Cần được phát hiện sớm
LSO-Men Glucose-6-phosphate dehydrogenase (G6PD) rất cần thiết cho phản ứng sinh hoá trong tế bào hồng cầu (máu) giúp cho màng tế bào bền vững trước tác nhân gây stress, oxy hoá có trong một số thuốc, thức ăn, tác nhân bệnh truyền nhiễm. Thiếu men G6PD sẽ làm cho trẻ sơ sinh bị vàng da, vàng mắt và nếu nhiều hơn sẽ bị ngấm vào não gây ra biến chứng thần kinh không phục hồi, gây bại não để lại di chứng sau này.
Y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn lấy mẫu máu ở gót chân xét nghiệm cho trẻ |
Thiếu men G6PD là một bệnh phổ biến, trên thế giới hiện có hơn 400 triệu người mắc bệnh này. Bệnh thường gặp ở châu Phi, Trung Đông và Nam Á, cứ 100 trẻ sơ sinh sẽ có 3 – 5 trẻ thiếu men G6PD. Ở Việt Nam, tỷ lệ này là 4/1.000 trẻ sơ sinh. Đối với tỉnh Lạng Sơn, theo thống kê của Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh, từ đầu năm đến nay có 453 mẫu xét nghiệm thực hiện sàng lọc sơ sinh (SLSS), kết quả đã phát hiện 52 trẻ có nguy cơ cao thiếu men G6PD.
Việc trẻ thiếu G6PD vẫn có thể phát triển bình thường, hoàn toàn không có biểu hiện gì của bệnh nếu được chăm sóc đúng cách, đặc biệt là trong giai đoạn sơ sinh. Trong giai đoạn sơ sinh, hậu quả của bệnh sẽ gây tổn thương nghiêm trọng hơn cho trẻ và để lại di chứng lâu dài, ví dụ như bại não. Chính vì vậy, trẻ cần được chẩn đoán và phát hiện bệnh một cách sớm nhất. Theo các bác sĩ, cách phát hiện bệnh sớm là qua chương trình SLSS: sau sinh 48 giờ, trẻ sẽ được lấy mẫu máu ở gót chân để làm xét nghiệm G6PD.
Hiện nay, tỉnh có 10 trung tâm dân số – KHHGĐ và 10 trung tâm y tế huyện ký kết hợp đồng ba bên triển khai SLSS theo cơ chế xã hội hóa. Thế nhưng, hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chưa thực hiện việc SLSS do gặp phải nhiều vướng mắc với Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Bionet Việt Nam (đơn vị thực hiện xét nghiệm SLSS).
Ông Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số – KHHGĐ tỉnh cho biết: Việc xã hội hóa sàng lọc trước sinh và sơ sinh là rất cần thiết. Sau khi khám sàng lọc có thể can thiệp, điều trị kịp thời những trường hợp trẻ bị thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh… Những trường hợp có nguy cơ cao thiếu men G6PD sẽ được các y, bác sĩ hướng dẫn, đưa ra phác đồ điều trị kịp thời để trẻ phát triển hoàn toàn bình thường theo chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý.
Chị Lương Thị T (sản phụ yêu cầu giấu tên), xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng cho biết: Sau khi được tuyên truyền về lợi ích của việc SLSS, gia đình tôi đã đồng ý cho lấy máu ở gót chân để xét nghiệm cho trẻ. Kết quả xét nghiệm cho thấy, con tôi có nguy cơ cao thiếu men G6PD. Sau khi được các y, bác sĩ hướng dẫn dùng thuốc, điều trị đúng phác đồ, hiện tại con tôi đã phát triển hoàn toàn bình thường như các trẻ khác cùng tuổi.
Ông Nguyễn Quang Bằng cho biết thêm: Bệnh nhân thiếu men G6PD cần giữ gìn sức khỏe, tránh để mắc những bệnh do nhiễm khuẩn, nhiễm virut. Nên báo cho bác sĩ và nhân viên y tế về tình trạng thiếu men G6PD của trẻ trước khi dùng thuốc vì cần phải tránh một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt có chứa aspirin hoặc phenacetin. Thận trọng với một số loại thuốc nam, thuốc đông y và các loại đậu vì có thể chứa chất oxy hóa…
Để trẻ em sinh ra bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng cần thực hiện tốt việc sàng lọc trước sinh và SLSS. Do đó, việc xã hội hóa sàng lọc trước sinh và SLSS cần có sự chung tay, góp sức của các ban, ngành liên quan nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.
TRIỆU THÀNH
Ý kiến ()