Cần kéo giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
LSO-Từ năm 2011 đến nay, theo thống kê của ngành LĐTB&XH, trung bình mỗi năm xảy ra 8,4 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), có 20,8 người/năm bị mắc bệnh nghề nghiệp. Con số này đặt ra cho các ngành, các cấp, nhất là doanh nghiệp và người lao động phải chú trọng đến công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) để kéo giảm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Lực lượng chức năng tỉnh tham gia diễn tập cứu nạn |
Giai đoạn 2011 – 2015, trên địa bàn tỉnh có 42 vụ TNLĐ. Trong đó, năm 2015 có nhiều vụ nhất (13 vụ), thấp nhất là năm 2014 (4 vụ). Đáng chú ý là có những vụ TNLĐ làm chết từ 2 người trở lên (vụ TNLĐ xảy ra ở công trình thi công xây dựng khách sạn Thiên Trường, thành phố Lạng Sơn làm chết 3 người). Theo đánh giá của ngành chức năng: TNLĐ năm 2015 tăng cao là do tăng về số vụ tai nạn giao thông được coi là TNLĐ, chiếm 6/13 vụ. TNLĐ chủ yếu xảy ra ở các cơ sở khai thác than, đá vôi làm vật liệu xây dựng, công trình xây dựng. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp trong các đơn vị sản xuất. Theo thống kê, số lao động mắc bệnh nghề nghiệp cao nhất trong 5 năm qua là 93 người/năm, thấp nhất là 55 người/ năm. Năm 2015 có 60 người mắc bệnh nghề nghiệp.
Những con số trên cho thấy thực tế tình hình TNLĐ, bệnh nghề nghiệp còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có khả năng gây hại lớn về người và tài sản. Điều này gây tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh, trật tự an toàn xã hội và ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của tỉnh.
Qua kiểm tra, đánh giá của phòng chức năng, Sở LĐTB&XH, do đặc thù tỉnh chỉ có các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, sản xuất kinh doanh không ổn định; một số đơn vị sử dụng và người lao động chưa có ý thức thực hiện quy định pháp luật về ATVSLĐ, còn ỷ lại, trông chờ vào hướng dẫn của đơn vị nghiệp vụ. Bên cạnh đó, phần lớn lao động từ nông thôn, trình độ nhận thức hạn chế, tác phong làm việc tùy tiện…, do đó, nhiều đơn vị đã để xảy ra mất an toàn trong sản xuất. Ngoài ra, chế độ thông tin, báo cáo chưa được các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ, cán bộ làm công tác quản lý về ATVSLĐ tại một số huyện, xã còn thiếu và yếu về số lượng, năng lực, việc kiểm tra chưa thường xuyên, liên tục, chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan… cũng ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn và đảm bảo ATVSLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp.
Bà Đào Thị Phương Lan, Phó Phòng LĐTB&XH huyện Hữu Lũng cho biết: là địa bàn có nhiều doanh nghiệp đóng quân nên hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN năm 2016, đơn vị đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo huyện có kế hoạch kiểm tra hoạt động chấp hành quy định về ATVSLĐ-PCCN tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn. Theo đó, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện tiến hành kiểm tra về việc treo khẩu hiệu hưởng ứng, tình hình hoạt động của đơn vị, doanh nghiệp, công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy, môi trường… Trong tuần lễ sẽ tiến hành kiểm tra 22 công ty, xí nghiệp khai thác đá xây dựng, chế biến gỗ, sản xuất gạch, bật lửa, bao bì… trên địa bàn. Đồng thời tuyên truyền pháp luật, chấn chỉnh những sai sót, vướng mắc của các đơn vị, doanh nghiệp.
Để công tác ATVSLĐ có chuyển biến trong thời gian tới, ông Nông Thanh Bình, Giám đốc Sở LĐTB&XH cho rằng: các huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tăng cường tập huấn, tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, quản lý và người lao động về vấn đề ATVSLĐ – phòng chống cháy nổ; ưu tiên coi trọng biện pháp phòng ngừa, đầu tư bảo hộ lao động, ứng dụng khoa học kỹ thuật, thanh kiểm tra phát hiện sai sót, ngăn chặn và khắc phục kịp thời những vi phạm về ATVSLĐ và nguy cơ cháy nổ… Phấn đấu trong giai đoạn tới, lực lượng làm công tác quản lý nhà nước tại địa phương, nhất là cán bộ quản lý cấp cơ sở được củng cố, đáp ứng yêu cầu; doanh nghiệp thực hiện tốt việc cải thiện điều kiện môi trường làm việc; cán bộ làm công tác ATVSLĐ tại đơn vị, doanh nghiệp được kiện toàn và nâng cao năng lực; người lao động được trang bị đầy đủ phương tiện, kỹ năng làm việc an toàn… Từ đó, nỗ lực kéo giảm TNLĐ và bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2015 – 2020.
HOÀI AN
Ý kiến ()