Cần khắc phục tình trạng lấn đường phơi nông sản ở Bình Phúc, Yên Phúc
LSO - Mùa màng đến, người nông dân ai cũng lo thu hoạch, bảo quản nông sản. Trong đó, công đoạn phơi nắng là không thể thiếu, càng phơi nhiều thì càng chứng tỏ được mùa. Nhưng phơi nhiều ngay lề đường, đặc biệt là xuống cả lòng đường vô tình đã trở thành mối nguy hại cho những người tham gia giao thông. Thực tế ở 2 xã Bình Phúc và Yên Phúc huyện Văn Quan là một ví dụ, việc phơi phóng nông sản tràn lan tại đây đã, đang gây trở ngại và mất an toàn giao thông. Thực tế đó cần có biện pháp khắc phục hữu hiệu và mang tính lâu dài hơn.
LSO – Mùa màng đến, người nông dân ai cũng lo thu hoạch, bảo quản nông sản. Trong đó, công đoạn phơi nắng là không thể thiếu, càng phơi nhiều thì càng chứng tỏ được mùa. Nhưng phơi nhiều ngay lề đường, đặc biệt là xuống cả lòng đường vô tình đã trở thành mối nguy hại cho những người tham gia giao thông. Thực tế ở 2 xã Bình Phúc và Yên Phúc huyện Văn Quan là một ví dụ, việc phơi phóng nông sản tràn lan tại đây đã, đang gây trở ngại và mất an toàn giao thông. Thực tế đó cần có biện pháp khắc phục hữu hiệu và mang tính lâu dài hơn.
Người dân xã Bình Phúc đem cả máy quạt thóc lấn xuống lòng đường
Dọc theo quốc lộ 279, đoạn từ thị trấn Văn Quan (huyện Văn Quan) đến thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng), chúng tôi nhận thấy, một bộ phận người dân đã chiếm dụng lề, lòng đường để phơi nông sản, trong đó, nhiều nhất là đoạn qua địa phận 2 xã Bình Phúc và Yên Phúc. Đây là 2 xã gần khu Chợ Bãi nên lưu lượng phương tiện giao thông đi qua khá lớn. Do đó, tình trạng vừa nêu không những gây mất mỹ quan mà còn tiềm ẩn nguy cơ tại nạn giao thông cao. Theo nhiều người dân ở 2 xã cho biết, trên địa bàn từng xảy ra nhiều vụ va chạm giữa các phương tiện giao thông tại những điểm lấn chiếm đường như vậy; trong đó, nạn nhân không chỉ là người địa phương mà cả nơi khác đến. Gần đây nhất, trong khoảng tháng 5/2013, ông Vi Văn Giai, người dân ở xã Xuân Mai (huyện Văn Quan) trên đường từ Chợ Bãi về nhà đã bị tai nạn trên đường 279, đoạn qua thôn Nà Hấy, xã Yên Phúc. Đoạn đường này có khúc cua nhỏ, người dân lấn xuống đường phơi hồi, xe ông Giai và một xe ngược chiều khác đến đoạn đường này không kịp xử lý nên đã đâm vào nhau. Hậu quả là 2 xe bị hư hại, còn ông Giai thì bị gẫy chân…
Qua tìm hiểu được biết, tình trạng lấn chiếm đường để phơi nông sản ở 2 xã Bình Phúc và Yên Phúc đã diễn ra từ lâu. Tuy nhiên, trước đây tình trạng này còn hạn chế bởi phụ thuộc nhiều vào mặt đường. Sang năm 2013, khi quốc lộ 279 qua địa bàn được nâng cấp, tình trạng này đã diễn ra phổ biến. Anh Hoàng Văn Khu, một người dân ở xã Yên Phúc nói rất thản nhiên: trước nhà tôi hay rải bạt cạnh đường để phơi thóc, ngô, hồi, nay đường rải nhựa phẳng lì, chỉ cần dùng chổi lia qua cho sạch là phơi thẳng xuống đường luôn. Phơi thẳng như vậy nông sản sẽ hấp thụ được nhiệt nhiều nên chóng khô hơn… Không chỉ gia đình anh Khu mà hầu hết các hộ dân nơi đây đã tận dụng tối đa mặt đường để phơi nông sản hoặc hoa hồi. Đặc biệt, theo quan sát của chúng tôi, nhiều hộ còn đem cả máy quạt thóc xuống lòng đường để sau khi quạt, thóc sẽ được phơi ngay cạnh đó. Nhiều hộ còn dùng ván, cây que hay gạch, đá để chắn dọc các điểm phơi nông sản nhằm phân định ranh giới giữa “sân phơi” với lối đi; một số đoạn chỉ đủ 2 xe máy tránh nhau, gây cản trở và mất an toàn cho người, cũng như các phương tiện tham gia giao thông. Tình trạng này không chỉ phổ biến mà còn kéo dài theo mùa vụ. Nếu như mùa thu hoạch lúa, ngô, người dân thường phơi từ 1 – 2 tuần thì mùa hồi, thường phải phơi kéo dài tới cả tháng, thậm chí vài tháng (tùy từng năm).
Anh Mạc Văn Khởi, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phúc chia sẻ: trước đây, do mặt đường còn gồ ghề, nên việc phơi lấn đường như hiện nay chỉ xuất hiện lác đác. Năm 2013, việc nâng cấp, mở rộng đường 279 vô tình đã thu hẹp sân phơi của nhiều hộ gia đình 2 bên đường; trong khi vườn sau nhà các gia đình này bị khuất nắng và không tiện nên hầu hết người dân đã tận đụng vỉa hè và cả lòng đường để phơi nông sản. Trước tình trạng đó, bên cạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở, từ tháng 6/2013, chính quyền xã phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành cho người dân ký cam kết không vi phạm hành lang, lòng đường, nếu vi phạm cam kết sẽ xử phạt hành chính.
Việc tuyên truyền và tiến hành cho người dân ký cam kết như trên cũng là cách làm của xã Yên Phúc. Tuy nhiên, thực tế việc chiếm dụng lòng đường để phơi nông sản của người dân 2 xã vẫn tiếp diễn. Thiết nghĩ, để khắc phục tình trạng này, có lẽ cần có biện pháp hữu hiệu và mang tính lâu dài hơn là chế tài xử phạt, ví như người dân cần cơi nới tạo sân phơi phía trước hay ngay cạnh nhà. Đồng thời, người dân cần đầu tư máy chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, như thế việc bảo quản, nhất là công đoạn làm khô nông sản không bị lệ thuộc nhiều vào thời tiết mà vẫn đảm bảo chất lượng. Có như thế mới mong giảm dần tình trạng phơi lấn chiếm, góp phần cho đường thông, hè thoáng, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua đây.
Bài, ảnh: Hoàng Huấn
Ý kiến ()