Cần giải pháp đồng bộ để quản lý giá thuốc, tránh gánh nặng thủ tục cho địa phương
Bên cạnh nhấn mạnh sự cần thiết phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc, không phân biệt thuốc kê đơn hay không kê đơn khi nói đến giá bán, đại biểu Quốc hội cũng lưu ý rằng, việc kê khai giá thuốc tại địa phương có thể gây khó khăn và gánh nặng hành chính cho chính quyền và các cơ sở kinh doanh, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Hà Nội.
Phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc
Sáng 22/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về dự thảo quy định: Tại Điều 107 chỉ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn. Vậy đối với thuốc không kê đơn của cơ sở nhập khẩu và cơ sở sản xuất thì quản lý giá thế nào?
Theo đại biểu, khi quản lý về chuyên môn thì cần phân biệt các loại thuốc kê đơn và không kê đơn, nhưng khi quản lý về giá thì cần phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc.
Dự thảo luật quy định tại Điều 112 sửa đổi, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận hồ sơ kê khai giá thuốc của các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn theo quy định về quản lý giá thuốc.
Như vậy, nếu không có tiêu chí để các địa phương có thể ban hành danh sách các cơ sở kinh doanh dược phải kê khai giá sẽ dẫn đến mỗi địa phương sẽ có cách tổ chức thực hiện khác nhau và cùng một doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều địa bàn tỉnh thì việc thực hiện kê khai giá cũng sẽ rất khác nhau.
Hơn nữa, với với một số tỉnh, thành phố có quy mô lớn như Hà Nội có gần 10.000 cơ sở bán lẻ và gần 1.500 cơ sở bán buôn, quy định này sẽ tạo thêm nhiều công việc cho chính quyền địa phương, tăng gánh nặng về thủ tục cho các cơ sở kinh doanh dược.
Trong khi đó, ngay từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 23 về việc kết nối liên thông của các cơ sở cung ứng thuốc. Bộ Y tế cũng đã ban hành quyết định về chuẩn dữ liệu đầu ra, trong đó có đầy đủ trường thông tin về giá thuốc để quản lý. Hơn nữa, mục đích của kê khai giá chỉ là tổng hợp, dự báo thị trường theo quy định tại Luật giá.
Từ những phân tích trên, đại biểu Nhị Hà đề xuất Ban soạn thảo quy định tiêu chí đối với cơ sở dược phải kê khai giá thuốc để các địa phương tổ chức thực hiện, đồng thời chưa thực hiện việc kê khai giá đối với cơ sở bán lẻ thuốc, lý do bởi tất cả các cơ sở đều phải thực hiện niêm yết giá khi bán thuốc và phải thực hiện quy định liên thông dữ liệu trên hệ thống dược quốc gia.
Tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp dược
Quan tâm tới Điều 8 dự thảo luật về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho biết, hiện nay đang xây dựng 2 phương án, phương án 1 quy định cụ thể về vốn đầu tư với quy mô đầu tư tối thiểu là 3.000 tỷ đồng, điều kiện thực hiện trong 3 năm đầu là 1.000 tỷ đồng.
Đại biểu cho rằng đây là điều kiện rất khó khăn, bởi lĩnh vực được hưởng ưu đãi trong công nghiệp dược là phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền từ dược liệu trong nước, dược liệu, dược chất, thuốc mới, thuốc hiếm,…
Đây là những lĩnh vực rất hẹp, trong khi đó lại yêu cầu quy mô đầu tư rất cao, khả năng giải ngân trong 3 năm đầu hoàn toàn không khả thi. Do đó, đại biểu cho rằng cần phát xem xét lại nội dung này.
Đại biểu cho rằng, phương án này có ưu điểm là xác định được cụ thể quy mô của dự án đầu tư để được hưởng ưu đãi tại Điều 20 của Luật Đầu tư. Phương án 2 thì quy định phải đáp ứng được quy định tại Điều 20 mới được hưởng ưu đãi. Do đó, đại biểu cho rằng cần điều chỉnh lại quy định về vốn đầu tư và tiến độ giải ngân để bảo đảm phù hợp.
