Cần khắc phục ngay những bất cập của hệ thống thoát nước Hà Nội
Dân quân xã Tây Mỗ cùng cán bộ Ban CHQS huyện Từ Liêm (Hà Nội) gia cố đập chống tràn nước từ sông Ngà, đoạn chảy qua xã Tây Mỗ. Ảnh: MẠNH QUANG Hai ngày sau khi xảy ra những trận mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 5, nhiều khu vực ở phía tây nam thành phố Hà Nội vẫn bị úng ngập sâu. Tại các huyện ngoại thành, hơn 6.900 ha lúa bị ngập nước, hư hỏng... Thực trạng này đòi hỏi thành phố Hà Nội phải có ngay những giải pháp khắc phục những bất cập của hệ thống thoát nước tại các khu vực mới mở rộng, tốc độ đô thị hóa nhanh, cũng như đẩy mạnh công tác chống úng trong nông nghiệp.Mưa tạnh, vẫn ngập nặng Anh Nguyễn Văn Chính, ở Khu đô thị mới Xa La, phường Phúc La (quận Hà Đông) cho biết, hai ngày sau khi xảy ra mưa lớn, đến trưa 19-8, mặc dù mưa tạnh, trời bắt đầu hửng nắng nhưng tuyến đường 70, đoạn từ Viện Quân y 103 đến cầu Tó, dài khoảng 500m vẫn bị ngập úng rất nặng, nước sâu khoảng 50, 60cm. Hầu...
Dân quân xã Tây Mỗ cùng cán bộ Ban CHQS huyện Từ Liêm (Hà Nội) gia cố đập chống tràn nước từ sông Ngà, đoạn chảy qua xã Tây Mỗ. Ảnh: MẠNH QUANG |
Mưa tạnh, vẫn ngập nặng
Anh Nguyễn Văn Chính, ở Khu đô thị mới Xa La, phường Phúc La (quận Hà Đông) cho biết, hai ngày sau khi xảy ra mưa lớn, đến trưa 19-8, mặc dù mưa tạnh, trời bắt đầu hửng nắng nhưng tuyến đường 70, đoạn từ Viện Quân y 103 đến cầu Tó, dài khoảng 500m vẫn bị ngập úng rất nặng, nước sâu khoảng 50, 60cm. Hầu hết xe máy, ô-tô con đều bị chết máy; chủ phương tiện phải nhờ người đẩy hoặc phương tiện cứu hộ. Đoạn đường gần khách sạn Bảo Nam, nước ngập sâu từ 60 đến 80cm. Khu tập thể Tỉnh đội Hà Đông, xã Tân Triều, Ba Xã (huyện Thanh Trì) cũng bị ngập úng nặng, nước tràn vào nhà các hộ dân… Để bảo đảm an toàn cho các phương tiện, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã thông báo, cấm tất cả các phương tiện lưu thông qua tuyến đường 70 (đoạn từ Viện Quân y 103 đến khu vực cống Yên Xá); đồng thời đặt nhiều biển báo ở các khu vực ngập sâu để cảnh báo cho người dân.
