Cần giảm thiểu những hệ lụy từ việc giá thép tăng đột biến
Đà tăng giá đột biến của thép và nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng khác khiến nhiều dự án “đội” chi phí thêm hàng trăm tỷ đồng. Trước tình trạng này, nhiều nhà thầu buộc phải lựa chọn giải pháp ngừng thi công. Điều này khiến hàng loạt dự án đầu tư công, dự án trọng điểm quốc gia đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
Hiện nay, trên thị trường, gần như tất cả các mặt hàng nguyên vật liệu xây dựng đều có sự biến động rất lớn về giá cả. Trong khi giá thép đã tăng vọt 40% so quý IV-2020, thì các vật tư khác như: cát, đá, gạch, xi-măng, tôn… cũng đồng loạt tăng theo từ 20-25%. Đặc biệt, ngày 19/5, các thương hiệu thép lớn trong nước đồng loạt thông báo điều chỉnh tăng giá bán thép cuộn CB240.
Điều này gây khó khăn trong việc lập dự toán chi phí, nguồn vốn cho các dự án đầu tư công sắp triển khai cũng như ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các dự án đầu tư công đang triển khai.
Do giá thép tăng cao, nhiều doanh nghiệp phải “chạy đôn chạy đáo” khắp nơi để thương thảo những vấn đề phát sinh do đà tăng “đột biến” của thép và nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng trong bốn tháng đầu năm. Bởi nếu không cập nhật biến động giá kịp thời, nguy cơ đối với các doanh nghiệp là sẽ phải chịu thâm hụt lớn về tài chính, nhất là ở các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước.
Đơn cử, chỉ tính riêng tại dự án thành phần Cam Lâm – Vĩnh Hảo thuộc cao tốc Bắc Nam phía Đông mà Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư, theo ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, giá thép tăng 40% đã làm phát sinh chi phí thêm gần 150 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai dự án của doanh nghiệp.
Cũng trong tình cảnh tương tự, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cơ khí xây dựng Thăng Long Hồ Ngọc Anh chia sẻ, việc tăng giá đột biến, khó lường của mặt hàng này đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp, các nhà thầu đang triển khai thi công các công trình, dự án trong nước, đặc biệt đối với các dự án dùng vốn ngân sách do phải đảm bảo đúng các quy định, quy trình trong hợp đồng bỏ thầu mới giải ngân được. Tuy nhiên, nếu chỉ thanh toán theo đúng hợp đồng đã ký trước thì doanh nghiệp, nhà thầu sẽ bị thiệt hại, lỗ lớn do giá thép tăng quá cao.
Mặc dù đã có phương án dự phòng rủi ro từ biến động giá của thị trường, song đà tăng quá mạnh hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp và nhà thầu khó cầm cự, buộc phải chấp nhận chịu phạt thầu hoặc dừng thi công để tránh bị thiệt hại.
Nhất là tại các gói thầu đầu tư có sử dụng vốn ngân sách nhà nước mà doanh nghiệp đang thi công buộc phải ngưng trệ. Tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công của doanh nghiệp trong năm 2021 chắc chắn bị ảnh hưởng. Điều này cần sớm được tháo gỡ nhất là trong bối cảnh đầu tư công được xem là động lực tăng trưởng quan trọng giữa bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Thậm chí, một số dự án đầu tư công đang trong giai đoạn chào thầu cũng không “hút” được doanh nghiệp tham gia do chưa có sự điều chỉnh giá vật liệu xây dựng và ổn định giá thầu.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, rất cần sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, các địa phương, trong đó Chính phủ cần có những Tổ công tác đặc biệt với sự tham gia của những người có đủ thẩm quyền. Đồng thời, Chính phủ cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể cho bộ, ngành và địa phương trong việc hỗ trợ, bù giá cho các dự án, công trình công một cách thực tế, kịp thời.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thời gian gần đây, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp và giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu có xu hướng tăng cao, nhất là giá thép tăng đột biến, không theo quy luật tăng giá thông thường đã tác động tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng. Tại một số địa phương, việc công bố giá vật liệu xây dựng còn chậm, biến động giá thép và giá một số vật liệu xây dựng chưa được cập nhật kịp thời hoặc đã được cập nhật trong công bố giá vật liệu xây dựng của địa phương nhưng chưa bám sát diễn biến thị trường… Để giảm thiểu tác động tiêu cực đến các hoạt động xây dựng, mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương và một số đơn vị liên quan về việc thực hiện các giải pháp kịp thời giúp ghìm cương giá thép.
