Cần hợp lý và hiệu quả
LSO-Trong những năm qua, Lạng Sơn đã có nhiều nỗ lực đầu tư, rút ngắn khoảng cách giao thương giữa khu vực nông thôn và thành thị thông qua việc đầu tư hệ thống chợ. Tuy vậy, các chợ ở các xã vùng nông thôn còn quá ít, hoặc một số chợ do việc tính toán xây dựng chưa hợp lý… nên chưa phát huy hiệu quả, có chợ “phá sản” ngay khi đã hoàn thành.
Do quy hoạch không hợp lý, bà con xã Khánh Khê, huyện Văn Quan vẫn họp chợ trên đường quốc lộ |
Theo thống kê của Sở Công thương Lạng Sơn, trên địa bàn tỉnh hiện có 65/207 xã có chợ, bình quân 0,281 chợ/xã. Trong đó có 23 chợ xây dựng kiên cố, 10 chợ bán kiên cố, 22 chợ ngoài trời và 10 chợ lều quán. Con số này còn quá ít so với nhu cầu thực tế của bà con nhân dân khu vực các xã vùng nông thôn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số chợ như chợ Pác Khuông, xã Thiện Thuật, chợ trên địa bàn xã Hồng Thái (Bình Gia)… đã hoạt động tốt, phục vụ được nhu cầu về giao lưu, trao đổi hàng hoá của bà con nhân dân địa phương. Tuy nhiên, số chợ hoạt động hiệu quả lại chiếm quá ít, điều này phần nào ảnh hưởng đến phát triển thương mại, dịch vụ cũng như công tác xây dựng nông thôn mới của một số xã. Không những vậy, thực tế, một số chợ xây dựng xong nhưng do thiết kế không hợp lý, không thuận tiện… nên chợ đành bỏ hoang.
Đơn cử như chợ Chi Ma (trên địa bàn xã Yên Khoái – huyện Lộc Bình), mặc dù đã được đầu tư xây dựng và hoàn thành khoảng 3 năm nay nhưng hiện chợ vẫn bỏ hoang không có hoạt động mua – bán. Chợ trung tâm thị trấn Văn Quan cũng vậy, từ nhiều năm qua, khu chợ thị trấn được quy hoạch, xây dựng ngay trung tâm thị trấn, nhưng bà con không vào họp, buôn bán ở khu chợ mà vẫn “bám” đường để họp chợ. Điều này khiến mục đích xây chợ không đạt như mong muốn và hiệu quả của chợ đương nhiên bằng con số 0. Ngược lại, ở nơi cần chợ thì lại chưa có chợ, ví dụ như xã Khánh Khê, huyện Văn Quan, mấy năm qua, tình hình kinh tế của địa phương luôn tăng trưởng đều, tổng sản lượng lương thực hàng năm của xã đạt từ 700 tấn trở lên. Tuy nhiên, hàng hóa nông sản của bà con nông dân làm ra chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao như mong muốn. Nguyên nhân chính là do xã vẫn chưa có chợ kiên cố. Nếu được đầu tư xây chợ kiên cố – đây sẽ là điều kiện để người nông dân có thể giao thương với các tư thương. Cùng với đó, chấm dứt tình trạng do chưa có chợ kiên cố, cứ đến ngày chợ phiên, bà con lại đua nhau họp chợ ngay trên quốc lộ.
Ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: chợ truyền thống là chợ thuộc khu vực nông thôn cần được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới để đáp ứng nhu cầu phát triển. Bởi phần lớn các chợ này trong tình trạng cơ sở hạ tầng kém, mặt bằng chật hẹp… Với quy mô nhỏ nên các chợ ở các xã chủ yếu phục vụ cho việc trao đổi hàng hóa tiêu dùng thiết yếu chứ chưa thúc đẩy hiệu quả thương mại thông qua họp chợ. Thêm vào đó, một số chợ ở các xã do tính toán, đầu tư xây dựng chưa hợp lý, không thuận tiện… nên mặc dù chợ đã xây xong từ lâu nhưng bà con không vào họp. Ông Hải khẳng định: phát triển hệ thống chợ ở các xã vùng nông thôn là chuyện sẽ phải làm, đặc biệt, đây chính là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Với đặc thù của tỉnh biên giới miền núi như Lạng Sơn, chợ không đơn thuần chỉ là nơi buôn bán mà còn là nơi giao lưu gặp gỡ, có nhiều nét văn hóa độc đáo. Phát triển mạng lưới chợ trong xây dựng nông thôn mới là điều cần được tập trung triển khai đồng bộ, từ khâu quy hoạch đến thiết kế sao cho hợp lý với điều kiện đặc thù kinh tế – xã hội của từng xã, qua đó sẽ đáp ứng được nhu cầu họp chợ của bà con ở nông thôn.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của chợ nông thôn miền núi đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội thì việc xây mới chợ khu vực miền núi nông thôn phải kết hợp với các dịch vụ thương mại, văn hóa… và phải đảm bảo diện tích kinh doanh và các dịch vụ phụ trợ. Tuy nhiên, hiện tại, bà con nhân dân ở các xã vẫn có thói quen “chuộng” chợ truyền thống, vì thế, phát triển chợ nông thôn vẫn nên xây dựng mô hình chợ truyền thống nhưng theo quy mô hiện đại, nghĩa là vẫn giữ nguyên lề lối, thói quen mua sắm của người dân nhưng phải có hạ tầng tốt. Các chợ nông thôn phải xây dựng phù hợp với nhu cầu mua, bán của người tiêu dùng và hộ kinh doanh tại địa phương…
Thực tế cho thấy, chợ ở các xã, cụm xã khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn và đang cần chợ để góp phần phát triển sản xuất, cải thiện đời sống của đồng bào. Các chợ đầu mối, chợ cụm xã có vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ nông sản, góp phần tăng trưởng kinh tế cho các xã trong khu vực. Biết về hạn chế này, nhưng để xây dựng chợ cụm xã, chợ liên xã không đơn giản. Nguồn vốn đầu tư đang là cốt lõi quyết định việc phát triển thành công quy hoạch mạng lưới chợ. Hiện nay, theo tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, từng huyện đều đã xây dựng kế hoạch đầu tư, xây dựng, nâng cấp mạng lưới chợ ở các xã vùng nông thôn. Tuy nhiên, do khó khăn nên việc bố trí ngân sách dành cho công tác phát triển chợ cũng không đạt được như mong muốn. Do vậy, về lâu dài, việc xã hội hóa xây dựng chợ nông thôn là điều cần được ưu tiên.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()