Tình trạng ngập úng không chỉ xảy ra tại các khu dân cư dọc trên tuyến đường 70, mà còn xảy ra tại nhiều khu dân cư dọc tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 21B, thậm chí tại khu vực trung tâm quận Hà Đông, gây xáo trộn cuộc sống người dân. Tại ngõ Trạm Điện – Ba La, đến sáng 19-8, nước vẫn còn ngập sâu tới 70-80cm. Gần như các phương tiện như xe máy đều không thể qua lại tuyến ngõ này. Nhiều gia đình ở ngõ 9 phố Lê Trọng Tấn, mặc dù đã dùng bao tải cát để chặn nước, nhưng vẫn bị nước mưa tràn vào nhà. Hầu hết các khu chợ, các cửa hàng kinh doanh tại khu vực này nghỉ bán hàng. Trên địa bàn huyện Từ Liêm, nhiều khu dân cư thuộc địa bàn các xã Xuân Phương, Trung Văn, Mễ Trì, Cổ Nhuế, Tây Mỗ, Minh Khai bị ngập từ 25 đến 30cm…
Mưa bão không chỉ gây ngập úng, ảnh hưởng việc đi lại, sinh hoạt của người dân trong khu vực nội thành, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng sản xuất nông nghiệp tại các huyện khu vực ngoại thành.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, đến 16 giờ chiều 19-8, hơn 6.900 ha lúa bị ngập nước. Trong đó, huyện Ba Vì bị ngập úng 125 ha, huyện Phúc Thọ bị ngập úng 38 ha… Các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa, Quốc Oai cũng có nhiều diện tích lúa bị ngập nước… Một số diện tích sản xuất lúa hàng hóa ở các huyện Chương Mỹ, Sóc Sơn, Mê Linh bị ngập sâu trong nước, có nguy cơ bị mất trắng.
Hiện, các công ty thủy lợi vẫn đang nỗ lực bơm tiêu thoát nước, cứu lúa và hoa màu bị ngập úng. Theo thống kê, các địa phương đã và đang vận hành 114 trạm bơm với 570 máy bơm, công suất khoảng hơn 1,4 triệu m3/giờ để cứu lúa. Tại huyện Đông Anh, hai trạm bơm Thạc Quả và Mạnh Tân đang hoạt động liên tục để cứu khoảng 660ha lúa ngập sâu thuộc địa bàn các xã Việt Hùng, Liên Hà, Thụy Lâm, Vân Hà. Tại huyện Gia Lâm, các trạm bơm Dương Hà, Phù Đổng, Thịnh Liên vận hành 24/24 giờ để tiêu thoát nước cho khoảng gần 1.000 ha lúa trên địa bàn các xã Dương Hà, Thịnh Liên…
Tuy nhiên, tại một số địa phương, tình hình khắc phục hậu quả úng ngập vẫn rất chậm trễ, khiến người dân rất lo lắng. Từ ngày 18-8, mực nước sông Nhuệ tại địa phận xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa lên nhanh, đến trưa cùng ngày nước sông bắt đầu chảy qua các cống tràn vào đồng. Các lực lượng chức năng của xã đã tiến hành hàn triệt các cửa cống để ngăn nước chảy vào đồng. Tuy nhiên, cống Tam Vỵ thuộc địa bàn thôn Cầu Bầu, do mặt cống giáp sông Nhuệ đã bị vỡ, cho nên không thể đóng được cửa cống, nước tràn vào đồng, gây ngập hơn 60 ha lúa. Người dân đội 5, thôn Cầu Bầu phản ánh, ngay khi nước sông tràn vào ruộng, bà con đã thông báo và đề nghị chính quyền, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp bơm nước ra sông, nhưng không được giải quyết. Người dân rất lo lắng, vì hiện nay lúa đang vào giai đoạn làm đòng, nếu bị ngâm nước lâu ngày sẽ bị trương, thối, ảnh hưởng lớn đến năng suất. Chiều 20-8, chúng tôi có mặt tại thôn Cầu Bầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa), chứng kiến nước sông Nhuệ vẫn tiếp tục tràn vào ruộng, nhiều thửa ruộng nước đã ngập 2/3 cây lúa. Tuy nhiên, đại diện Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Quảng Phú Cầu cho rằng, mực nước hiện tại vẫn chưa ảnh hưởng nhiều đến lúa. Hợp tác xã đang chuẩn bị bơm nước tiêu úng vào tối 20-8. Mặc dù, với công suất bơm 4.000 m3/giờ thì phải mất một, hai ngày sau, lượng nước trong đồng mới trở lại mức bình thường.
