Cần giải pháp khả thi để ngăn chặn
Văn phòng công chứng có chức năng xác thực, chứng nhận tính chính xác, hợp pháp của các hợp đồng giao dịch dân sự dưới dạng văn bản hoặc một số giấy tờ khác. Vì vậy, nếu để giấy tờ giả “qua cửa” văn phòng công chứng sẽ gây nhiều hệ lụy khó lường.
Thời gian qua, nhiều vụ việc làm giả giấy tờ để thực hiện hành vi phạm pháp bị lực lượng chức năng phát hiện, triệt phá. Nguy hiểm hơn, không ít giấy tờ giả, giấy tờ mạo danh người khác để làm thủ tục công chứng chuyển nhượng, thế chấp nhà đất đã “qua cửa” công chứng khá dễ dàng, gây thiệt hại về vật chất, khiến người dân lo lắng khi giao dịch mua bán tài sản.
Đầu tháng 7-2021, ông Nguyễn Hoàng L. ở tổ 7, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, TP Hà Nội có mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chi nhánh Long Biên để làm thủ tục thế chấp vay tiền. Sau khi tiếp nhận, ngân hàng đã chuyển hồ sơ sang Văn phòng công chứng Hùng Vương (số 560 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên) để làm thủ tục công chứng theo quy định. Tuy nhiên, công chứng viên tại văn phòng công chứng nghi ngờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Hoàng L. là giả nên trả lại ngân hàng để xác minh. Nhân viên tín dụng của Eximbank đã mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên đến Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Long Biên và được xác nhận đây là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả. Qua xác minh cho thấy, ông Nguyễn Hoàng L. đã thuê người làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để làm thủ tục thế chấp vay tiền. Ngay sau đó, ngân hàng Eximbank đã bàn giao giấy tờ giả cho Công an quận Long Biên để điều tra, xử lý theo pháp luật.
Người dân làm thủ tục công chứng giấy tờ tại Văn phòng công chứng Hoàng Thắng (thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình). |
Thực tế cho thấy, không phải trường hợp giấy tờ giả nào cũng được công chứng viên phát hiện như trường hợp vừa nêu. Tháng 2-2021, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội hoàn tất cáo trạng truy tố 3 bị can: Ngô Thị Hiếu (trú tại huyện Đông Anh), Tạ Quốc Hùng (trú tại quận Ba Đình) và Nguyễn Lệ Huyền (ở quận Nam Từ Liêm) về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. 3 bị can nêu trên đã cùng đồng phạm có hành vi đánh tráo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thuê người đóng giả vợ chồng chủ đất, làm giả chứng minh nhân dân, hộ khẩu, trích lục kết hôn rồi lừa bán bất động sản tại văn phòng công chứng, thu lợi bất chính 2 tỷ đồng.
Theo một số công chứng viên, việc giả mạo các loại giấy tờ xảy ra khá nhiều tại các văn phòng công chứng, phổ biến nhất là giả mạo bằng tốt nghiệp, giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất… để công chứng, chứng thực. Trao đổi với chúng tôi, công chứng viên Lê Phú Thịnh, Văn phòng công chứng Hoàng Cầu (23, ngõ 59 Hoàng Cầu, quận Đống Đa, TP Hà Nội) chia sẻ: “Văn phòng công chứng có một số loại máy móc, thiết bị soi chiếu nhằm phát hiện giấy tờ giả, tuy nhiên, trước sự phát triển của công nghệ, giấy tờ giả được làm ngày càng tinh vi, vì thế, công chứng viên còn phải dựa vào kinh nghiệm làm nghề. Nhưng kinh nghiệm thì lại phụ thuộc vào năng lực và độ nhạy cảm của từng người, do đó thực tế vẫn có những trường hợp giấy tờ giả “qua cửa” công chứng. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có cơ chế hỗ trợ công chứng viên trong việc kiểm tra, xử lý các loại giấy tờ giả. Luật Công chứng năm 2014 đã quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu hành nghề công chứng, tuy nhiên sự kết nối, liên thông giữa các địa phương vẫn chưa tốt, vì thế khi có nghi ngờ giấy tờ giả, công chứng viên cũng không có cách gì kiểm tra, làm rõ”.
Để ngăn chặn tình trạng giấy tờ giả “qua cửa” văn phòng công chứng, các cơ quan quản lý tổ chức hành nghề công chứng, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam và các hội công chứng viên trên cả nước đã tiến hành nhiều cuộc tập huấn nhằm nâng cao trình độ, đạo đức nghề nghiệp cho công chứng viên. Các tổ chức hành nghề công chứng cũng đã không ngừng áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao trong hoạt động. Về vấn đề này, luật sư Trần Văn Hùng, Công ty Luật TNHH Bùi Gia và cộng sự nêu ý kiến: “Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19-11-2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng đã xác định nhiều giải pháp, trong đó có nội dung hoàn chỉnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng theo quy định của Luật Công chứng để phục vụ hoạt động công chứng, bảo đảm chia sẻ và kết nối thông tin công chứng với các ngành, lĩnh vực khác có liên quan. Bên cạnh đó, chúng ta cần nhanh chóng hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng tại các địa phương, cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc; thực hiện việc cập nhật, kết nối, chia sẻ các dữ liệu có liên quan đến hoạt động công chứng… Đây là những giải pháp lâu dài để giải quyết tận gốc tình trạng sử dụng giấy tờ giả trong công chứng như hiện nay”.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()