Cần giải pháp quản lý xe khách limousine
Hiện trường vụ tai nạn xe khách limousine trên đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình, khiến hai người chết.
Nguy cơ tai nạn cao
Khoảng 17 giờ ngày 5-3 vừa qua, xe khách limousine 16 chỗ BKS 36B – 027.16 di chuyển trên đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình, khi đến km 244 350, thuộc địa bàn xã Yên Trung (huyện Ý Yên, Nam Ðịnh), bất ngờ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) với xe công-ten-nơ di chuyển cùng chiều. Cú va chạm mạnh khiến một người chết tại chỗ, một người chết trên đường đi cấp cứu và hai người khác bị thương nặng. Ðược biết, người điều khiển xe limousine gặp nạn trên cao tốc là lái xe Nguyễn Hữu Hậu (SN 1989, ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa), trên xe có năm hành khách. Hai người chết trong vụ tai nạn được xác định là bác sĩ L.T. V, công tác tại Khoa gây mê hồi sức (Bệnh viện Bạch Mai) và một thiếu tá công an thuộc đơn vị K208, K20 Bộ Công an. Theo kết quả trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe khách BKS 36B-027.16 của Phòng Quản lý vận tải thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Thanh Hóa, trước thời điểm xảy ra tai nạn, xe chạy với tốc độ theo chiều hướng giảm dần từ 112 – 111 – 94 – 77 – 2 và về 0 km/giờ. Căn cứ kết quả này, Phòng Quản lý vận tải xác định xe bị TNGT vào lúc 17 giờ 7 phút ngày 5-3 với tốc độ 77 km/giờ. Ðây là loại xe 10 chỗ của Công ty TNHH Lý Thảo, địa chỉ tại huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), được cấp phù hiệu chạy hợp đồng. Theo tường trình của doanh nghiệp (DN) quản lý phương tiện, khi xe đang lưu thông trên đường cao tốc, do xe công-ten-nơ lưu thông phía trước có biểu hiện dừng đột ngột hoặc sang làn cho nên lái xe đánh lái gấp, va vào đuôi xe dẫn tới TNGT. Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải Nguyễn Văn Luật cho biết: Theo quy định, đối với loại xe này, không phải thông báo với cơ quan chức năng cụ thể ngày, giờ đi. Việc kiểm tra xe có “chạy dù” hay không, thuộc thẩm quyền của lực lượng kiểm soát trên đường. Về vấn đề bảo hiểm, xe này chắc chắn phải có bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, nếu không mua, khi đăng kiểm xe sẽ không được chấp nhận. Phòng Quản lý vận tải đang yêu cầu DN giải trình cụ thể vụ việc và nộp các giấy tờ khám sức khỏe định kỳ của lái xe, phụ xe.
Trước đó hơn một tháng, chính chiếc limousine này đã từng gây TNGT với một xe máy trên quốc lộ 1 thuộc địa bàn huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), khiến người đi xe máy bị chết. Cụ thể, khoảng 8 giờ 35 phút ngày 23-1, trên quốc lộ 1A đoạn qua xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương, chiếc xe này do lái xe Nguyễn Minh Bàng (SN 1991, trú tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa) điều khiển đã tông vào xe máy BKS 36B2-612.31 do ông Hoàng Công Ðức (SN 1960, ở xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương) điều khiển, khiến ông Ðức chết tại chỗ. Do xe là tài sản của DN, không phải của người điều khiển phương tiện gây tai nạn, cho nên căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành và DN có đơn xin đem xe về sửa chữa, công an tỉnh Thanh Hóa đã làm các thủ tục trả xe theo đúng quy định. Hiện cơ quan điều tra vẫn đang tạm giữ các giấy tờ liên quan phương tiện để phục vụ điều tra, khởi tố sau này. Xe limousine sau khi được lấy về, tiếp tục lưu thông và gây ra tai nạn thì trách nhiệm thuộc về lái xe và chủ DN.
