Cần khai thông bế tắc
![]() |
Nông dân Hữu Lũng nhận cây giống trồng rừng phân tán |
Với số kinh phí 100 triệu đồng, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Gia Cát, huyện Cao Lộc triển khai thực hiện mô hình trồng chuối tiêu và cam đường tại ba thôn là Bắc Đông II, Sơn Hồng và Sa Cao. Đây là những loại cây rất mới trên địa bàn xã. Mặt tích cực là Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã đã mạnh dạn, tìm tòi và thử nghiệm các loại cây trồng mới trên địa bàn. Tuy nhiên từ một góc nhìn khác có thể thấy rằng chỉ với 100 triệu đồng mà thử nghiệm đối với các loại cây không phải truyền thống, giá trị, hiệu quả kinh tế chưa được khẳng định là rất mạo hiểm.
Trong cuộc kiểm tra của Ban chỉ đạo tỉnh mới đây tại xã Gia Cát, Ban quản lý xã thừa nhận hiện nay cây sinh trưởng và phát triển kém. Điều đó có nghĩa là Ban quản lý tốn công, dân tốn sức, lãng phí đất, nguồn vốn hỗ trợ sản xuất ít ỏi kia có nguy cơ “cụt vốn”. Qua quá trình lao động sản xuất, có thể nhận thấy, dọc trên Quốc lộ 4B, từ Gia Cát đến tận Đồng Bục (Lộc Bình), nhân dân rất chăm chỉ và sáng tạo. Trong nông nghiệp có nhiều công thức luân canh như 1 vụ lúa, 2 vụ màu; nhiều loại cây trồng phát huy hiệu quả như rau màu; ớt xuất khẩu; lạc; củ đậu; khoai tây…Thế nhưng hầu hết việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của các xã này chưa thực sự hướng vào thế mạnh của mình.
Ngay như xã Xuân Mãn, huyện Lộc Bình đã có những cố gắng khi đưa vào hỗ trợ giống khoai tây cho nhân dân. Nhưng thực chất hiệu quả đến đâu thì chưa thể đánh giá và nguồn vốn hỗ trợ chỉ ngay sau 1 vụ đã không còn duy trì được. Xa hơn ở một số xã khác như Chi Lăng, huyện Tràng Định chẳng hạn, có năm xã này dùng vốn hỗ trợ sản xuất để mua phân bón cho dân, cũng hỗ trợ giống khoai tây…và rồi kết quả là vùng sản xuất thì chẳng thấy đâu, còn nguồn vốn hạn hẹp của chương trình nông thôn mới “cụt” luôn từ vụ sản xuất đầu.
Trừ một số xã có định hướng phát triển sản xuất tốt như Chi Lăng, huyện Chi Lăng; Tô Hiệu, huyện Bình Gia…thì hầu hết các xã khi nhận nguồn vốn hỗ trợ sản xuất chỉ năm nào tính năm ấy, lo sử dụng làm sao cho hết, còn hiệu quả về lâu dài thì không thể đánh giá được. Đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh khẳng định: nguồn vốn hỗ trợ sản xuất này là để nhân rộng những mô hình đã được khẳng định qua những chương trình trước đó, có thể lập thành đề án, dự án phát triển sản xuất, tạo thành vùng sản xuất và còn phải tính đến yếu tố liên vùng, gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất.
Một trong những nguyên nhân sâu xa của tình trạng lúng túng trong sử dụng vốn hỗ trợ sản xuất được chỉ ra là do chất lượng của công tác quy hoạch. Trong bối cảnh chung của cả nước, cả tỉnh cũng ồ ạt làm quy hoạch. Nhiều đơn vị tư vấn triển khai 4-5 quy hoạch nông thôn mới cấp xã, trong khi đó phần lớn các xã phó mặc cho đơn vị tư vấn. Trong các quy hoạch lại quá nặng về xây dựng cơ sở hạ tầng, nhẹ về sản xuất. Bởi vậy mà nhắc tới định hướng sản xuất là lúng túng; hỏi về sản phẩm chủ lực cũng ậm ờ…Theo ông Hoàng Văn Đoàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới, thì định hướng của Ban chỉ đạo tỉnh là sẽ tăng nguồn lực cho hỗ trợ sản xuất. Đây là định hướng đúng đắn, bởi phát triển sản xuất là gốc, là mục tiêu và động lực của xây dựng nông thôn mới.
Trong các cuộc kiểm tra của Ban chỉ đạo tỉnh về xây dựng nông thôn mới, một trong những chỉ đạo xuyên suốt thường xuyên được quán triệt là phải liên tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, đề án đặc biệt là quy hoạch phát triển sản xuất. Vấn đề này có được thực hiện hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào các cơ quan chuyên môn cấp huyện. Nếu cấp này không thực sự vào cuộc, thì nguồn kinh phí hạn hẹp dành cho hỗ trợ sản xuất sẽ chỉ như “muối bỏ bể”, trong khi đó tại các xã cũng chỉ vẫn những mô hình nhỏ lẻ mà không có vùng sản xuất thực sự.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()