Cần khoảng 400.000 lao động mới trong 6 tháng đầu năm
Theo Bộ LĐTB&XH, dự báo, trong quý I và quý II/2023, thị trường tiếp tục ghi nhận sự thiếu hụt về lao động. Các doanh nghiệp sử dụng lao động chất lượng cao, lao động có tay nghề cần tuyển mới khoảng 400.000 lao động.
Dự báo của Bộ LĐTB&XH cho biết, tình trạng thiếu hụt lao động trong quý I và quý II năm nay chủ yếu diễn ra ở những ngành nghề thâm dụng lao động như dệt may, giày da, túi xách; một số ngành nghề có mặt hàng xuất khẩu và chủ yếu là ở doanh nghiệp FDI. Còn doanh nghiệp dân doanh và khu vực Nhà nước sẽ không thiếu lao động.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, thiếu lao động chủ yếu ở các doanh nghiệp phía Nam, đặc biệt là tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh… Các doanh nghiệp sử dụng lao động chất lượng cao, lao động có tay nghề cần tuyển mới khoảng 400.000 lao động. Vì vậy, vấn đề đặt ra trong thời gian tới là phải dự báo được nhu cầu việc làm và điều tiết thị trường lao động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng khẳng định, về cơ bản, thị trường lao động cả nước tương đối ổn định cả về quy mô và chất lượng. Tình trạng thiếu hụt lao động chỉ là cục bộ. Do đó, việc điều tiết cung cầu lao động cho phù hợp là vấn đề quan trọng lúc này.
Các doanh nghiệp cần triển khai giải pháp để giữ chân, thu hút người lao động. Cùng với đó là bài toán đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động, đặc biệt là đào tạo đội ngũ nhân lực có chất lượng cao, những lao động có kỹ năng tay nghề để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp. Chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… phải dựa trên nền tảng có một lực lượng lao động tốt, có nguồn nhân lực lao động ổn định, phát triển và bền vững.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, trong bối cảnh thu hẹp thị trường lao động, những thách thức với doanh nghiệp sẽ dẫn đến thách thức về lao động và đi liền là thách thức về an sinh xã hội. Do đó, hai vấn đề việc làm và an sinh xã hội sẽ cần giải quyết đồng bộ và đều phải tiến hành đồng thời.
Cụ thể, chúng ta sẽ phải đối mặt với những vấn đề lớn. Thứ nhất là thời gian tới Việt Nam sẽ là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất. Điều này buộc chúng ta phải tính toán đến thị trường lao động, đến việc làm cho người trẻ, cho người cao tuổi có nhu cầu, có sức khỏe để tận dụng tiềm năng của họ. Thứ hai là thách thức từ lao động di cư, lao động phi chính thức. Thứ ba là tác động của biến đổi khí hậu sẽ tác động rất quyết liệt đến thị trường lao động, đến đời sống của người lao động. Chúng ta phải tính toán ngay và đi sớm hơn so với tác động của biến đổi khí hậu. Thứ tư là vấn đề thị trường lao động đang chuyển đổi, nhất là khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, năm 2023 và những năm tới, việc hình thành một thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ, hiện đại, bền vững và mang yếu tố hội nhập phải đi cùng với xây dựng và phát triển một hệ thống chính sách an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững.
https://baochinhphu.vn/can-khoang-400000-lao-dong-moi-trong-6-thang-dau-nam-102230202162523355.htm
Ý kiến ()