Thứ 5, 13/02/2025 09:29 [(GMT +7)]
Cần hiểu đúng về Nghị định 71
Thứ 2, 10/12/2012 | 15:51:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Sau khi Nghị định 71 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ ban hành, đã có nhiều cách hiểu khác nhau. Trong đó có cánh hiểu đúng nhưng cũng không ít cách hiểu sai khiến người dân và cả những người thực thi lúng túng.
![](https://mediabls.mediatech.vn/upload/image/201212/medium/237225_4.jpg)
CSGT Công an tỉnh xử phạt người vi phạm Luật Giao thông đường bộ
Có thể nói thời gian qua, tai nạn giao thông đã trở thành vấn nạn. Ngay tỉnh Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, số lượng phương tiện giao thông, người tham gia giao thông chưa nhiều nhưng từ 16/11/2011 đến 16/11/2012 đã xảy ra 102 vụ tai nạn làm 96 người chết, 72 người bị thương, hư hỏng hàng trăm phương tiện. Nghị định 71 sẽ tăng chế tài xử phạt, giúp lập lại kỷ cương an toàn giao thông. Thế nhưng, ngay sau khi nghị định được ban hành đã có rất nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến khó khăn cho thực thi pháp luật. Đáng quan tâm là sự hiểu sai này không chỉ ở người dân mà cả ở người thi hành công vụ. Theo quy định của pháp luật, khi đăng ký tài sản chính chủ, chuyển quyền sở hữu đối với phương tiện giao thông hay bất kỳ một tài sản nào đó đều phải chuyển quyền đăng ký. Quy định này đã có cách đây trên 20 năm. Việc đăng ký sở hữu chính chủ sẽ giúp cho quản lý tốt phương tiện, người lái, đề phòng tai nạn xảy ra; khi xảy ra tai nạn sẽ dễ dàng xử lý những thiệt hại theo bộ Luật Dân sự. Hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện khi mua bán, cho tặng là trái với quy định. Tuy nhiên do lịch sử để lại, rất nhiều mua bán thỏa thuận, trao tay nên không chuyển quyền sở hữu. Như vậy việc xử phạt là xử phạt việc không sang tên đổi chủ chứ không phải xử phạt truy cứu người điều khiển phương tiện có phải là chủ hay không.
Chị Hoàng Thị Minh, trú tại xã Gia Cát, huyện Cao Lộc tâm sự, từ khi có Nghị định 71, người thân của chị nhắc phải phô tô giấy kết hôn, hộ khẩu để chứng minh đấy là xe chung của gia đình, tuy cồng kềnh nhưng rất yên tâm khi tham gia giao thông. Nếu soi vào nghị định, điều này là không cần thiết vì việc chị đi xe của gia đình, tài sản chung khác hẳn với việc sang tên đổi chủ phương tiện. Phương tiện giao thông là tài sản đặc biệt vì nó có thể gây tai nạn, thiệt hại cho người khác. Vì vậy, việc khuyến khích đăng ký phương tiện, chuyển quyền sở hữu, có người chịu trách nhiệm về phương tiện là điều tối cần thiết. Nhưng rất nhiều người đã hiểu là xe được chuyển đổi qua nhiều chủ là xe vi phạm. Với cách hiểu như vậy, người dân sẵn sàng né tránh những thủ tục đăng ký lại, sang tên, nộp thuế…Về vấn đề này ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tại phiên họp báo hôm 29/11/2012 đã yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải có thông tư hướng dẫn cụ thể và kiến nghị mức thu phí phù hợp để người dân tự giác đăng ký sang tên đổi chủ. Thêm một cách hiểu chưa đúng về Nghị định 71 là rất nhiều người dân cho rằng một phương tiện khi đã sang tên đổi chủ nhiều lần thì người sử dụng cuối phải lần về đủ bằng ấy lần mua bán. Ví như một chiếc xe máy bán trao tay qua 5 người thì người cuối cùng phải chứng minh mua lại của 5 người kia. Điều này các ban ngành liên quan đang chờ thông tư hướng dẫn. Theo chỉ đạo của ông Vũ Đức Đam, các bộ liên quan sẽ phải có thông tư, hướng dẫn xem xét lại quá trình sang tên, có thể nhiều lần chuyển đổi chủ cũng chỉ phải sang tên một lần.
Quản lý phương tiện góp phần an toàn giao thông là một việc làm quan trọng. Để người dân hiểu đúng, đủ cần có sự hướng dẫn rất cụ thể, có cách làm phù hợp để giản tiện nhất cho người dân. Và mục tiêu cuối cùng là quản lý tốt để duy trì trật tự, giảm thiểu tai nạn giao thông.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Poll
Ý kiến ()