra? Nó chỉ lợi dụng từ lỗ hổng thông tin mà chúng ta đang vô tình, không ý thức được vai trò của thông tin, tạo ra lỗ hổng đó. Anh không dám bộc lộ, thậm chí anh nghĩ rằng nó quan trọng nên che giấu, nhưng nhiều vấn đề hoạt động của doanh nghiệp không nên giữ bí mật nữa, trừ vấn đề tối quan trọng”, ông Lê Quốc Vinh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với chuyên gia truyền thông về nguyên nhân tin đồn “nhiều đất sống” là do thiếu thông tin chuẩn xác, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI khẳng định chỉ có tin thật mới xóa được tin đồn. Khi công chúng tin cậy một nguồn thông tin, tin cậy nơi cung cấp thông tin thì chắc chắn tin đồn tự khắc giảm dần và sẽ hết. Do đó, các cơ quan cần phản ứng nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn. Phải có người chuyên trong lĩnh vực này, là đầu mối và đưa ra những phản ứng kịp thời.
Nói đến vấn đề xử lý người đưa tin giả, ông Lê Quốc Vinh gợi ý cần có giải pháp cho những người dân bình thường. Ngoài ra, cũng phải có chế tài đủ sức răn đe trường hợp cố tình, phải xử phạt xứng đáng thì mới ngăn chặn được.
Các khách mời cơ bản thống nhất hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay tương đối đầy đủ. Gần đây nhất, đã có Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Pháp luật cũng phân định rất rõ mức xử lý vi phạm hành chính, mức phạt phụ thuộc vào hậu quả.
Các chuyên gia cũng cho rằng, trước đây, nếu người thật thì xác định được cá nhân, nhưng lên internet, do yếu tố ẩn danh, không hiện diện nên nhiều người dùng cảm thấy trách nhiệm ít hơn và dễ dàng lan truyền những thông tin không đúng, không thật. Do đó, phải có cách thức bắt buộc công khai thông tin, nhất là với những người có ảnh hưởng (KOL), phải tập trung quản lý những người này, không chỉ xử phạt, mà có những quy định bắt buộc nghĩa vụ họ phải thực hiện.
Đáng chú ý nhiều vị khách mời đều nhấn mạnh: Mỗi người dân phải là chiến sĩ hàng đầu trong đấu tranh với tin giả, tin xấu độc. Cần giáo dục mọi người tự xây dựng thói quen nghi ngờ thông tin nghe lại mà không phải từ nguồn tin xác đáng, kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ, tự tạo cho mình lưới lọc. Người dân phải biết tìm đến các nguồn tin đáng xem, đáng đọc, còn những chỗ khác mình phải đặt dấu hỏi.
Ý kiến ()