Cần khẩn trương khắc phục sự cố vỡ đập Hoàng Tân
Như Báo Nhân Dân đã đưa, đêm 23-7, do ảnh hưởng của mưa to đến rất to diện rộng đã gây lũ ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Trong đó, mưa lũ đã làm vỡ đập tràn xả lũ hồ Hoàng Tân, xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) làm hàng chục ha lúa và hoa màu của bà con nông dân xã Ninh Lai đã bị vùi lấp.
NDĐT- Như Báo Nhân Dân đã đưa, đêm 23-7, do ảnh hưởng của mưa to đến rất to diện rộng đã gây lũ ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Trong đó, mưa lũ đã làm vỡ đập tràn xả lũ hồ Hoàng Tân, xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) làm hàng chục ha lúa và hoa màu của bà con nông dân xã Ninh Lai đã bị vùi lấp.
Đập tràn xả lũ hồ Hoàng Tân, xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương được xây dựng năm 1986, nâng cấp năm 2008 và đến tháng 5-2010 được đưa vào sử dụng. Công trình hoạt động bảo đảm tưới cho 517 ha lúa hai vụ của bà con nhân dân thuộc xã Ninh Lai. Công trình được xây dựng với hai phần chính là tràn xả lũ và đập đất. Tràn xả lũ của công trình có chiều dài 36m, chiều cao ngưỡng tràn 3m, kết cấu bằng đá xây bọc bê tông cốt thép.
Sau khi bàn giao, đến đầu năm 2012, trong quá trình kiểm tra thường xuyên, Ban quản lý công trình thủy lợi xã Ninh Lai (đơn vị được giao quản lý) đã phát hiện khi nước dâng đến chân ngưỡng tràn thì có hiện tượng rò rỉ nước ra đuôi tràn, dốc tràn xả lũ. Hiện tượng này được báo cáo lên cơ quan chức năng của tỉnh và đã được chỉ đạo khắc phục. Đến tháng 4-2013, đập đã được khắc phục bằng cách gia cố sân phủ thượng lưu tràn xả lũ bằng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí. Sau khi được gia cố, tràn xả lũ hoạt động bình thường, không còn hiện tượng rò rỉ nước.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng tiến hành kiểm tra, đánh giá và xác định nguyên nhân. Đồng chí Trần Văn Luận, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tuyên Quang, cho biết, nguyên nhân xảy ra vỡ đập là do xảy ra mưa to, kéo dài lượng nước chảy về hồ chứa lớn, Ban quản lý công trình thủy lợi đã tiến hành đóng cống đầu kênh tiếp nước vào hồ và mở cống tưới để hạ thấp mực nước trong hồ nhưng do mức nước tập trung về hồ nhanh với lưu lượng lớn và thời gian ngắn nên tăng áp lực cục bộ làm vỡ đập tràn. Hiện nay, sân tràn phía thượng lưu bằng đá xây bị phá hủy chiều dài 19 m, chiều rộng 3 m, xói sâu xuống 2,2 m; thân tràn kết cấu bằng đá xây, bọc bê tông cốt thép bị phá hủy 19 m chiều dài và bị xói sâu trên 1 m; toàn bộ sân tiêu năng phía hạ lưu thân tràn bị vỡ và toàn bộ dốc tràn, mũi phun kết cấu bằng bê tông cốt thép bị phá hủy hoàn toàn; tường cánh bên phải phía thân đập bị xói nghiêng, có nguy cơ bị đổ. Theo đánh giá của đoàn kiểm tra thì tràn xả lũ của công trình đã bị phá hỏng hoàn toàn, không còn khả năng hoạt động.
Đồng chí Lê Tiến Thắng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, UBND tỉnh đã có chỉ đạo khẩn trương thực hiện công tác khắc phục hậu quả, trước mắt dùng kinh phí dự phòng ngân sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại để nhanh chóng ổn định sản xuất, đời sống. Giao Ban quản lý khai thác công trình thủy lợi triển khai thực hiện chèn, chống bảo vệ tường cánh tràn phía thân đập không bị đổ, sập, bảo vệ phần đất tiếp giáp tràn hiện đã nứt có nguy cơ sạt lở. Thực hiện ngay việc tháo dỡ các khối lượng hư hỏng của công trình; khảo sát, lập phương án thiết kế, thi công khắc phục sự cố trong thời gian nhanh nhất để sớm đưa trở lại hoạt động của hồ thủy lợi Hoàng Tân.
Hiện nay, cuộc sống người dân vùng hạ lưu đập Hoàng Tân đã dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, cần đẩy nhanh tiến độ khắc phục sự cố để đập thủy lợi Hoàng Tân sớm đi vào hoạt động phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
Nước tràn hồ thủy lợi
Theo Nhandan.vn

Ý kiến ()