Cần khắc phục một số bất cập trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017
Theo khẳng định của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, nhìn chung kỳ thi 2017 đã diễn ra rất thành công, an toàn, đảm bảo lộ trình của đổi mới thi và có nhiều ưu điểm: giảm chi phí đi lại và áp lực thi cử cho thí sinh và người nhà; giảm hiện tượng vi phạm qui chế thi; bảo đảm tính khách quan, tin cậy để sử dụng kết quả kỳ thi cho 2 mục đích là xét tốt nghiệp và đại học; tỉ lệ thí sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội (KHXH) cao hơn khoa học tự nhiên (KHTN) chứng tỏ việc đổi mới thi của Bộ GD&ĐT đã tác động tích cực đến chất lượng dạy và học ở bậc THPT…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rất đáng khích lệ đó, theo đánh giá của không ít giáo viên, các bậc phụ huynh và thí sinh, thì kỳ thi THPT quốc gia 2017 vẫn còn một số bất cập.
Trước hết: Chưa đảm bảo tính công bằng, nghiêm túc giữa các địa phương
Việc giao kỳ thi về cho các địa phương đúng là đã giảm áp lực đi lại và chi phí cho thí sinh và người nhà, nhưng việc đó không có nghĩa đã đảm bảo tính công bằng và nghiêm túc của kỳ thi ở các địa phương với nhau. Đơn cử là sau buổi thi sau cùng, dạo qua một vòng facebook có nhiều trạng thái nói về việc khá dễ dãi trong phòng thi của các giám thị ở một số địa phương: tại địa chỉ 99ER ÔN THI ĐẠI HỌC 2017, một người dùng đã đăng nguyên một phiếu trả lời trắc nghiệm với mã đề 314 có ghi địa điểm thi tại Thái Bình lúc 11 giờ 25 phút, ngay sau đó đã nhận được vô vàn bình luận chủ yếu về việc bức xúc của các thí sinh khác về việc một số giám thị coi thi ở các địa phương chưa làm hết trách nhiệm nên để xảy ra tình trạng thả lỏng cho thí sinh trong phòng thi.
Sau rất nhiều bình luận thắc mắc chủ nhân của phiếu trả lời trắc nghiệm có nói đó là tờ phiếu trả lời ghi sai ngày nên xin đổi phiếu khác còn phiếu sai thì tô đáp án để về so kết quả. Theo thông tin của các giám thị thì phiếu sai của thí sinh phải được gạch bỏ và thu hồi. Có địa chỉ thì cuộc trao đổi trong các tin nhắn, bình luận còn nói ở các tỉnh có hiện tượng giám thị còn buông lỏng cả phòng thi vì nếu buông lỏng một hai trường hợp sẽ bị kiện, rồi việc hỏi nhau và dùng “phao” như làm bài nhóm trên lớp….
Thứ hai: Chưa khắc phục được việc học lệch, học “tủ” và tình trạng dạy thêm, học thêm
Năm nay thí sinh chọn tổ hợp môn thi KHXH nhiều hơn tổ hợp KHTN, mà theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT đó là hệ quả của đổi mới phương pháp thi từ tự luận sang trắc nghiệm, có tác động tích cực đến việc dạy và học ở trường phổ thông, làm cho các môn KHXH gần gũi với học sinh hơn. Việc đó đúng, nhưng trên thực tế, việc thí sinh chọn tổ hợp các bài thi khác nhau không có nghĩa là tránh được việc học lệch, học tủ hay thể hiện sự yêu thích của môn học, mà đa số các em chỉ học các môn thi Đại học và các môn thi bắt buộc, còn một số thí sinh vẫn có tư tưởng làm thế nào để tránh không bị điểm liệt là có thể đủ điều kiện xét tốt nghiệp. Thậm chí trong những thí sinh chọn tổ hợp các môn KHXH, có nhiều học sinh có lực học yếu kém nên tư duy những môn xã hội như Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân dễ ăn điểm hơn. Vì thế mới có hiện tượng nhiều học sinh chỉ chọn một đáp án cho toàn bộ bài thi (hiện tượng này diễn ra ở các bài thi: Toán, tiếng Anh, Vật Lý, Hóa học. Đối với KHXH thì ít hơn- đó cũng là lí do vì sao thí sinh đăng kí tổ hợp KHXH nhiều hơn!).
