Cần được quan tâm từ nhiều phía
LSO-Chính sách khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng để người khuyết tật (NKT) sống độc lập và hòa nhập cộng đồng được quy định khá đầy đủ, cụ thể trong các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện nay vấn đề này mới chỉ được thực hiện thông qua Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 – 2020.
Phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân tại Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh |
Năm 2014 là năm đầu tiên các nội dung trong Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 – 2020 được thực hiện trên địa bàn Lạng Sơn. Trong đó, Sở LĐTB&XH phối hợp với Sở Y tế trên cơ sở giao kinh phí 80 triệu đồng cho Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh thực hiện. Bác sĩ Nguyễn Khắc Dinh, Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh cho biết: ngay khi được giao nhiệm vụ, đơn vị đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, tổ chức họp và triển khai kế hoạch công tác phát hiện sớm, can thiệp sớm và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Đồng thời phân công công việc, cử các bác sĩ chuyên khoa cấp 1, kỹ thuật viên chuyên ngành điều dưỡng phối hợp trực tiếp với các trung tâm y tế huyện triển khai các nội dung tập huấn, khám sàng lọc phân loại, đánh giá mức độ khuyết tật, cung cấp dụng cụ trợ giúp người khuyết tật. Mục tiêu chính là nâng cao kỹ năng phát hiện sớm và can thiệp sớm các dạng khuyết tật thường gặp tại cộng đồng, đặc biệt là khuyết tật ở trẻ em; kỹ năng triển khai công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng của trạm y tế tại địa bàn quản lý.
Đề án được triển khai, thực hiện tại 9 xã của 3 huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Lãng. Theo đó, Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng đã phối hợp với trung tâm y tế các huyện tổ chức 3 lớp tập huấn cho 92 học viên là các cán bộ phụ trách công tác phục hồi chức năng của trung tâm y tế huyện, phòng y tế huyện, trạm y tế xã trên địa bàn các huyện có triển khai Đề án. Các học viên được truyền đạt đầy đủ kỹ năng phát hiện sớm và can thiệp sớm các dạng thường gặp tại cộng đồng, đặc biệt là khuyết tật ở trẻ em; công tác quản lý, theo dõi người khuyết tật tại cộng đồng; phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng… Cùng với đó, Bệnh viện cũng phối hợp với Bệnh viện Đa khoa trung tâm, Trung tâm Phòng, chống các bệnh xã hội, trung tâm y tế các huyện, trạm y tế xã tổ chức khám sàng lọc cho 262 NKT tại 9 xã điểm. Qua phân loại có 64 NKT vận động, 47 NKT nặng, 14 NKT đặc biệt nặng. Trong đó, có 66 trường hợp được chỉ định cần hỗ trợ dụng cụ trợ giúp. Từ nay đến cuối năm, Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng sẽ sử dụng nguồn kinh phí còn lại của Đề án để cấp các dụng cụ trợ giúp cho NKT đã qua khám sàng lọc như gậy, nạng, khung nạng, giầy nâng bàn chân giả, xe lăn…
Theo số liệu tổng hợp của Sở LĐTB&XH tỉnh, hiện toàn tỉnh có trên 10.000 NKT các dạng, 2/3 số đó là khuyết tật hệ vận động, còn lại là các dạng khuyết tật hệ thần kinh, thị giác, thính giác… Tuy nhiên, số NKT được khám sàng lọc, phân loại và được cấp dụng cụ trợ giúp còn quá ít so với thực tế. Ngành chức năng cũng nhận định rằng chỉ có khoảng 70% tỷ lệ NKT sử dụng thẻ BHYT tự nguyện đi khám bệnh tại các cơ sở y tế. Nguyên nhân do: NKT khám bệnh bằng thẻ BHYT phải khám theo đúng tuyến mà nơi khám chữa bệnh ban đầu (thường là tuyến xã) chưa đủ trang thiết bị và nhân lực có kinh nghiệm về khám, chữa bệnh cho NKT. Rất ít trạm y tế xã thực hiện việc lập hồ sơ quản lý đối tượng, theo dõi tình hình sức khỏe của NKT theo quy định của Luật NKT. Đây là thiệt thòi rất lớn đối với họ.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Đài, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTB&XH tỉnh cho biết: hoạt động trợ giúp NKT năm nay tập trung vào công tác phát hiện sớm, can thiệp sớm và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, đặc biệt là khuyết tật ở trẻ. Tuy nhiên với nguồn kinh phí hạn chế nên các hoạt động nằm trong phạm vi đề án còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu được chăm sóc sức khỏe rất lớn của NKT ở cộng đồng. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của ngành chức năng là bên cạnh việc quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, công tác chăm sóc, trợ giúp NKT tiếp tục nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa về kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu; tập huấn, nâng cao năng lực của các cán bộ y tế có chuyên môn chăm sóc NKT và từ nguồn xã hội hóa…để NKT có cơ hội hòa nhập cuộc sống cộng đồng.
THANH HÒA
Ý kiến ()