Thực tế, thép là mặt hàng liên thông quốc tế, được điều khiển hoàn toàn bởi thị trường, nên nếu tăng năng lực sản xuất trong nước hay hạn chế xuất khẩu như một số ý kiến đang được nhắc tới thì câu chuyện giá cả cũng cần phải có hướng xử lý tương ứng. Giá đầu vào cho sản xuất thép là quặng sắt, phế liệu hay phôi thép đều theo giá thế giới và nguyên liệu chiếm chi phối trong giá thành sản phẩm.
Bên mua – bên bán có gặp nhau ở giá không, nếu không thì dù năng lực sản xuất tăng lên nhưng vẫn không mua được thép thành phẩm. Chưa kể, doanh nghiệp bên bán nếu không có lợi thì họ không sản xuất nhiều. Như vậy, cái khó khăn ở đây không phải là vấn đề sản lượng, mà là vấn đề giá. Về bản chất, vấn đề này sẽ được thị trường điều chỉnh theo quan hệ cung cầu.
Về việc đầu tư công có nguy cơ đình trệ trước “cơn bão” giá thép và nhiều vật liệu xây dựng khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc giá thép và nhiều vật liệu xây dựng khác tăng đã làm đội vốn công trình xây dựng. Điều này khiến nhiều dự án đầu tư có sử dụng ngân sách nhà nước có nguy cơ đình trệ. Bởi vật liệu xây dựng tăng đã làm thay đổi tổng vốn đầu tư, nội dung quan trọng nhất trong chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư. Khi tổng mức đầu tư thay đổi, chủ đầu tư buộc phải đi xin lại chủ trương đầu tư. Thủ tục này có thể kéo dài nhiều tháng thậm chí hàng năm. Vì vậy, nếu Chính phủ không chỉ đạo quyết liệt, giải ngân đầu tư công năm nay chắc chắn sẽ thấp.
Mặt khác, theo ông Nguyễn Đình Cung, chúng ta không thể quyết định tổng mức đầu tư ngay từ trong chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư bởi đây là yếu tố dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả. Theo luật, khi tổng vốn đầu tư thay đổi, chủ đầu tư buộc phải xin điều chỉnh chủ trương đầu tư. Quy định này đang làm chậm trễ rất nhiều dự án đầu tư công lớn hiện nay như: Metro ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh… gây tốn kém, lãng phí và không hiệu quả. Cho nên, Chính phủ cần chỉ đạo thật nhanh để giải quyết tình trạng này; thậm chí có thể cần tới cả quyết định phi truyền thống hướng dẫn về thủ tục, thẩm định dự án… để điều chỉnh đồng loạt những quy định liên quan tới tổng mức đầu tư trong chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư. Xa hơn, chúng ta phải tiến tới sửa Luật Đầu tư công cũng như những quy định liên quan tới chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó tránh “bó cứng” tổng mức đầu tư của dự án. Nếu được, bỏ luôn quy định liên quan tới điều chỉnh chủ trương đầu tư vì trong năm 2021 và vài năm tới, động lực tăng trưởng vẫn đến từ đầu tư công. Có như vậy, chủ đầu tư và nhà thầu mới yên tâm khi tham gia dự án có sử dụng ngân sách nhà nước. Đặc biệt, cần thiết kế động lực tăng trưởng mới khi động lực tăng trưởng đến từ đầu tư công đang bị giảm sút.
Vì vậy, để bình ổn thị trường và giảm thiểu những hệ lụy không đáng có, Nhà nước cần có sự can thiệp bằng các công cụ quản lý vĩ mô theo thẩm quyền. Hơn lúc nào hết, ngay bây giờ, chúng ta cần một chiến lược phát triển ngành thép tổng thể, đồng bộ trong mối liên kết hữu cơ với các ngành cung cấp nguyên liệu và các ngành sử dụng thép chứ không chỉ đơn thuần là giải pháp tình thế để đối phó khi sự việc xảy ra và quẩn quanh nghĩ chuyện quản lý giá./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()