Việc đổi mới phương thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm hầu hết các môn trên thực tế cũng không hề giảm nhiệt cho hiện tượng dạy thêm và học thêm tràn lan vì học thêm, dạy thêm cơ bản là do yếu tố cung-cầu. Thậm chí ở một số trường đại học còn xuất hiện nhiều trung tâm luyện thi tràn lan khó có thể kiểm soát và kiểm định về chất lượng.
Thứ ba: Không đảm bảo về độ khó của các bài thi, chênh lệch “nặng-nhẹ” giữa các môn thi tổ hợp
Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay tổ chức thi trắc nghiệm ở hầu hết các môn thi (trừ môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận). Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ đã tham khảo và nghiên cứu kĩ lưỡng từ cấu trúc đề thi của Mĩ, nhưng trên thực tế nó cũng tạo ra độ khó dễ không giống nhau. Cụ thể: ở bài thi Toán yêu cầu thí sinh không chỉ nắm chắc kiến thức cơ bản mà còn phải có kĩ năng tính toán nhanh và về cơ bản là thí sinh không đủ thời gian để làm bài; giữa các đề thi độ khó dễ cũng chỉ mang tính chất tương đối, nhưng đôi khi sự thay đổi số chẵn, lẻ cũng tạo ra độ khó khác nhau. Mà hơn nhau 0,2 điểm, thí sinh đã có thể đỗ hay trượt đại học.
Tương tự đối với tổ hợp môn KHTN, trong một buổi sáng thí sinh làm 3 môn thi: Vật lý, Hóa học và Sinh học. Cả 3 môn này đều yêu cầu thí sinh phải tính toán nhanh nhưng trên thực tế thí sinh đã không có đủ thời gian để làm bài. Trong khi đó cũng có ba môn thi cho một tổ hợp KHXH là Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân nhưng theo các thí sinh và giám thị coi thi thì tổ hợp KHXH có mức độ kiến thức “nhẹ” hơn nhiều so với tổ hợp KHTN, nhất là đối với môn Giáo dục công dân. Theo phản ánh của nhiều giám thị và thí sinh thì cơ bản thí sinh làm bài môn thi Giáo dục công dân chỉ khoảng 15 phút đã xong. Như vậy giữa các bài thi với nhau đã có khối lượng kiến thức không đồng đều. Điều đó là không công bằng cho các thí sinh vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xét tốt nghiệp của mỗi thí sinh chứ không chỉ đối với việc xét tuyển đại học.
Không thể phủ nhận những ưu điểm mà đổi mới thi THPT Quốc gia 2017 mang lại cho thí sinh và toàn xã hội, nhận được sự đồng thuận và ủng hộ từ dư luận. Nhưng những bất cập và “sạn” trong các đề thi vẫn còn như: môn Ngữ văn sử dụng nhiều từ nước ngoài gây khó hiểu cho học sinh khi làm bài, môn Vật lý còn sai sót khi kiểm soát đề còn phải đính chính. Vẫn còn hiện tượng thi hộ ở Điện Biên, sử dụng thiết bị công nghệ cao trong phòng thi Toán ở Hà Nội, hay việc nới lỏng trong phòng thi của một số giám thị ở một số địa phương… Và đặc biệt là việc tiến hành thi tổ hợp bài thi trong một buổi đã gây không ít áp lực và lo lắng cho thí sinh vì làm bài môn sau bị dư âm không tốt của môn trước. Điều đó đòi hỏi thí sinh phải có tâm lí thật vững vàng và sức khỏe tốt để không ảnh hưởng đến chất lượng kì thi nói chung.
Hy vọng rằng, nếu khắc phục được những bất cập trên đây thì kỳ thi THPT Quốc gia năm tới sẽ đạt được kết quả cao hơn trong lộ trình Đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục./.
Ý kiến ()