Cần giữ gìn sự trong sáng, chuẩn mực của tiếng Việt
Một trong những nguyên tắc, yêu cầu hàng đầu của người viết văn bản nói chung, người viết báo nói riêng là phải hiểu đúng bản chất, ý nghĩa của từ ngữ thì mới có thể thể hiện đúng ý định, nội dung cần chuyển tải.
Tuy nhiên, thời gian qua, trên nhiều trang báo, nhất là báo điện tử xuất hiện khá nhiều cách viết vừa dễ dãi, ngây ngô, vừa sai bản chất vấn đề.
1. Trên một chuyên mục về hoa hậu, hoa khôi, người đẹp của một tờ báo có bài viết về một á hậu, trong đó có đoạn: “Trước đó, N.T.H được biết đến là một trong những gương mặt tiêu biểu của làng mẫu Việt Nam suốt một thời gian dài. Sự nghiệp đang nở rộ, bất ngờ á hậu lên xe hoa cùng họa sĩ Đ.Q vào năm 2005. Kể từ đó, cô từ giã sàn catwalk, lui về chăm sóc gia đình. Hiện tại ở tuổi 42, nàng hậu đã có 4 con và trở thành bà mẹ đông con nhất làng hậu”.
Trong đoạn văn trên, dùng từ “nàng hậu” là chấp nhận được bởi đây là cách nói thân mật, dân dã dành cho các cô gái đã đạt danh hiệu hoa hậu, á hậu, hoa khôi; nhưng khi sử dụng từ “làng hậu” là không đúng.
Ấn phẩm do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành năm 2016. |
Từ “làng” ở đây có hai nghĩa. Ở nghĩa gốc, “làng” là đơn vị dân cư nhỏ nhất ở nông thôn đồng bằng và trung du Việt Nam, thường có đời sống riêng về nhiều mặt. Còn về mặt khẩu ngữ và khi nói tổng quát, “làng” muốn đề cập đến những người có cùng một nghề, một công việc nào đó. Ví dụ: Làng văn (những người làm nghề văn chương), làng báo (những người làm nghề báo chí), làng mẫu (những người làm nghề người mẫu), làng hài (những người làm diễn viên hài trên sân khấu)…
Như vậy, khi nói một cách tổng quát về một nhóm xã hội nào đó cùng làm một nghề mang lại lợi ích ý nghĩa cho xã hội thì gắn từ “làng” mới phù hợp. Trong khi đó, các hoa hậu, á hậu, hoa khôi chỉ là những danh hiệu dành riêng cho các cô gái đạt được trong một cuộc thi về sắc đẹp, chứ tự thân hoa hậu, á hậu, hoa khôi không phải là một nghề. Do đó, dùng từ “làng hậu” trong đoạn văn nêu trên vừa có phần gượng gạo, vừa không thể hiện đúng bản chất vấn đề.
2. Hiện nay, trong khi không ít tờ báo, bài báo viết về giới showbiz cố tình giật tít theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” nhằm kích thích tâm lý, thị hiếu tò mò, hiếu kỳ với mục đích “câu khách”, “câu view” thì cũng có nhiều tiêu đề (tít) tuy phản ánh một vấn đề nghiêm túc, song lại thể hiện sự cẩu thả rất khó chấp nhận.
Chẳng hạn, trong bài báo có tiêu đề “Nhóm thiếu niên “quái xế” từng có thành tích “bất hảo” phản ánh tình trạng một bộ phận thanh niên ở một thành phố tổ chức đua xe trái phép, bị lực lượng công an ngăn chặn kịp thời, sau đó, cơ quan chức năng khởi tố vụ án và khởi tố các bị can vi phạm pháp luật về giao thông. Tuy vậy, các “quái xế” mà nội dung bài báo đề cập hầu hết là những thanh niên 17-18 tuổi.
Theo quy định của hầu hết các nước trên thế giới và theo nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý học, thiếu niên là những người trong độ tuổi 11-16. Điều 1 Luật Trẻ em 2016 (được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV thông qua) cũng quy định: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”.
Như vậy, dùng từ “nhóm thiếu niên “quái xế”… như bài viết nêu là vừa sai về mặt khoa học vừa sai về pháp luật. Vì theo quy định của luật pháp Việt Nam hiện nay, người đủ từ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà bộ luật hình sự có quy định khác.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí là góp phần cung cấp cho công chúng những thông tin chính xác, kiến thức chuẩn mực nhằm bồi đắp, xây dựng những giá trị tiến bộ, văn minh cho con người và thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh. Muốn làm tròn sứ mệnh cao cả đó, trong mỗi tác phẩm báo chí, từ tiêu đề đến nội dung cần thể hiện sự nhất quán, chặt chẽ, logic; sử dụng câu từ chuẩn xác, đúng chính tả, ngữ pháp và văn phong phù hợp. Để làm được điều này, bản thân mỗi người cầm bút không chỉ cần có kiến thức, kỹ năng nghề báo mà cần phải am tường sâu sắc ngôn ngữ tiếng Việt, có kiến thức nhất định về pháp luật, kiến thức chuyên ngành mà nội dung bài báo đề cập. Mọi sự đơn giản, dễ dãi, cẩu thả, gán ghép từ gượng gạo, ngô nghê không những làm giảm giá trị, ý nghĩa bài báo mà còn tác động tiêu cực đến việc giữ gìn sự trong sáng, chuẩn mực của tiếng Việt.
Ý kiến ()