Cần giải quyết dứt điểm những vi phạm của bến bãi kinh doanh vật liệu ven sông
Tình trạng các bến, bãi kinh doanh vật liệu xây dựng trái phép, vi phạm những quy định về bảo hệ thống đê điều và các công trình phòng chống lụt bão đang là vấn đề bức xúc cần được các cấp, ngành tỉnh Hưng Yên xử lý hiệu quả.
Đi dọc tuyến đê sông Hồng, nhìn những bãi chứa ngồn ngộn cát, Phó chi cục Trưởng chi cục PCTT&TKCN tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Xuân Hữu cho biết: Những năm gần đây bến, bãi kinh doanh vật liệu xây dựng mọc nhanh như nấm; trong khi đó, việc quy hoạch, quản lý bến bãi còn nhiều bất cập, dẫn tới tình trạng khai thác cát, lập bến bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép, xe chở cát quá trọng tải làm hư hại nhiều tuyến đường giao thông, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống đê điều và các công trình phòng, chống lụt bão (PCLB).
Kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại các điểm khai thác cát, bến, bãi chứa vật liệu xây dựng trên tuyến đê sông Luộc, sông Hồng thuộc địa bàn tỉnh Hưng Yên của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh cho thấy: Trong tổng số 58 bến, bãi chứa chất vật liệu xây dựng, chỉ có 13 bến, bãi được UBND tỉnh Hưng Yên cấp giấy phép, còn lại là các bến, bãi hoạt động trái phép. Hơn 90% số bến, bãi kinh doanh vật liệu xây dựng có những vi phạm; chất tải cao hơn so với quy định từ 2m – 4m, vị trí chứa chất vật tư, vật liệu không đúng quy định, xây dựng bến, bãi không theo thiết kế… Điển hình, bến, bãi của các đơn vị; công ty TNHH xây dựng, sản xuất và thương mại Hưng Thịnh, doanh nghiệp tư nhân Trung Thắng, doanh nghiệp tư nhân Phi Hùng, công ty TNHH Tân Tiến, Công ty TNHH Tiến Ngạn….
Nhiều bến, bãi không thực hiện nghiêm túc việc cấm bốc xếp quá tải cho các phương tiện vận tải theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hưng Yên, đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng xe quá tải chạy trên đê, các đường giao thông; nhất là các bến thuộc địa phận xã Mễ Sở, huyện Văn Giang; các xã Bình Minh, Dạ Trạch, Hàm Tử, Chí Tân thuộc huyện Khoái Châu. Những khu vực này trước kia có rất nhiều xe chạy liên tục trong ngày, hiện nay chuyển hướng sang chạy vào ban đêm để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng, gây bức xúc cho nhân dân trong vùng. Một số trường hợp vi phạm về dòng chảy, làm cản trở dòng chảy, thay đổi chế độ dòng chảy, có thể gây mất an toàn cho hệ thống đê điều, như; công ty TNHH Hoàng Khuyên, xây mố trụ cẩu nhô ra ngoài sông, kích thước dài 17m, rộng 7m; công ty TNHH Vi Thành đắp lấn ra lòng sông làm đường dẫn ra vị trí bốc xếp dài hơn 30m. Nhiều điểm khai thác cát chưa lập hoàn chỉnh hồ sơ khai thác theo quy định, chưa được cấp có thẩm quyền thẩm tra về phương án khai thác, kiểm tra đánh giá trong quá trình khai thác có bảo đảm việc khai thác cát không làm thay đổi dòng chảy, không gây sạt lở bờ sông hay không? Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ đê điều của chính quyền các cấp, nhất là cấp xã, phường chưa được quan tâm đúng mức, buông lỏng; dẫn đến nhiều địa phương có bến, bãi đều vi phạm chế độ quản lý đất đai, dưới hình thức UBND xã trực tiếp ký hợp đồng cho thuê, hoặc bằng một số cách khác nhau, gián tiếp cho doanh nghiệp thuê đất, sử dụng đất sai mục đích để kinh doanh, bốc xếp vật liệu trên các bến bãi. Các cơ quan chức năng chưa cương quyết xử lý những sai phạm pháp luật về đê điều, kéo dài nhiều năm, đã “tạo điều kiện” các chủ bến bãi chấp hành không nghiêm những quy định của pháp luật, vi phạm không được khắc phục, trái lại ngày càng trầm trọng hơn. Việc phối hợp trong việc cấp phép khai thác cát, bến, bãi kinh doanh vật tư giữa các cơ quan chức năng chưa hiệu quả, nhiều lúc chưa có sự tham gia của cơ quan quản lý chuyên ngành dẫn đến việc cấp phép lấn ra cả bờ sông, lòng sông, vi phạm Luật Đê điều…
Trước những vấn đề bất cập trong quản lý khai thác cát, bến, bãi kinh doanh vật liệu xây dựng nêu trên, UBND tỉnh Hưng Yên đã nhiều lần có công văn chỉ đạo, xử lý khá quyết liệt những vi phạm về xe chở quá trọng tải, các cảng, bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng vi phạm Luật Đê điều….Tuy nhiên việc thực thi những chỉ đạo của UBND tỉnh của các cơ quan chức năng, nhất là UBND các huyện, xã hiệu quả chưa cao, tình trạng vi phạm nêu trên vẫn tái diễn, ngày càng phức tạp. Để bảo vệ hệ thống đê điều, các công trình PCLB trước mùa mưa lũ tỉnh Hưng Yên cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều, các quy định của Nhà nước về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều. Tiếp tục rà soát, quy hoạch, cấp phép theo quy hoạch các bến, bãi kinh doanh vật liệu xây dựng; xử lý nghiêm các bến bốc xếp vật liệu xây dựng vi phạm; dẹp bỏ những bến bãi không trong quy hoạch, hoạt động trái phép. Xử phạt và nghiêm cấm việc neo đậu tàu thuyền, bốc xếp vật liệu xây dựng tại các vị trí đê, kè, cống, các công trình PCLB. Tăng cường kiểm tra, phát hiện, lập biên bản, xử lý các vi phạm về đê điều, giao thông; nhất là các biện pháp xử lý cán bộ quản lý, phụ trách ở những nơi có bến bãi hoạt động trái phép, những nơi tái diễn những vi phạm đối với hệ thống đê điều, công trình PCLB…
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()