Cần gỡ khó trong cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai
– Để quản lý quỹ đất đai hiệu quả, ngành chức năng tỉnh đã luôn chú trọng nắm bắt, cập nhật và phản ánh đúng thực trạng sử dụng đất thông qua việc cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai, đảm bảo chính xác và thống nhất giữa các cấp quản lý. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác này trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn.
Cán bộ Chi nhánh VPĐKĐĐ thành phố trao đổi nghiệp vụ trong quá trình cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai trên địa bàn
Còn nhiều khó khăn
Thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, từ ngày 1/1/2020, toàn tỉnh giảm từ 226 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 200 đơn vị. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh còn có 1.199 thôn, khối phố thực hiện sáp nhập theo các nghị quyết của HĐND tỉnh. Điều này dẫn đến các biến động về hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đã cấp cho người dân là rất lớn. Toàn tỉnh hiện có khoảng 238.800 GCNQSDĐ đã cấp cho người dân; 6.514 mảnh đồ bản đồ địa chính; 1.137 quyển hồ sơ địa chính (sổ mục kê đất đai, sổ địa chính, sổ theo dõi cấp GCN) và cơ sở dữ liệu (CSDL) địa chính của 109 xã, thị trấn cần phải chỉnh lý biến động. Cùng đó là những tồn tại, hạn chế lịch sử để lại do công tác cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai (biến động CSDL địa chính và hồ sơ địa chính) trước đây chưa được quan tâm đúng mức…
Để đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân, ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) tỉnh đang vận hành 2 hệ thống CSDL đất đai gồm: hệ thống thông tin đất đai VBD LIS (tại huyện: Bình Gia, Cao Lộc, Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn) và hệ thống CSDL địa chính ELIS (tại 109 xã thuộc 7 huyện: Bắc Sơn, Văn Quan, Hữu Lũng, Chi Lăng, Đình Lập, Văn Lãng và Tràng Định)… Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện công tác cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai nói chung trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Ông Tạ Quốc Vinh, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) tỉnh cho biết: Công tác cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ thực hiện đạt khoảng 60 đến 70% so với tổng khối lượng biến động cần cập nhật. Để đẩy nhanh thực hiện cập nhật, chỉnh lý biến động, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai, VPĐKĐĐ đã tham mưu sở quan tâm, đầu tư xây dựng hệ thống CSDL đất đai. Tuy nhiên, hiện nay, đối với CSDL địa chính Elis, việc cập nhật, chỉnh lý biến động còn chưa được đầy đủ, kịp thời. Nguyên nhân do phần mềm hoạt động không ổn định, chưa có tính năng liên kết hỗ trợ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) liên thông với các cơ quan liên quan. Do đó, sau khi giải quyết xong TTHC, cán bộ chuyên môn phải mất nhiều thời gian thực hiện cập nhật thủ công vào CSDL địa chính…
Cùng đó, chủ đầu tư các dự án chậm thực hiện việc giao các giấy tờ liên quan sau khi đã hoàn thành thủ tục thu hồi và giao đất cho VPĐKĐĐ và các chi nhánh VPĐKĐĐ để thực hiện chỉnh lý biến động theo quy định; người sử dụng đất chưa chủ động khai báo khi có biến động đất đai như: chuyển nhượng trái quy định, làm thay đổi hiện trạng gây khó khăn cho công tác cập nhật, chỉnh lý bản đồ, hồ sơ địa chính; nhiều bản vẽ thu hồi và giao đất, sơ đồ thửa đất lưu trữ, bản đồ quy hoạch chi tiết được duyệt nhưng không có tọa độ hoặc hệ tọa độ giả định… nên cơ quan chuyên môn không đủ cơ sở thực hiện cập nhật, chỉnh lý.
Ngoài ra, trước đây, trong quá trình đo đạc giải phóng mặt bằng các dự án, nhiều đơn vị tư vấn đã thực hiện lập mảnh trích đo thu hồi, giao đất nhưng không sử dụng bản đồ địa chính đã được đo vẽ hoặc sử dụng nguồn tài liệu không do cơ quan có thẩm quyền cung cấp. Do đó, dẫn đến sai khác tọa độ chỉ giới được giao đất, sai lệch về vị trí so với bản đồ được dùng để cập nhật, chỉnh lý và xảy ra chồng chéo về ranh giới được giao đất, được cấp GCNQSDĐ…
Quy trình thực hiện cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai
Bà Trần Thị Hồng Chuyên, Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ thành phố Lạng Sơn cho biết: Do UBND thành phố chưa hoàn thành xong dự án đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính và cấp đổi GCN nên việc xây dựng hệ thống CSDL địa chính gặp nhiều khó khăn. Đến nay, toàn thành phố chỉ có CSDL địa chính của 2.295 thửa đất tại 2 phường (Vĩnh Trại và Hoàng Văn Thụ) được cập nhật lên hệ thống, còn 6 xã, phường còn lại chưa thực hiện được do chưa có dữ liệu đầu vào. Điều này, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải quyết các hồ sơ TTHC liên quan; tỷ lệ hồ sơ chậm hạn năm 2022 của chi nhánh là 3,3% (cao nhất tỉnh) và 3 tháng đầu năm 2023 là 0,73%.
