Cần gắn kết chặt chẽ sản phẩm nông nghiệp với thị trường bán lẻ hiện đại
|
Ảnh minh họa (Ảnh: tienphong.vn) |
Thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, thể hiện ở số lượng các cửa hàng bán lẻ gia tăng mạnh mẽ. Cụ thể, cuối năm 1996, tại Việt Nam chỉ có 12 siêu thị và trung tâm thương mại phân bố ở 6 tỉnh, thành phố. Nhưng đến năm 2012, cả nước đã có xấp xỉ 1000 điểm bán lẻ hiện đại (trong đó gồm 66 trung tâm thương mại và đại siêu thị, 421 siêu thị hiện đại, 362 siêu thị mini và cửa hàng bán lẻ tiện ích, 19 trung tâm bán buôn,…). Cùng với hệ thống 9.063 chợ truyền thống và hơn 900.000 cửa hàng bán lẻ truyền thống đang hoạt động, các loại hình phân phối bán lẻ hàng hóa hiện đại đang cải cách mạnh mẽ hệ thống phân phối hàng hóa ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, dù gặp khó khăn bởi sự suy thoái nền kinh tế toàn cầu, ngành bán lẻ Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng khá trong giai đoạn 2009-2012, đạt xấp xỉ 6% mỗi năm. Năm 2011, tổng mức bán lẻ và doanh thu của dịch vụ tiêu dùng đạt 725,3 nghìn tỷ đồng, tăng 28,78% so với năm 2010. Năm 2012, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 900,7 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 30% tổng doanh số bán hàng quốc gia, tăng 30% so với năm 2011.
Rõ ràng tăng trưởng của thị trường bán lẻ hiện đại đang mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và cơ hội cho nhà sản xuất cải thiện năng lực cạnh tranh và phân phối các mặt hàng. Trong đó, sản phẩm nông nghiệp được đánh giá là mặt hàng có nhiều lợi thế ở thị trường này.
Nhằm tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển, đưa thị trường trở thành cầu nối giữa sản xuất với tiêu dùng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng về nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp theo định hướng thị trường, hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng nông sản trong nước. Các chính sách cùng với cơ chế huy động linh hoạt đã tạo sự chủ động cho các địa phương trong việc huy động nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trên cơ sở đó tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên, hiện, mối liên kết giữa sản xuất nông nghiệp với thị trường bán lẻ ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn. Sau nhiều năm hoạt động, mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp chưa phát huy được hiệu quả; quan hệ giữa doanh nghiệp với nông dân vẫn còn lỏng lẻo, trong đó mối liên kết về lợi ích và trách nhiệm còn chưa chặt chẽ. Doanh nghiệp chưa phát huy được vai trò dẫn dắt định hình vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cũng như về mặt pháp lý khi có hiện tượng phá vỡ hợp đồng giữa doanh nghiệp và người nông dân. Bên cạnh đó, một số chính sách còn mang nặng thúc đẩy phát triển sản xuất hơn là tiếp cận thị trường; thiếu đánh giá, phản hồi dẫn đến tình trạng chồng chéo và chậm cải tiến.
Nhằm tăng cường sự kết nối giữa nông nghiệp và thị trường bán lẻ hiện đại, theo TS. Hoàng Khắc Lịch (Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội) cần phát triển hệ thống hạ tầng thương mại nông thôn cân đối, phù hợp với trình độ phát triển thị trường khu vực nông thôn. Trong đó, hạ tầng nông thôn cần quy hoạch theo hướng mở trong mối quan hệ gắn bó với hệ thống hạ tầng thương mại. Trên cơ sở đó tạo động lực thu hút các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh. Song song với kết cấu hạ tầng, cần có các biện pháp quản lý hỗ trợ và giảm thiểu rủi ro trong tín dụng nông nghiệp, bởi, trên thực tế, đặc trưng của các khoản vay nông thôn là cho vay hộ gia đình, cá nhân, hoạt động manh mún và chịu nhiều rủi ro do tác động của các yếu tố thị trường, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Mặt khác, cần cải thiện năng lực chế biến, đóng gói và bảo quản hàng nông sản; áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng.
Nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nông nghiệp, cũng theo TS. Hoàng Khắc Lịch cần có các quy định, yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, xuất xứ để ràng buộc người cung cấp và tạo niềm tin cho người mua. Bên cạnh đó, cần đưa thêm những quy định về hoạt động tiếp thị, quảng cáo, tránh những hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, để đạt hiệu quả đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam (trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ hiện đại) cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời hình thành các chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất, thu hoạch đến chế biến, đóng gói và bảo quản. Bên cạnh đó, cần đảm bảo nguồn cung thông qua việc liên hệ chặt chẽ với người nông dân bằng các hoạt động đầu tư dài hạn; đào tạo, tập huấn khoa học kỹ thuật.
Trong tình trạng mở cửa hiện nay, rất dễ dẫn đến tình trạng mất cân đối thị trường, với các siêu thị tập trung cao độ tại các thành phố lớn và thưa thớt tại các vùng nông thôn. Do vậy, để sản phẩm nông nghiệp có thể đi xa hơn, ngoài việc mở rộng thị trường, cần có những thay đổi và đa dạng hóa các loại hình bán lẻ. Cụ thể, vùng nông thôn ngoại thành, ngoại thị chú trọng phát triển các loại hình bán lẻ hiện đại; các thị trấn, thị tứ của các tỉnh đồng bằng, ven biển tập trung phát triển các loại hình bán lẻ như bách hóa, cửa hàng tự chọn. Thêm vào đó, hình thành khu vực bán lẻ tập trung với nhiều loại hình đa dạng; các xã sẽ phát triển chợ, kết hợp giữa phát triển các điểm bán lẻ và thu mua nông sản.
Ý kiến ()