Nguyên nhân và giải pháp khắc phục
Nguyên nhân gây ra tình trạng ngập úng nghiêm trọng, kéo dài tại khu dân cư phía tây nam thành phố, theo Công ty Thoát nước Hà Nội, là do những bất cập của hệ thống thoát nước. Đây là khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, tuy nhiên, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa phát triển tương xứng. Trong khi đó, mực nước sông Nhuệ-nguồn tiêu thoát nước duy nhất của khu vực này sau nhiều năm buông lỏng công tác quản lý, bị nhiều hộ dân lấn chiếm, thu hẹp dòng chảy, lòng sông bị bồi lắng, hạn chế khả năng tiêu thoát nước. Trong những ngày qua, mưa lớn khiến nước sông dâng cao. Vào lúc 7 giờ ngày 19-8, mực nước sông Nhuệ tại Hà Đông lên tới 5,75m, vượt mức báo động số 1. Trong khi công tác tiêu thoát nước gặp nhiều sự cố, các trạm bơm ngừng hoạt động từ đêm 17 đến sáng 18-8 do mất điện. Có thời điểm, mực nước sông Nhuệ dâng cao hơn sàn trạm bơm Đồng Bông 1 là 0,5m, đe dọa sự an toàn của trạm bơm. Các đơn vị đã đắp đập, bơm tát nước để vận hành trạm bơm. Trước tình hình này, sáng 19-8, Công ty Thoát nước đã triển khai ngay giải pháp tình thế, đó là mở đập Thanh Liệt, đưa nước sông Nhuệ chảy qua đập Thanh Liệt vào sông Tô Lịch, từ đó đưa nước về trạm bơm Yên Sở, bơm ra sông Hồng. Nhờ vậy, đến ngày 20-8, tình trạng úng ngập khu vực quận Hà Đông, huyện Thanh Trì và huyện Từ Liêm mới cơ bản được khắc phục.
Tại khu vực ngoại thành, diện tích sản xuất nông nghiệp bị ngập úng là do các tuyến kênh tiêu nước bị bồi lắng, nhiều vật cản, hạn chế khả năng dẫn nước; năng lực bơm tiêu úng của các trạm bơm nông nghiệp hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là các trạm bơm khu vực các huyện Thạch Thất, Quốc Oai.
Bão số 5 tuy không đổ bộ trực tiếp vào Hà Nội, nhưng hậu quả do ảnh hưởng của bão trên địa bàn thành phố là rất nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản, đồng thời bộc lộ sự lúng túng, bị động trong công tác quản lý, vận hành hệ thống tiêu thoát nước của thành phố. Thực trạng này đòi hỏi thành phố Hà Nội phải có ngay những giải pháp khắc phục những bất cập của hệ thống thoát nước tại những khu vực mới mở rộng, tốc độ đô thị hóa nhanh, cũng như đẩy mạnh công tác chống úng trong nông nghiệp. Kế hoạch phát triển hệ thống thoát nước đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015 vừa được HĐND thành phố Hà Nội thông qua xác định tập trung đầu tư xây dựng nhiều công trình, dự án đầu mối thoát nước tại khu vực lưu vực sông Nhuệ, với các trạm bơm hồ điều hòa, kênh tiêu nước tại Cổ Nhuế, Mỹ Đình, Mễ Trì, Ba Xã… Tuy nhiên, trong khi các dự án chưa thành hiện thực, thành phố cần có ngay những giải pháp trước mắt, như nghiên cứu việc phân vùng tiêu thoát nước cho khu vực phía bắc sông Hồng để rút ngắn thời gian và tăng hiệu quả; khoanh vùng các điểm úng ngập, tổ chức bơm tiêu cục bộ để xử lý, xây dựng thêm các trạm bơm tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp… Ngoài ra, cần tăng cường quản lý hệ thống sông, hồ, siết chặt trật tự xây dựng, tránh tình trạng hộ dân san lấp, lấn chiếm hồ để làm nhà, ảnh hưởng việc tiêu thoát nước… Có như vậy mới chủ động phòng tránh những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo Nhandan
Ý kiến ()