Cần khắc phục cách làm nhỏ lẻ, manh mún của các làng nghề
Tiếp tục chuyến khảo sát tại các làng nghề truyền thống, sáng 19/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đi khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh tại làng nghề làm gỗ La Xuyên và làng nghề đúc đồng Vạn Điểm, thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Nghề đúc truyền thống của làng Vạn Điểm, thị Trấn Lâm, huyện Ý Yên nổi tiếng là nơi đưa công nghệ chạm khảm lên các sản phẩm trang trí và tâm linh. Trong làng có trên mười công ty, doanh nghiệp đúc và nhiều tổ hợp vừa và nhỏ. Các sản phẩm đúc đa dạng, phục vụ trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, đặc biệt là các sản phẩm trưng bày, các sản phẩm tâm linh, thờ tự tôn vinh các bậc anh hùng và danh nhân có công lao với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Nghề đúc đồng thu hút nhiều hộ gia đình với mức thu nhập bình quân của thợ đúc đồng khoảng 3 – 6 triệu đồng/tháng. Năm 2014, doanh thu từ hoạt động sản xuất đúc – cơ khí đạt trên 200 tỷ đồng.
Tương tự làng nghề đúc đồng, làng nghề làm gỗ La Xuyên cũng nổi tiếng khắp trong và ngoài nước về các sản phẩm gỗ điêu khắc truyền thống. Làng nghề đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Báo cáo tại buổi khảo sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Viết Hưng cho biết, toàn tỉnh Nam Định có 128 làng nghề, trong đó có 34 làng nghề truyền thống xuất hiện trên 50 năm, với 390 cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn. Số làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận là 80. Các làng nghề thuộc các nhóm nghề: Chế biến gỗ, mộc dân dụng, mây tre đan, gốm sứ…; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ như sơn mài, thêu ren…; chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hoa, cây cảnh… Một số làng nghề đã tạo được tên tuổi, uy tín trong và ngoài nước như làng nghề đúc đồng Tông Xá; làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ La Xuyên, làng nghề cơ khí Xuân Kiên, Xuân Tiến…
Các làng nghề đã tạo việc làm cho trên 60.000 lao động nông thôn, chiếm 4% dân số nông thôn; một số làng nghề thu hút tới trên 80% lực lượng lao động của địa phương. Giá trị sản xuất tại các làng nghề ước đạt 4.000 tỷ đồng/năm, bằng 45% giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn. Giá trị xuất khẩu hàng năm đạt 30 – 40 triệu USD. Thu nhập bình quân của lao động làng nghề khoảng 1,5 triệu đồng/người/tháng đối với lao động không thường xuyên; từ 2,5 – 3 triệu đồng/người/tháng đối với lao động thường xuyên. Một số làng nghề cho thu nhập 4 – 5 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, các làng nghề Nam Định phần lớn phát triển tự phát, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Nhiều sản phẩm làng nghề có chất lượng tốt nhưng đơn điệu về chủng loại, ít cải tiến mẫu mã. Hầu hết chưa xây dựng được thương hiệu nên sức cạnh tranh thấp. Tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề ngày càng nghiêm trọng, nhất là các làng nghề kim khí, sơn mài…. Năng lực của nhiều cơ sở, doanh nghiệp ngành nghề nông thôn còn hạn chế, nhất là về vốn đầu tư, trình độ quản lý và công nghệ, trình độ tay nghề và chất lượng lao động…
Từ thực tiễn thực tế tại địa phương, các làng nghề ở Ý Yên nói riêng và Nam Định nói chung kiến nghị Nhà nước có chính sách ưu đãi về nguồn vốn vay lãi suất thấp, đơn giản về thủ tục hồ sơ, mức vốn vay để đáp ứng được nhu cầu về vốn và phát triển bền vững. Đây là nhu cầu hàng đầu của các làng nghề hiện nay. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình mong muốn được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho làng nghề được thuê mặt bằng dài hạn, hỗ trợ kinh phí giải phóng và san lấp mặt bằng cho các doanh nghiệp và các hộ cá thể sản xuất tập trung nhằm nâng cao hiệu quả xử lý khói bụi và các tác nhân gây hại môi trường. Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường xung quanh – vốn là thực tế rất bức xúc của các làng nghề hiện nay. Cùng với đó, hỗ trợ kinh phí dạy nghề truyền thống, cho phép mở các lớp truyền dạy nghề, có thể được phép cấp chứng chỉ cho người học nghề do các nghệ nhân truyền nghề. Đồng thời c ó cơ chế chính sách cụ thể về xây dựng thương hiệu làng nghề và tiếp cận thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu…
Từ thực tế khảo sát tại làng nghề trong buổi sáng nay, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, để phát triển làng nghề, cần phải khắc phục tình trạng làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm hiện nay tại các làng nghề. Cần phải có sự liên kết các hộ dân làm nghề truyền thống thông qua một tổ chức hội làng nghề hoặc hợp tác xã làm nghề.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khảo sát tại làng nghề làm gỗ La Xuyên (Ảnh: TH) |
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, khi đã liên kết được các hộ thì chắc chắn sẽ giảm được chi phí đầu vào, thuận lợi về đầu ra cho sản phẩm cũng như xây dựng và quảng bá sản phẩm của làng nghề. Khi đã có tư cách pháp nhân thì hội hoặc hợp tác xã làng nghề sẽ đứng ra để hỗ trợ người dân trong vay vốn, tìm thị trường, xây dựng thương hiệu, xử lý ô nhiễm môi trường, thiết kế mẫu sản phẩm, quảng bá hàng hóa… Lúc đó, giá trị của làng nghề sẽ được nâng lên. Mặt khác, các cơ sở sản xuất cần tìm hiểu rõ nhu cầu của khách hàng để hướng tới mục tiêu sản xuất và cạnh tranh lành mạnh.
Liên quan đến các vấn đề về ô nhiễm môi trường, đất đai làng nghề…, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, từng hộ dân không thể giải quyết được những vấn đề này. Tỉnh phải có cơ chế hỗ trợ, giải quyết từng việc một với từng làng nghề cụ thể. Ví dụ, tỉnh có thể phối hợp với các địa phương khác tổ chức hội thảo tháo gỡ ô nhiễm môi trường ở các làng nghề cụ thể; tổ chức phát triển làng nghề gắn liền với phát triển cụm công nghiệp làng nghề theo quy hoạch…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()