Cần gỡ khó về mặt bằng
LSO-Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đang triển khai 3 công trình xử lý điểm đen tai nạn giao thông (TNGT) trên quốc lộ 1B và 4B qua địa phận các huyện Văn Quan và Cao Lộc. Tuy nhiên, trong khi công trình trên địa bàn huyện Văn Quan được khởi công thuận lợi, thì công trình xử lý 2 điểm đen còn lại trên địa bàn Cao Lộc lại gặp khó khăn.
Thi công mở rộng đoạn đường cong tại điểm đen km 24 400 quốc lộ 1B |
Dân vận khéo, mặt bằng thuận
Km 24 400 quốc lộ 1B qua địa phận xã Vĩnh Lại, huyện Văn Quan nhiều năm qua là điểm đen TNGT. Tại vị trí này, đường cong cua, khuất tầm nhìn, đặc biệt giữa ngã ba tồn tại một hố sâu, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nhất là vào buổi tối. Năm 2017, điểm đen km 24 400 được triển khai xử lý với kinh phí gần 2,9 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương. Theo thiết kế, để xử lý điểm đen, đơn vị thi công sẽ cạp mở rộng cục bộ bụng đường cong kết hợp bạt mái ta luy để mở rộng tầm nhìn, do vậy sẽ phải giải phóng một phần diện tích đất của dân. Tuy nhiên, theo quyết định phê duyệt, Bộ GTVT chỉ cấp kinh phí xây lắp, còn công tác đền bù giải phóng mặt bằng địa phương phải tự lo.
Trong bối cảnh kinh phí địa phương còn hạn hẹp, UBND huyện Văn Quan đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, UBND xã Vĩnh Lại, Sở GTVT cùng đơn vị thi công đã gặp gỡ các hộ có đất trong khu vực thực hiện công trình để tuyên truyền, vận động người dân. Ông Vy Văn Dân, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng giao thông Lạng Sơn – đơn vị thi công cho biết: Với sự vào cuộc tích cực của UBND huyện và xã, người dân xã Vĩnh Lại đã hiến hơn 1.000 m2 đất, tạo điều kiện cho chúng tôi nhanh chóng triển khai thi công. Đơn vị khởi công công trình vào ngày 1/4 và dự kiến hoàn thành trước ngày 30/6.
Vẫn còn “nút thắt”
Cùng được phê duyệt để triển khai trong năm 2017, song khác với công trình kể trên, 2 công trình khắc phục điểm đen còn lại gồm km 0 900 quốc lộ 1B thuộc địa phận thị trấn Đồng Đăng và km 5 900 quốc lộ 4B thuộc địa phận xã Gia Cát, huyện Cao Lộc hiện vẫn “nằm im” trên giấy. Sở dĩ như vậy là do vướng mắc về mặt bằng. Thậm chí, qua nắm tình hình của Sở GTVT, tại điểm đen km 5 900 quốc lộ 4B từ đầu năm nay, khi nghe phong thanh có công trình, dự án, một số người dân đã mang cây về trồng trên phần đất trong khu vực điểm đen để “đón đầu”.
Ông Nguyễn Đình Đại, Phó Giám đốc Sở GTVT Lạng Sơn cho biết: Đối với 2 điểm đen này, sở đã làm việc với UBND huyện Cao Lộc để sớm có phương án giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, hiện tại huyện mới bước đầu triển khai những công việc cần thiết để đền bù giải phóng mặt bằng theo trình tự thủ tục và nếu làm như vậy thì thời gian thực hiện sẽ rất lâu. Trong khi đó, theo quy định, với những công trình Bộ GTVT đã phê duyệt thì phải hoàn thành trước ngày 30/6, sau thời điểm đó, nếu không có lý do chính đáng thì nhiều khả năng sẽ bị thu hồi dự án.
Theo khảo sát của Sở GTVT, toàn tỉnh hiện còn hơn 20 điểm đen TNGT và hơn 10 vị trí tiềm ẩn nguy cơ cao về TNGT cần được xử lý. Năm 2016, Sở GTVT đã triển khai xử lý điểm đen tại km 6 850 quốc lộ 4A qua địa bàn huyện Văn Lãng, vị trí này đã được mở cua, lắp gương cầu lồi, hộ lan tôn sóng sơn phản quang, đèn cảnh báo chớp vàng… Từ khi hoàn thành công trình đến nay, tại vị trí này chưa xảy ra TNGT. Tương tự tại những điểm đen khác trên địa bàn tỉnh, sau khi được xử lý, khắc phục đã hạn chế đáng kể các vụ TNGT xảy ra.
Như vậy, rõ ràng việc xử lý điểm đen, điểm có nguy cơ cao về TNGT mang lại lợi ích lâu dài, không chỉ đảm bảo an toàn cho người, phương tiện lưu thông mà còn cho chính người dân trong khu vực đó. Vì thế, tại những nơi được đầu tư công trình xử lý điểm đen, rất cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền cấp huyện, xã trong tuyên truyền, vận động, triển khai các giải pháp hiệu quả để giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho việc thi công công trình, tránh để tình trạng vì giải phóng mặt bằng chậm trễ mà bỏ lỡ nguồn kinh phí đã được phê duyệt.
VY THÚY HƯỜNG
Ý kiến ()