Cần giữ gìn chất lượng sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý
LSO-Nông sản đặc sản ở tỉnh Lạng Sơn khá nhiều và thường gắn với địa danh như na dai Chi Lăng, hồng không hạt Bảo Lâm, quýt vàng Bắc Sơn, lê Tràng Định...
LSO-Nông sản đặc sản ở tỉnh Lạng Sơn khá nhiều và thường gắn với địa danh như na dai Chi Lăng, hồng không hạt Bảo Lâm, quýt vàng Bắc Sơn, lê Tràng Định… Để bảo vệ tên tuổi và nâng cao giá trị cho nông sản đặc sản của tỉnh nhà, trong nhiều năm qua, Sở KH&CN Lạng Sơn đã tích cực và chủ động xây dựng chỉ dẫn địa lý xuất xứ sản phẩm cho một số loại hoa quả. Sau khi được xây dựng thương hiệu và được bảo hộ chỉ dẫn địa lý về xuất xứ sản phẩm nông sản, hiệu quả kinh tế mang lại cho bà con nông dân đã thấy rõ. Tuy vậy, xây dựng được thương hiệu đã khó, để giữ được uy tín thương hiệu còn khó gấp bội.
Ngành khoa học tỉnh rất quan tâm đến việc giữ gìn chất lượng của hồng không hạt Bảo Lâm |
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ sản phẩm nông sản đang được xem là một hướng đi có hiệu quả nhằm bảo vệ tên tuổi và nâng cao giá trị cho hàng nông sản Lạng Sơn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh, ngoài sản phẩm nông sản hoa hồi, về nông sản hoa quả đặc sản còn có hồng không hạt Bảo Lâm và na dai Chi Lăng đã và đang được bảo hộ tên gọi xuất xứ và tên gọi địa lý. Tiếp tới đây, ngành khoa học tỉnh đang xây dựng kế hoạch bảo hộ cho sản phẩm nông sản quýt vàng Bắc Sơn và lê Tràng Định.
Từ tháng 9/2011, sau khi được bảo hộ, giá trị kinh tế của sản phẩm nông sản tăng lên rõ rệt. Ví như sản phẩm na dai Chi Lăng, trong vụ na năm nay, mỗi cân na dai (từ 3 đến 4 quả/kg) tròn đều, hình thức đẹp bán ngay tại hai chợ thị trấn Chi Lăng và Đồng Mỏ, hoặc dọc tuyến quốc lộ đều có giá từ 25.000 – 35.000 đồng/kg; loại thấp nhất cũng đang bán 15.000 đồng/kg. Khác với các mùa na trước đây, ngay từ đầu vụ (đầu tháng 7 âm lịch), các thương gia đến tận thôn bản, tận các hộ có nhiều na để thu mua. Hàng nghìn hộ trồng na tại các xã Mai Sao, Quang Lang, Chi Lăng và hai thị trấn Đồng Mỏ, Chi Lăng đều vui và dự ước sẽ thu được khoảng 100 triệu đồng/vụ na năm nay.
Tuy vậy, theo sự quan sát của các nhà khoa học cũng như cán bộ khuyến nông, bà con trồng na bây giờ trồng và chăm sóc tùy theo sự hiểu biết riêng của từng hộ. Mặc dù cán bộ khuyến nông và khoa học vẫn thường xuyên xuống địa phương xem và hướng dẫn bà con cách chăm sóc na đúng kỹ thuật, nhưng kết quả cuối cùng phần lớn là phụ thuộc vào bà con. Với cách “tự phát” như vậy, một vài năm nữa chất lượng quả na chắc chắn sẽ không đồng đều. Hệ quả tất yếu là sẽ không giữ được thương hiệu, điều này đồng nghĩa với giá trị kinh tế của na dai sẽ giảm theo.
Cũng như sản phẩm na dai Chi Lăng, bắt đầu từ tháng 11/2012, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 2838/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00032 cho sản phẩm hồng không hạt Bảo Lâm nổi tiếng. Mới bắt đầu được bảo hộ nên giá trị kinh tế của sản phẩm hồng chưa thật rõ ràng. Trong khi đó thì nỗi lo về chất lượng sản phẩm lại hiện hữu, đó là hồng không hạt đang trong giai đoạn thoái hóa. Ngoài ra, bệnh thán thư xuất hiện nhiều trên cây hồng khiến tỷ lệ đậu quả giảm đáng kể. Một số diện tích cây hồng lâu năm đang xuất hiện loại sâu đục thân, ăn rỗng ruột, nhiều cây đã chết. Để đối phó với loại sâu này, bà con đã sử dụng ống xi lanh bơm thuốc trừ sâu Vô-pha-tốc đậm đặc vào lỗ sâu đục. Cách làm này có hiệu quả, tuy nhiên để phát hiện bệnh, bà con phải thường xuyên đi thăm vườn, bẻ cành bị nhiễm bệnh rồi đốt. Phương pháp này ngăn chặn bệnh lan rộng nhưng ít nhiều cũng làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cây, cũng như chất lượng của quả.
Theo lãnh đạo Sở KH&CN, nếu bà con trồng na, cũng như trồng hồng không hạt vẫn cứ giữ tập quán canh tác “manh mún”, tự phát… thì chất lượng sản phẩm sẽ không thể đồng đều và việc kiểm soát chất lượng cũng sẽ rất khó khăn. Để đảm bảo mục tiêu phát triển lâu dài cho sản phẩm, nhất là hướng đến việc xuất khẩu sản phẩm na dai và hồng không hạt thì điều cần thiết nhất của các cơ quan nhà nước là phải tập hợp được bà con nông dân thành một tổ chức nhất định, từ đó sẽ định hướng cho người trồng hồng và na cách làm hiệu quả nhất.
Nông dân là người hưởng lợi đầu tiên và nhiều nhất khi các nông sản được bảo hộ. Vì thế, bà con nên nhanh chóng thay đổi nhận thức theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa giá trị cao, từ bỏ cách làm manh mún, tự phát và tận thu như hiện nay.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()