LSO- Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà Cách mạng xuất sắc, là chiến sỹ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, là nhà báo vĩ đại của cách mạng Việt Nam, nhà văn hoá lớn. Cũng như các lãnh tụ khác trên thế giới, Hồ Chí Minh bắt đầu cuộc đời hoạt động của mình bằng tiếng nói đấu tranh qua cách viết báo và hoạt động báo chí. Người đã sớm nhận thức rõ tầm quan trọng của báo chí. Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã dành một phần quan trọng về thời gian, tâm huyết cho hoạt động báo chí. Người để lại cho các thế hệ làm báo chúng ta một di sản vô cùng quý báu bao gồm 1 hệ thống luận điểm quan trọng nhất về báo chí. Đó là những nguyên tắc cơ bản mà báo chí cách mạng phải tuân thủ thực hiện. Chủ đề trọng tâm của báo chí cách mạng theo tư tưởng của Người là: “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Tại Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam, Người nói: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng… cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ… để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng. Nhà báo phải có dũng khí, không để ngòi bút của mình lệ thuộc vào tiền tài, danh vị, quyền lực. Nhân tố quyết định cho phẩm chất đó chính là lập trường chính trị vững vàng…”
Ảnh: Tư Liệu
Người còn dạy chúng ta: “Đối với những người viết báo, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch Cách mạng…”, muốn cho bài báo là “Tờ hịch Cách mạng” thì báo chí phải có tính tiên phong, tính định hướng, Người còn nói: “Mỗi tờ báo nên có đặc điểm của nó, về hình thức thì không nên rập khuôn, rập khuôn thì báo nào cũng thành khô khan, làm cho người xem dễ chán. Tờ báo phải phù hợp với đối tượng, từ nội dung đến hình thức…”. Trong quá trình viết báo, Người còn dạy: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng thì không xứng đáng là tờ báo.” Về cách viết báo, Người khuyên nhà báo chúng ta: “Mỗi khi viết một bài báo phải tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? viết để làm gì? viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc? khi viết xong phải đọc đi đọc lại hoặc nhờ anh em xem, sửa chữa giùm…“. Người nghiêm khắc phê phán các báo: “Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng“. Người còn căn dặn chúng ta: “ Nếu viết bài báo phục vụ nhân dân thì chọn cái gì có lợi cho dân thì viết nhưng phải tôn trọng và học hỏi nhân dân“. Đối với thể loại báo chí phê bình, Người nói: Về phê bình và tự phê bình: là vũ khí rất cần và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát huy ưu điểm. Phải phê bình nghiêm chỉnh, chắc chắn, nói có sách, mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng “Trị bệnh cứu người“, chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm. Các báo cũng khuyến khích quần chúng đóng góp ý kiến và phê bình mình để tiến bộ. Đối với nhiều tờ báo, Người còn nói: “Báo ta thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta”. Về phong cách viết báo, Người dạy nhà báo “Phải gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể thiết thực. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài, học tập kinh nghiệm. Khi viết xong một bài báo tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận; tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hoá xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu, luôn luôn cố gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến.v.v.“. Đó là những lời răn dạy của Người đối với người viết báo và đối với báo chí cách mạng Việt Nam.
Thấm nhuần lời dạy của Người về báo chí cách mạng, mỗi hội viên – nhà báo trong tỉnh cần thực hiện tốt 9 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Mỗi nhà báo chúng ta cần tiếp tục học tập, trau dồi đạo đức cách mạng, tu dưỡng, rèn luyện trong thực tiễn cuộc sống, bám sát cơ sở, thu thập đầy đủ tư liệu để sáng tạo tác phẩm báo chí. Khi viết báo nên dùng ngôn ngữ thông dụng, dễ hiểu, dễ đọc. Rèn luyện phong cách làm báo, viết báo phải chính xác, trung thực. Cần quan tâm viết gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến, đi liền với đó phải mạnh dạn tham gia trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và phải dám chịu trách nhiệm về những thông tin mình phát ra trước công luận. Ngày nay, trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, các phương tiện thông tin tuyên truyền ngày càng phát triển mạnh mẽ, các sự kiện diễn ra trong đời sống xã hội rất đa dạng, đòi hỏi người viết báo, các cơ quan báo chí phải có bản lĩnh nghề nghiệp, chắt lọc thông tin để sáng tạo tác phẩm báo chí góp phần định hướng dư luận, công chúng. Đối với Lạng Sơn, dưới sự lãnh đạo, quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, lực lượng báo chí tỉnh ta ngày càng trưởng thành, lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Các chương trình phát sóng trên đài, đăng trên báo, tạp chí, tập san ngày càng được cải tiến theo hướng hiện đại nhưng vẫn tạo được bản sắc riêng. Các nhà báo đã xông xáo, lăn lộn và bám sát cơ sở để đưa tin, viết bài, chụp ảnh phản ánh hiện thực cuộc sống. Song, để học tập được cách viết báo của Bác, chắc chắn chúng ta phải rèn luyện hơn nữa, phải “lao tâm khổ tứ“ hơn nữa để bài báo viết ra đảm bảo được tính tư tưởng, tính chân thật, tính chiến đấu, tính nhân dân và tính đa dạng.
Ý kiến ()