“Lỗ hổng” quản lý xe limousine
Vài năm qua, số lượng xe limousine tăng đột biến ở nhiều địa phương do hoạt động khá tiện lợi và cơ động, tiếp cận đến các tuyến phố, khu dân cư dễ dàng, đưa đón khách tại nhà, hoạt động vào tất cả các khung giờ trong ngày. Theo số liệu thống kê không chính thức, cả nước có hàng nghìn chiếc xe hoán cải thành limousine, VIP, D.Car… xuất hiện nhan nhản khắp các cung đường. Mặc dù loại hình này được khá nhiều người ưa chuộng nhưng xe limousine vẫn bị đánh giá tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao. Bởi lịch chạy xe được tính toán dày đặc, nhằm bảo đảm thời gian quay đầu chạy tiếp chuyến sau, lái xe bị ép giờ phải thường xuyên đi tốc độ cao, lạng lách, lấn làn, cùng với đó tỷ lệ thuận với số vụ tai nạn, va chạm. Theo phân tích của một chuyên gia giao thông, nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến bùng phát xe khách limousine “trá hình” đã được phát hiện từ cách đây gần bốn năm. Bộ khung quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô-tô cốt lõi nhất là Nghị định 86/2014/NÐ-CP và Thông tư 63/2014/TT-BGTVT đều tồn tại một lỗ hổng rất lớn. Theo đó, từ ngày 1-7-2015, chỉ yêu cầu xe hợp đồng từ 10 chỗ trở lên phải báo cáo các thông tin như: Hành trình, danh sách khách, điểm đón trả,… về Sở GTVT địa phương trước khi thực hiện hợp đồng, còn xe dưới 10 chỗ không phải báo cáo. Từ kẽ hở này, để lách luật, DN đã hoán cải xe 16 chỗ thành xe chín chỗ như xe limousine, VIP, D.Car,… Cục Ðăng kiểm Việt Nam cũng cho biết, hiện không có quy định nào cấm hoán cải xe cơ giới xuống còn ít chỗ ngồi hơn so thiết kế của nhà sản xuất. Xét về góc độ kỹ thuật, việc hoán cải tạo xe từ nhiều chỗ ngồi xuống ít chỗ là tốt hơn, vì chỗ ngồi rộng, dễ thoát hiểm hơn, trọng tải nhẹ đi và vẫn bảo đảm an toàn kỹ thuật cho nên không thể dùng biện pháp hành chính để hạn chế việc loại xe này lách luật trong vận tải khách.
Xe khách trá hình núp bóng xe hợp đồng đang biến tướng tinh vi, công khai hoạt động và chạy như tuyến cố định trên nhiều tuyến Hà Nội đi các tỉnh Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lạng Sơn,… Tuy có thuận tiện cho hành khách, nhưng loại hình này vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, tác động xấu đến thị trường vận tải tuyến cố định do “giành mất” một lượng hành khách không nhỏ của xe chạy tuyến cố định. Bên cạnh đó, xe limousine đang né thuế bằng cách khai thấp hơn doanh thu. Mỗi khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, lái xe chỉ cần xuất trình một bản hợp đồng khống là xong. Ðây cũng chính là lỗ hổng cơ bản khiến lực lượng chức năng không có căn cứ xử lý. Chính vì thế, cơ quan quản lý cần tạo ra một hành lang pháp lý để quản lý loại hình này, không để hoạt động tràn lan và thiếu kiểm soát như hiện nay.
Các chuyên gia giao thông đều có cùng quan điểm cho rằng, nên mở rộng cửa cho loại hình này được vào bến xe hoạt động, chấp nhận loại xe này chạy theo tuyến, cạnh tranh với loại xe 30-45 chỗ. Cơ quan quản lý cần quy hoạch luồng tuyến, tăng thêm “nốt” các tuyến cố định, mục đích cao nhất là phục vụ hành khách. Tuy nhiên, phải có biện pháp quản lý tốt để tránh hành vi cạnh tranh không lành mạnh và trốn thuế của các DN vận tải. Tổng cục Ðường bộ Việt Nam đang phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng đề án đánh giá toàn diện thực trạng và đề xuất giải pháp quản lý hoạt động đối với xe hợp đồng limousine, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các DN và loại hình vận tải.
Theo Nhandan
Ý kiến ()