Song song với những khó khăn trên là vấn đề về hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư đồng bộ; hệ thống máy chủ hoạt động chưa được ổn định. Chị Long Thị Yến, công chức địa chính xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình cho biết: Hiện nay, tôi đang sử dụng hệ thống VBD LIS để thực hiện tra cứu thông tin về đất đai trên địa bàn. Hệ thống này tuy đã được đồng bộ, hiện đại hóa nhưng đôi lúc đường truyền chập chờn, không thể truy cập được. Để kịp tiến độ giải quyết các TTHC cho người dân, tôi vẫn phải sử dụng tài liệu bản giấy để phục vụ tra cứu, khai thác thông tin về đất đai.
Theo thống kê, trong năm 2022, toàn tỉnh cập nhật, chỉnh lý biến động vào hồ sơ địa chính đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được trên 66.300 thửa đất; cập nhật CSDL địa chính được 21.662/30.799 thửa đất (đạt 70,2% so với tổng số thửa đất cần cập nhật trong năm). Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, cơ quan chuyên môn đã cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được trên 15.000 thửa đất; cập nhật CSDL địa chính được 2.552/5.809 thửa (đạt 44% so với tổng số thửa cần cập nhật), đạt 7,1% so với kế hoạch năm 2023 (chỉ tiêu năm 2023 cập nhật, chỉnh lý CSDL địa chính 35.700 thửa đất).
Cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Lộc Bình cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai trên hệ thống cơ sở dữ liệu
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Do nhiều nguyên nhân đã nêu ở trên, việc cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai đã không được thực hiện thường xuyên, liên tục, đảm bảo sát với thực tiễn dẫn đến tình trạng thông tin về thửa đất trên giấy tờ và thực tế sử dụng khác nhau. Đây là một trong những nguyên nhân làm phát sinh đơn thư khiếu kiện, chậm giải phóng mặt bằng các dự án; ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các TTHC về đất đai. Năm 2022, tỷ lệ hồ sơ chậm hạn của sở chiếm 1,6% trên tổng số hồ sơ TTHC Sở TN&MT đã giải quyết.
Ông Lý Đức Thọ, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Đầu năm 2023, tôi đến bộ phận một cửa UBND thành phố thực hiện thủ tục xin cấp đổi GCNQSDĐ đối với diện tích trên 70 m2 đất ở của gia đình. GCNQSDĐ của gia đình đã được cơ quan có thẩm quyền cấp lần đầu từ năm 2017. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra, đo đạc, thực tế hiện trạng ranh giới, diện tích khu đất đang bị lệch so với diện tích trên GCN được cấp. Hiện gia đình đang phối hợp với Chi nhánh VPĐKĐĐ thành phố thực hiện đo đạc, xử lý để đảm bảo hiện trạng giống như trên GCN gia đình đã được cơ quan có thẩm quyền cấp. Tuy nhiên, việc giải quyết vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn.
Trước thực tế những khó khăn, vướng mắc trong công tác cập nhật, chỉnh lý biến động về đất đai đòi hỏi ngành chức năng cần triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ. Theo đó, năm 2022, Sở TN&MT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng và dự toán kinh phí thực hiện dự án Chỉnh lý hồ sơ địa chính, hoàn thiện CSDL địa chính sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của dự án là chỉnh lý hồ sơ địa chính và CSDL địa chính nhằm hoàn chỉnh bản đồ, hồ sơ địa chính, CSDL địa chính, đăng ký, cấp GCNQSDĐ, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn 7 huyện; tổng kinh phí thực hiện dự kiến trên 62 tỷ đồng.
Để có cơ sở báo cáo, trình UBND tỉnh xem xét, tháng 10/2022, Sở TN&MT đã có công văn gửi Sở Tài chính về việc thẩm định khả năng cân đối nguồn ngân sách của tỉnh đối với nhiệm vụ chỉnh lý hồ sơ địa chính, hoàn thiện CSDL địa chính sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh. Tháng 2/2023, Sở TN&MT tiếp tục có Công văn số 199/STNMT-VPĐKĐĐ gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc thẩm định khả năng cân đối nguồn ngân sách của tỉnh đối với nhiệm vụ chỉnh lý hồ sơ địa chính, hoàn thiện CSDL địa chính sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay, các sở, ngành liên quan vẫn đang nghiên cứu, thẩm định việc bố trí kinh phí thực hiện cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó báo cáo UBND tỉnh.
Ông Ngô Viết Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Để quản lý quỹ đất hiệu quả, nắm được mức độ sử dụng đất của địa phương đòi hỏi việc nắm bắt, cập nhật thông tin đầy đủ và phản ánh đúng thực trạng sử dụng đất thông qua việc đăng ký, chỉnh lý, cập nhật biến động đất đai trên hồ sơ địa chính. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục chỉ đạo VPĐKĐĐ thực hiện thường xuyên, liên tục công tác cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai; kết quả công tác cập nhật, chỉnh lý biến động là một trong những căn cứ để xem xét, đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với các tập thể và cá nhân viên chức, người lao động. Sở đề nghị UBND các huyện, thành phố phối hợp thực hiện chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính, GCNQSDĐ. Đồng thời, sở tiếp tục tham mưu, trình UBND tỉnh cân đối, bố trí ngân sách triển khai dự án cập nhật, chỉnh lý biến động về đất đai…
Việc cập nhật chỉnh lý biến động đất đai nhằm hoàn chỉnh bản đồ, hồ sơ địa chính, CSDL địa chính, đăng ký, cấp GCNQSDĐ theo đúng quy định của pháp luật. Qua đó, vừa góp phần đồng bộ hóa hồ sơ địa chính, CSDL đất đai, thúc đẩy chuyển đổi số ngành TN&MT vừa tăng hiệu quả công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnhn
Ý kiến ()