Bày tỏ đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Lâm Thành về ưu đãi đầu tư, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) lựa chọn phương án 1, với dự án thành lập mới trong lĩnh vực dược có quy mô đầu tư từ 1.000 tỷ trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 500 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp nhận chủ trương đầu tư.
Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, cần bổ sung các quy định về nội dung chuyển đổi số trong các hoạt động của ngành dược ở Việt Nam.
Theo đại biểu, chuyển đổi số cần được bổ sung vào Điều 7 quy định về chính sách của Nhà nước đối với phát triển ngành dược. Cụ thể, việc triển khai kê đơn thuốc qua mạng cần được thực hiện từng bước và quyết liệt để bảo đảm quản lý tốt hơn chất lượng kê đơn, hình thức kê đơn, theo dõi tốt hơn hiệu lực kê đơn, hiệu quả của đơn thuốc, kinh phí, tài chính.
Bảo đảm nhiều yếu tố tổng thể để giải quyết vấn đề thiếu thuốc
Giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, đề nghị quy định cụ thể hơn các chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp dược, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đây là nội dung liên quan đến kỹ thuật lập pháp, bởi nội dung này có liên quan đến nhiều các luật về kinh tế khác, nếu quy định tổng hợp hết các chính sách vào dự thảo luật này thì sẽ rất nhiều.
“Cho nên trong quá trình xây dựng, vấn đề nào cần phải chi tiết, cụ thể thì chúng ta sẽ quy định ở các luật chuyên ngành. Trong dự thảo luật này, chúng ta không thể chỉ được cụ thể mức độ như thế nào mà cần dẫn chiếu để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam”, Bộ trưởng Y tế nêu rõ.
Nhấn mạnh thuốc là mặt hàng quan trọng với người dân, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, giải quyết triệt để vấn đề thiếu thuốc đang là bài toán chung của nhiều quốc gia, nhất là sau đại dịch Covid-19, không chỉ ở Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng cần bảo đảm nhiều yếu tố tổng thể.
Theo đó, cần bảo đảm nguồn cung ứng thuốc ra thị trường; phát triển ngành công nghiệp dược trong nước; giải quyết các vấn đề khó khăn liên quan mua sắm, đầu thầu; công tác tổ chức thực hiện cấp phép lưu hành, mua sắm, vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở y tế…
Liên quan đến nội dung kinh doanh chuỗi nhà thuốc, Bộ trưởng Y tế cho biết, dự thảo luật này cũng đã bổ sung thêm các quy định về quyền và trách nhiệm của các tổ chức chuỗi nhà thuốc; trách nhiệm của nhà thuốc trong chuỗi; cũng như quy định cụ thể việc các nhà thuốc phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động cung ứng, tức quản lý gốc chứ không phải quản lý ngọn.
Qua đó, các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh chuỗi nhà thuốc sẽ phải tùy điều kiện, năng lực để rà soát, chấn chỉnh, bảo đảm chất lượng phục vụ cho người dân.
Về vấn đề thương mại điện tử, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, trong thực tiễn đang có khoảng trống pháp lý, đặc biệt đối với mặt hàng đặc thù như thuốc.
Chính vì vậy, trong dự thảo luật chỉ cho phép việc kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử… có chức năng đặt hàng trực tuyến để xác định rõ pháp nhân phải chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng quy định thêm các quy định về điều kiện kinh doanh loại thuốc, đối tượng được tham gia mua bán, vấn đề quản lý chất lượng, quản lý giá thuốc, trách nhiệm của người thực hiện kinh doanh thương mại điện tử…
Liên quan tới nội dung về cấp phép, đăng ký lưu hành, gia hạn thuốc, tiếp thu tinh thần chỉ đạo chung và trên cơ sở những bất cập của Luật Dược năm 2016, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, dự thảo đã quy định rất rõ những điều kiện về tham chiếu, thừa nhận, giảm thủ tục hành chính trong quá trình triển khai thực hiện.
Ý kiến ()