Cần “hệ miễn dịch số” để bảo vệ trẻ em trên Internet
Việt Nam đang có khoảng 24,7 triệu trẻ em, chiếm gần 25% dân số. Trong đó, khoảng 2/3 trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet để học tập, giải trí, liên lạc với người thân và sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, không gian mạng ngày càng nhiều “cạm bẫy” mà trẻ em lại đang thiếu các kỹ năng, kiến thức để tự bảo vệ mình.
Đây là một trong những thách thức dẫn đến những rủi ro mà trẻ có thể gặp phải trên môi trường mạng ngày càng gia tăng.
Nhiều cạm bẫy từ thế giới ảo
Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho rằng, việc thiếu các kiến thức, kỹ năng để trẻ em có thể tự bảo vệ an toàn trên không gian số, mạng đang là một hạn chế, thách thức. Những thách thức trẻ em đang phải đối mặt ngày càng nhiều trên môi trường mạng chính là: Cạm bẫy lừa đảo; các thông tin sai trái, độc hại; bị phát tán thông tin riêng tư, cá nhân; bị bắt nạt trực tuyến; bị lôi kéo, quấy rối, dụ dỗ, tống tiền; bị lôi kéo, ép buộc tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật. Đây là những mối nguy cơ, đe doạ lớn đối với trẻ em.
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch VNISA, Chủ nhiệm CLB Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cũng cho rằng, điện thoại, máy tính, máy tính bảng hay smartTV đang được trẻ em Việt Nam sử dụng với tần suất ngày càng nhiều hơn.
Khảo sát của UNICEF năm 2022 cho thấy, 82% trẻ em Việt Nam từ 12-13 tuổi sử dụng Internet hàng ngày, con số này ở lứa tuổi 14-15 là 93%. Theo Bộ LĐTB&XH, thời gian trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội từ 5-7 giờ mỗi ngày. Từ những con số trên cho thấy, việc trẻ em ngày càng dành nhiều thời gian trên Internet, bên cạnh những mặt tích cực thì sự “quá gắn bó” Internet cũng đang mang lại nhiều hệ lụy cho các em.
Ông Đỗ Dương Hiển, phụ trách dự án Trẻ em, Tổ chức Childfund Việt Nam thì nhìn nhận, độ tuổi sử dụng Internet và mạng xã hội của trẻ em Việt Nam đang càng ngày càng nhỏ hơn. Nhiều cha mẹ đang dùng mạng xã hội, clip YouTube như 1 phần thưởng dành cho con. Mặt khác, hiện nay các thiết bị để trẻ tiếp cận Internet ngày càng nhiều hơn, không chỉ là điện thoại thông minh.
Đây cũng là thách thức với các tổ chức làm công tác bảo vệ trẻ em. Đồng quan điểm này, bà Phan Thị Kim Liên, đại diện Tổ chức World Vision Việt Nam cũng cho rằng, những rủi ro trên mạng luôn rình rập, tấn công bất ngờ, khó biết trước. Phần thiệt sẽ thuộc về trẻ em, vì trẻ em vẫn chưa nhận thức đúng, đầy đủ cũng như đánh giá được các hậu quả từ các nguy hại tạo ra, đặc biệt là các vấn đề về xâm hại tình dục hay việc mua bán người. Điều đáng báo động chính là trẻ em đang thiếu “vành đai mạng bảo vệ”, thiếu sức đề kháng trước các mối nguy hại bất ngờ có thể xảy ra trên không gian mạng.
Hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường sức đề kháng cho trẻ em
Tại Toạ đàm về hỗ trợ, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam vừa tổ chức, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH cho biết: Trẻ em Việt Nam cũng có các vấn đề liên quan tới nghiện Internet nhưng số liệu cụ thể là bao nhiêu thì thực tế chúng ta chưa có các công bố chính thức. Với nhóm trẻ em nghiện Internet, theo đại diện Cục Trẻ em, qua phân tích các ca cụ thể cho thấy, nếu không may trẻ bị nghiện thì việc hỗ trợ các em đang rất khó khăn. Vì thế, các gia đình cần tăng cường phòng ngừa để trẻ không bị rơi vào tình trạng nghiện Internet.
Cũng theo bà Nga, để đồng hành hiệu quả trong việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cần sớm đưa ra các tiêu chí để chuẩn hoá khái niệm về hành vi xâm hại trẻ em trên không gian mạng một cách cụ thể, trong đó, bao gồm có cả khái niệm nghiện Internet là gì. Bên cạnh đó, cần có thêm những báo cáo cụ thể, thường xuyên để nghiên cứu sâu hơn cho vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, từ đó đánh đúng giá thực trạng, có các giải pháp áp dụng phù hợp với thực tế.
Bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Cục An toàn thông tin cũng cho rằng, để giúp trẻ em luôn được an toàn trên môi trường mạng, cần nhanh chóng hoàn thiện xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, hành lang pháp lý đối với các đối tượng là trẻ em khi tham gia tương tác, sử dụng mạng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức cho mọi người dân, nhất là đối với bậc cha, mẹ phải có những kiến thức, quy tắc giám hộ để giúp con em mình tránh được những nguy hại từ môi trường Internet tạo ra.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện Tiktok cũng nêu quan điểm: Việc trẻ em bị lợi dụng, tấn công trên môi trường mạng luôn là điều chúng ta không mong muốn. Tình trạng này là “hồi chuông” cảnh tỉnh chúng ta mà lỗi một phần thuộc về người lớn khi thiếu sự quan tâm, giám sát thường xuyên. Để bảo vệ trẻ trên mạng hiệu quả, theo ông Thanh, yêu cầu đặt ra đối với các tài khoản trẻ em đang sử dụng là phải đặt dưới quyền kiểm soát của người giám hộ. Đặc biệt, những người giám hộ cần có trách nhiệm hơn để nhắc nhở, kiểm soát, hướng dẫn trẻ sử dụng mạng theo hướng an toàn.
Từ góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thông tin, ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho rằng, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước có liên quan cần phối hợp chặt chẽ để triển khai đúng các yêu cầu của Quyết định số 830/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021- 2025”. Cùng với đó, tiếp tục duy trì môi trường mạng, phát triển hệ sinh thái sản phẩm, ứng dụng công nghệ số Việt Nam cho trẻ em học tập, kết nối, giao lưu, giải trí trên môi trường không gian mạng sáng tạo, lành mạnh; thường xuyên nâng cao các kiến thức, kỹ năng phù hợp cho từng lứa tuổi để trẻ em có “hệ miễn dịch số” tự nhận thức, tăng sức đề kháng trước các rủi ro, nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng.
Nguồn:https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/can-he-mien-dich-so-de-bao-ve-tre-em-tren-internet-i709713/
Ý kiến ()